Thứ Bảy, 26/10/2024 14:02

Các tác động toàn cầu từ gói kích thích kinh tế của Trung Quốc

Gói kích thích mới công bố của Trung Quốc nhằm mục đích thúc đẩy thanh khoản, kích thích tiêu dùng và phục hồi thị trường bất động sản. Mặc dù đã xoa dịu lo ngại của các nhà đầu tư về ý chí chủ quan của chính phủ nhưng đây chỉ là bước đầu tiên hướng tới việc hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng toàn diện của nền kinh tế Trung Quốc.

* Bài viết thể hiện quan điểm của Shang-Jin Wei

Trung Quốc công bố gói kích thích với 3 thành phần chính

Thời điểm công bố gói kích thích kinh tế mới của Trung Quốc không phải là ngẫu nhiên. Được công bố ngay trước kỷ niệm 75 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thông báo này đã được các nhà đầu tư chứng khoán đón nhận nồng nhiệt, khiến các chỉ số chứng khoán chính của nước này tăng hơn 15%.

Gói kích thích này làm gợi nhớ đến gói 4,000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 568 tỷ USD) được Trung Quốc đưa ra vào cuối năm 2008 nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2010. Gói kích thích trước đó đã giúp Trung Quốc trở thành một trong số ít nền kinh tế lớn không rơi vào suy thoái nghiêm trọng và thực tế đã nâng mức tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc lên 10% vào năm 2010, đồng thời thúc đẩy nhu cầu toàn cầu từ các quốc gia khác.

Lần này, tác động toàn cầu của gói kích thích kinh tế của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng, bao gồm quy mô, phạm vi, khả năng thúc đẩy tăng trưởng nội địa và sức mạnh của các mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với các quốc gia khác.

Gói kích thích hiện tại bao gồm ba thành phần chính. Thứ nhất, gói này tăng cường thanh khoản bằng cách giảm lãi suất điều hành xuống 20 điểm cơ bản, hạ lãi suất vay thế chấp 50 điểm cơ bản và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại 50 điểm cơ bản. Thứ hai, nó hướng đến việc hồi sinh lĩnh vực bất động sản bằng cách hạ mức đặt cọc tối thiểu cho việc mua nhà mới, kết hợp với các biện pháp bổ sung từ chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy nhu cầu mua nhà. Thứ ba, các biện pháp tài khóa mới sẽ sớm được triển khai, có thể bao gồm chuyển tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và các gia đình có trẻ nhỏ.

Sự tăng vọt gần đây của giá cổ phiếu Trung Quốc có thể phản ánh kỳ vọng về lạm phát cao hơn, điều này sẽ làm tăng lợi nhuận danh nghĩa và kỳ vọng về sự cải thiện trong các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Hai yếu tố này có những tác động khác nhau đến nền kinh tế Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Tại thời điểm này, nền kinh tế Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ mức lạm phát nhẹ. Vào tháng 09/2023, tôi đã lập luận rằng Trung Quốc nên triển khai một gói kích thích quy mô lớn để thoát khỏi vòng xoáy giảm phát nợ. Nói cách khác, gói kích thích hiện tại lẽ ra nên được thực hiện sớm hơn một năm. Nhưng thà muộn còn hơn không.

Dựa trên phản ứng của thị trường tài chính, gói kích thích này được cho là đã làm giảm bớt lo ngại về ý chí chủ quan của chính phủ trong việc thực hiện những biện pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nhà đầu tư chứng khoán giờ đây dường như tự tin hơn rằng Trung Quốc có thể hồi phục nền kinh tế và đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong quý cuối cùng của năm nay và trong năm 2025.

Cả Trung Quốc và thế giới sẽ cần chờ xem liệu sự lạc quan này có chuyển hóa thành sự gia tăng niềm tin của người tiêu dùng, đầu tư thực chất từ cả các công ty tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, cũng như sự hồi phục của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những tháng và năm tới hay không. Các tác động tích cực đến nền kinh tế toàn cầu sẽ càng sâu rộng hơn nếu sự tăng trưởng của Trung Quốc được thúc đẩy bởi những nền tảng kinh tế vững chắc, thay vì chỉ nhờ vào việc tăng giá danh nghĩa.

Các đối tượng được hưởng lợi

Trong số các nền kinh tế phát triển, Australia và Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt nếu lĩnh vực bất động sản có dấu hiệu hồi phục dù chỉ một phần. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu về quặng sắt và các nguyên liệu thô khác từ Australia, trong khi Hàn Quốc, với vai trò là nhà cung cấp chính trong chuỗi giá trị của Trung Quốc, có thể chứng kiến sự gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu công nghiệp của mình.

Nếu các hộ gia đình Trung Quốc sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, những quốc gia sản xuất hàng hóa xa xỉ hoặc thu hút du khách Trung Quốc như Pháp và Ý có thể hưởng lợi đáng kể trong những tháng tới, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên Đán vào cuối tháng Giêng. Ngược lại, Mỹ được dự đoán sẽ thu về lợi ích hạn chế hơn trong lần này do các rào cản thương mại và lệnh cấm xuất khẩu công nghệ mà nước này đã áp đặt lên Trung Quốc trong những năm gần đây.

Nhật Bản là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn từ gói kích thích kinh tế của Trung Quốc năm 2008, khi nhiều công ty Nhật Bản, như các đối tác Hàn Quốc, đóng vai trò là nhà cung cấp chính cho doanh nghiệp Trung Quốc. Nhật Bản cũng là điểm đến phổ biến của khách du lịch Trung Quốc. Trong khi thông báo về gói kích thích của Trung Quốc không tạo ra sự phấn khích rõ rệt nào trên thị trường chứng khoán Tokyo, các báo cáo truyền thông cho thấy rằng lo ngại xung quanh chính sách kinh tế của Thủ tướng mới Ishiba Shigeru có thể đã làm lu mờ những kỳ vọng vào các lợi ích từ gói kích thích này.

Trong các nước đang phát triển, các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia, cùng với các nhà sản xuất hàng hóa lớn như Chile và Argentina, có khả năng hưởng lợi từ việc gia tăng nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa và nguyên liệu đầu vào công nghiệp.

Gói kích thích này là bước khởi đầu quan trọng trong việc phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng tăng trưởng lâu dài, Trung Quốc cũng cần thực hiện thêm nhiều cải cách cấu trúc. Điều này bao gồm việc cải thiện môi trường kinh doanh cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước và công ty nước ngoài. Những cải cách này sẽ khuyến khích các doanh nhân đầu tư và sáng tạo, cũng như thúc đẩy chi tiêu của hộ gia đình. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ không chỉ cải thiện đời sống của công dân nước này mà còn tạo ra những tác động tích cực cho nền kinh tế toàn cầu.

Giới thiệu về tác giả Shang-Jin Wei

Shang-Jin Wei, cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, Giáo sư tài chính và kinh tế tại Trường Kinh doanh Columbia và Trường Quan hệ Quốc tế và Công chúng thuộc Đại học Columbia.

Nguồn: The Chinese University of Hong Kong, Shenzhen

Phòng Tư vấn Vietstock

FILI

Các tin tức khác

>   Giải Nobel Kinh tế 2024 có giá trị như thế nào? (15/10/2024)

>   IMF: Nợ công toàn cầu sẽ đạt 100,000 tỷ USD vào cuối năm 2024 (15/10/2024)

>   Mỹ cân nhắc siết chặt xuất khẩu chip AI của Nvidia và AMD (15/10/2024)

>   Goldman Sachs nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc (15/10/2024)

>   Trung Quốc tính huy động 846 tỷ USD để giải cứu kinh tế? (15/10/2024)

>   Bộ ba đoạt Nobel Kinh tế 2024: Acemoglu, Johnson và Robinson (14/10/2024)

>   Trung Quốc nhận thêm tin đáng ngại về xuất khẩu (14/10/2024)

>   Tính đột phá và giá trị khoa học là những yếu tố quyết định giải Nobel Kinh tế (14/10/2024)

>   Trung Quốc đối mặt áp lực giảm phát ngày càng lớn (14/10/2024)

>   Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách nhằm ngăn chặn khủng hoảng bất động sản (16/10/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật