Mỹ cân nhắc siết chặt xuất khẩu chip AI của Nvidia và AMD
Trong một động thái mới nhất của cuộc chiến công nghệ toàn cầu, chính quyền Biden đang cân nhắc áp đặt hạn ngạch xuất khẩu chip AI tiên tiến của Nvidia và các công ty Mỹ khác đối với từng quốc gia cụ thể.
Theo nguồn tin thân cận, cách tiếp cận mới này sẽ đặt ra mức trần cho giấy phép xuất khẩu đối với một số quốc gia nhất định vì lợi ích an ninh quốc gia. Các quan chức đang tập trung vào các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư, nơi có nhu cầu ngày càng tăng đối với các trung tâm dữ liệu AI và có nguồn tài chính dồi dào để xây dựng các trung tâm dữ liệu AI khổng lồ.
Mặc dù các cuộc thảo luận vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, ý tưởng này đã thu hút sự chú ý đáng kể trong những tuần gần đây. Nó được xem như một bước tiến xa hơn so với khuôn khổ mới được Bộ Thương mại công bố vào tháng trước, nhằm đơn giản hóa quy trình cấp phép cho việc vận chuyển chip AI đến các trung tâm dữ liệu ở những quốc gia như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Saudi.
Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng từ chối bình luận về các cuộc đàm phán nhưng đã chỉ ra một tuyên bố chung gần đây giữa Mỹ và UAE về AI. Trong đó, hai quốc gia thừa nhận "tiềm năng to lớn của AI vì lợi ích chung", cũng như "những thách thức và rủi ro của công nghệ mới nổi này và tầm quan trọng sống còn của các biện pháp bảo vệ”.
Việc đặt ra giới hạn dựa trên quốc gia sẽ tác động tới tham vọng trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, khi Washington xem xét các rủi ro an ninh của sự phát triển AI trên toàn thế giới. Chính quyền Biden đã hạn chế vận chuyển chip AI của các công ty như Nvidia và AMD đến hơn 40 quốc gia trên khắp Trung Đông, Châu Phi và Châu Á vì lo ngại sản phẩm của họ có thể bị chuyển hướng sang Trung Quốc.
Đồng thời, một số quan chức Mỹ xem giấy phép xuất khẩu bán dẫn, đặc biệt là chip Nvidia, như một đòn bẩy để đạt được các mục tiêu ngoại giao rộng lớn hơn. Điều này có thể bao gồm việc yêu cầu các công ty chủ chốt giảm bớt quan hệ với Trung Quốc để có quyền tiếp cận công nghệ Mỹ - nhưng những lo ngại này vượt xa Bắc Kinh.
Chia sẻ tại một diễn đàn vào tháng 6, Tarun Chhabra, Giám đốc cấp cao về công nghệ tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC), cho biết: "Chúng ta sẽ phải trao đỏi với các quốc gia trên toàn thế giới về cách họ dự định sử dụng những khả năng này. Nếu bạn đang nói về các quốc gia có một bộ máy giám sát nội bộ thực sự mạnh mẽ, thì chúng ta phải suy nghĩ về: Họ sẽ sử dụng chính xác những khả năng này như thế nào để tăng cường loại giám sát đó, và nó sẽ trông như thế nào?".
Vẫn chưa rõ các nhà sản xuất chip AI hàng đầu sẽ phản ứng như thế nào trước các hạn chế bổ sung của Mỹ. Khi chính quyền Biden lần đầu tiên ban hành các quy định chip toàn diện đối với Trung Quốc, Nvidia đã thiết kế lại các sản phẩm AI của mình để đảm bảo có thể tiếp tục bán vào thị trường đó.
Nếu chính quyền tiến hành áp đặt giới hạn với từng quốc gia, có thể sẽ khó đưa ra một chính sách mới toàn diện trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden. Những quy tắc như vậy có thể khó thực thi và sẽ là một thử thách lớn đối với các mối quan hệ ngoại giao của Mỹ.
Các chính phủ trên toàn thế giới đang theo đuổi cái gọi là AI chủ quyền - khả năng xây dựng và vận hành các hệ thống AI của riêng họ. Jensen Huang, CEO của Nvidia, nhấn mạnh rằng đây chính là động lực chính thúc đẩy nhu cầu về các bộ xử lý tiên tiến. Chip của Nvidia là tiêu chuẩn vàng cho các nhà điều hành trung tâm dữ liệu, khiến công ty trở thành nhà sản xuất chip đáng giá nhất thế giới và là bên hưởng lợi hàng đầu từ sự bùng nổ AI.
Bài toán này càng trở nên phức tạp hơn khi nhìn sang phía đối thủ cạnh tranh lớn nhất - Trung Quốc. Mặc dù công nghệ bán dẫn của nước này vẫn còn thua kém Mỹ, nhưng họ đang nỗ lực không ngừng để thu hẹp khoảng cách. Một số quan chức Mỹ lo ngại rằng nếu một ngày nào đó, Huawei hoặc một công ty Trung Quốc khác có thể cung cấp chip AI tương đương với Nvidia, nhưng với ít ràng buộc hơn, điều này có thể làm suy yếu đáng kể vị thế của Mỹ trong việc định hình bối cảnh AI toàn cầu.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với cách tiếp cận thắt chặt này. Một số ý kiến cho rằng Washington nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đặt ra quá nhiều rào cản đối với việc mua công nghệ Mỹ. Họ lo ngại rằng nếu các nước khác gặp quá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ Mỹ, họ có thể chuyển sang các nhà cung cấp khác, đặc biệt là Trung Quốc, nếu nước này đạt được tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực chip AI.
Trong khi cuộc tranh luận nội bộ vẫn đang diễn ra, các quan chức Mỹ đã bắt đầu thực hiện một số biện pháp thận trọng. Họ đã làm chậm quá trình phê duyệt giấy phép xuất khẩu chip AI số lượng lớn đến Trung Đông và các khu vực khác. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy tình hình có thể sớm được cải thiện. Theo quy định mới về vận chuyển đến các trung tâm dữ liệu, các quan chức Mỹ sẽ xem xét và phê duyệt trước các khách hàng cụ thể dựa trên cam kết an ninh từ cả công ty và Chính phủ của họ. Điều này có thể mở đường cho quá trình cấp phép suôn sẻ hơn trong tương lai.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|