Những trường hợp không nên mua nhà, coi chừng vỡ nợ
Nhiều người mơ ước có căn nhà riêng nhưng với các trường hợp sau cần cân nhắc việc mua nhà.
Đang nợ nần nhiều
Người ta vẫn nói "an cư lạc nghiệp", nhưng không có nghĩa vì thế mà mua nhà, sở hữu một căn hộ bằng mọi giá. Việc mua nhà sẽ phải cần căn cứ vào tình hình tài chính cá nhân và gia đình.
Nếu bạn đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất thẻ tín dụng, các khoản vay mua sắm đồ dùng cho bản thân hay những khoản nợ khác chưa thể thanh toán, tốt nhất chưa vội mua nhà.
Với những người vay thêm tiền để mua nhà sẽ càng làm cho khoản nợ chồng chất, tình hình tài chính cá nhân nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến vỡ nợ.
Lương không đủ trả khoản vay thế chấp
Như đã nói ở trên, sở hữu một căn nhà là giấc mơ của mọi người, giúp bạn ổn định cuộc sống, thoát khỏi nhà trọ chật chội. Nhiều người phải vay để mua nhà nhằm thực hiện giấc mơ an cư. Tuy nhiên, khi vay cũng cần phải cân nhắc kỹ, xem xét khả năng trả nợ về sau.
Tiền lương hàng tháng là khoản để bạn trả nợ vay. Nếu lương không đủ trang trải cuộc sống, đừng vội nghĩ chuyện vay mua nhà.
Mua nhà cần phải xem xét kỹ về tài chính. Ảnh: Lauren
|
Sau khi trừ khoản tiền trả vay thế chấp, bạn phải đảm bảo có đủ tiền cho bản thân hoặc gia đình sinh sống. Do đó, trước khi vay cần phải so sánh khoản tiền phải trả với lương hàng tháng để có quyết định đúng đắn.
Lo lắng về các khoản phát sinh
Mua nhà là một chuyện, có nhiều thứ phải chi cho căn nhà. Hàng tháng sẽ có các hóa đơn tiền điện, nước, chi phí bảo trì mà bạn phải thanh toán.
Ngoài ra, còn rất nhiều khoản phát sinh khác. Điều đó có nghĩa là thuê nhà sẽ không cần phải bận tâm nhiều thứ, còn khi đã sở hữu một căn nhà chắc chắn bạn sẽ phải chi không ít tiền hàng tháng cho nó.
Muốn có thu nhập thụ động nhưng không thích vất vả
Một số người mua nhà để vừa ở vừa cho thuê. Đây là cách kiếm tiền hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, không có nghĩa bạn mua nhà xong, cho thuê là tiền tự chảy vào túi.
Khi cho thuê nhà, có nghĩa bạn phải hiểu rõ khách thuê, làm hợp đồng, giám sát như một người quản lý. Trong quá trình cho thuê, phải kiểm tra, xem xét các vấn đề hư hỏng trong nhà.
Nếu chỉ phó mặc cho người thuê, có ngày nhà cửa bị hư hỏng nặng. Hợp đồng không được làm kỹ có thể dẫn đến tranh chấp về sau.
Hồng Khanh (Theo Buzz)
VietNamNet
|