Thứ Bảy, 24/08/2024 12:00

Starbucks Reserve Hàn Thuyên và chuyện kinh doanh trên mặt bằng đắt đỏ

Việc cửa hàng các thương hiệu lớn xuất hiện ở những khu vực trung tâm TPHCM từ lâu không còn quá xa lạ. Tuy nhiên khi biết giá thuê mặt bằng, nhiều người đặt câu hỏi làm thế nào để các cửa hàng này có lời?

Thuê mặt bằng đắt đỏ có phải chỉ để kinh doanh đơn thuần?

Những ngày vừa qua, việc Starbuck Vietnam chuẩn bị ngưng hoạt động cửa hàng Starbucks Reserve Hàn Thuyên tại số 11-13 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM khiến nhiều người chú ý.

Starbucks không chính thức đưa ra lý do đóng cửa hàng cao cấp duy nhất ở TPHCM này nhưng một số KOLs trên mạng xã hội bàn tán về việc chủ cho thuê mặt bằng 11-13 Hàn Thuyên tăng giá thuê thêm 50 triệu đồng/tháng, lên 750 triệu đồng/tháng (khoảng 30,000 USD) và hai bên đã không đạt được thỏa thuận.

Thông báo tạm ngưng cửa hàng Starbucks Reserve Hàn Thuyên. Nguồn: Starbucks Vietnam

Nếu chấp nhận giá thuê mới, Starbucks Reserve Hàn Thuyên mỗi ngày “mở mắt dậy” là đã mất 25 triệu đồng. Làm một phép tính nhỏ, một ly nước tại cửa hàng của Starbucks có giá trung bình vào khoảng 100,000 đồng/ly, để “kham nổi” giá thuê 750 triệu đồng/tháng thì cửa hàng này cần bán 7,500 ly/tháng, tương ứng 250 ly/ngày.

Còn nếu xét theo giá thuê cũ khoảng 700 triệu đồng/tháng thì con số cũng không quá chênh lệch, cửa hàng cần bán 234 ly nước/ngày để có thể đáp ứng đủ tiền mặt bằng, đó là chưa tính đến chi phí quảng cáo, nguyên liệu, lương nhân viên, điện, nước, khấu hao máy móc dụng cụ...

Starbucks đóng cửa hàng cao cấp duy nhất tại TPHCM

Trên thực tế, việc các thương hiệu chọn những địa chỉ đắt đỏ, nằm ngay trung tâm TPHCM để đặt cửa hàng dù thiếu tiện ích không phải chuyện gì xa lạ.

Mới đây, mặt bằng “hot” nhất nhì TPHCM tại địa chỉ 325 Lý Tự Trọng, ngay Ngã Sáu Phù Đổng đã có chủ thuê mới. Trước đây, mặt bằng này chứng kiến nhiều thương hiệu F&B lớn như Phúc Long, Soya Garden, Phindeli, hay cả thương hiệu vali MIA đến rồi lại đi. Theo môi giới, giá thuê mặt bằng này vào khoảng từ 600-700 triệu đồng/tháng.

Hiện tại, người thuê địa chỉ 325 Lý Tự Trọng là cửa hàng rau củ quả và thực phẩm hữu cơ Danny Green, với sản phẩm chủ lực là các loại dưa lưới, dưa lê hữu cơ. Theo giá công bố trên website, sản phẩm Dưa Lưới Hữu Cơ Biển Ngọc Bích tại cửa hàng này được bán với giá trung bình 250,000 đồng/trái (tùy trọng lượng giá sẽ có sự chênh lệch).

Như vậy, để “cân” được tiền mặt bằng thì cửa hàng này cần bán ít nhất 2,400 trái dưa lưới/tháng (tính theo giá thuê 600 triệu đồng/tháng). Con số 2,400 trái không phải con số nhỏ, chưa kể đến đây là mặt hàng hữu cơ, phải đầu tư thêm để có thể bảo quản.

Cửa hàng của DannyGreen tại địa chỉ 325 Lý Tự Trọng, nằm ngay Ngã Sáu Phù Đổng. Ảnh: Thượng Ngọc

Nhiều cư dân mạng cho rằng các nhãn hàng thuê mặt bằng tại khu vực quận 1 thường không nhằm mục tiêu kinh doanh đơn thuần do đa số mặt bằng tại đây không có chỗ đậu xe, giá thuê lại cao, kinh doanh hoà vốn đã khó chứ chưa nói đến có lợi nhuận. Vì vậy, các doanh nghiệp nhắm đến các mặt bằng này với mục đích quảng bá thương hiệu là chính.

Mặt khác, một số cho rằng cái lãi lớn nhất của việc thuê mặt bằng ở các vị trí trung tâm là định vị thương hiệu trong mắt khách hàng, ví dụ như Starbucks định vị thương hiệu ở phân khúc cao cấp thì cửa hàng cần đặt tại những vị trí đắc địa tại các thành phố lớn, qua đó tạo cho khách hàng tâm lý “đẳng cấp” khi trải nghiệm dịch vụ tại cửa hàng. Điều tương tự cũng được các nhãn hiệu thời trang cao cấp như Hermès, Dior, Louis Vuitton,… áp dụng.

Và khi thương hiệu đã được định vị, Starbucks có thể dễ dàng tăng doanh số khi khách hàng sẽ tìm đến các cửa hàng vệ tinh - những nơi vừa mang đến trải nghiệm “đẳng cấp” nhưng cung cấp nhiều tiện ích hơn như chỗ gửi xe lớn hơn, chỗ ngồi rộng rãi hơn.

Không chỉ đơn thuần tăng doanh số, khi tệp khách hàng đủ lớn, Starbucks còn là một ngân hàng "không chính thức" thông qua thẻ thành viên Starbucks Rewards.

Với Starbucks Rewards, khách hàng nạp tiền thông qua thẻ ngân hàng hoặc thẻ quà tặng. Sau đó, số tiền trả trước trong ứng dụng sẽ được đổi thành sản phẩm Starbucks và nhận lại điểm thưởng (còn gọi là Stars). Nếu đạt đủ một số mức điểm và thứ hạng quy định, các "ngôi sao" này được dùng để đổi lấy đồ ăn, thức uống miễn phí hoặc giảm giá trên các đơn hàng Starbucks tiếp theo.

Theo các báo cáo, mỗi năm, Starbucks (toàn cầu) có khoảng 3 tỷ USD dưới dạng thẻ quà tặng và nằm trong ứng dụng của Starbucks, trong đó khoảng 10% số tiền này không bao giờ được sử dụng, đồng nghĩa Starbucks khoảng 300 triệu USD tiền mặt miễn phí mà không cần trả bất kỳ khoản lãi nào.

* Starbucks: Quán cà phê nhưng có tính chất của một ngân hàng?

“Đừng dạy người giàu cách tiêu tiền”

Trở lại với mặt bằng 11-13 Hàn Thuyên, nhiều người thắc mắc tại sao chủ của mặt bằng này lại vì thêm 50 triệu đồng/tháng mà để Starbucks rời đi, nếu không có người thuê lại ngay thì sẽ đứng trước nguy cơ mất 700 triệu đồng/tháng. Nếu tình hình kéo dài khoảng 3 tháng thì chủ cho thuê sẽ mất tới hơn 2 tỷ đồng, tương đương 1 căn hộ chung cư 1 phòng ngủ phân khúc tầm trung tại TPHCM. Trong khi đó, nếu tăng giá thuê thành công lên 750 triệu đồng/tháng thì 1 năm, chủ thuê này chỉ kiếm được thêm 600 triệu đồng.

Nhiều người cũng đặt vấn đề với thu nhập thụ động 700 triệu đồng/tháng thì chủ cho thuê mặt bằng 11-13 Hàn Thuyên sẽ sử dụng vào việc gì. Nếu không sử dụng, chủ thuê này có thể tích lũy đến 8.4 tỷ đồng/năm. Số tiền cho thuê 1 năm này bằng giá 1 căn hộ cao cấp 2 phòng ngủ diện tích hơn 90m2 ở Đảo Kim Cương (Thủ Đức), hay bằng 1 căn hộ cao cấp 120m2 ở khu "nhà giàu" Phú Mỹ Hưng (quận 7).

Còn nếu tích lũy được 2 năm, với gần 17 tỷ đồng trong tay, chủ sở hữu của địa chỉ 11-13 Hàn Thuyên có thể mua “đứt” 1 căn hộ 3 phòng ngủ với tổng diện tích 180m2 nằm trên Đảo Kim Cương, có nội thất đầy đủ, view sông Sài Gòn và Landmark 81 hay 1 căn 3 phòng ngủ ở Vinhomes Central Park (Bình Thạnh). Và căn hộ này có thể mang đi cho thuê với giá 25-30 triệu đồng/tháng, tương đương một năm có thêm 300-360 triệu đồng. Số tiền này tiếp tục có thể đặt cọc mua 1 căn hộ 1-2 phòng ngủ ở khu vực Thủ Đức hay Bình Tân, hoặc Bình Dương phân khúc trung cấp. Câu chuyện tiền lại đẻ ra tiền đơn giản là vậy?!

Ở diễn biến khác, nhiều thông tin đăng tải chủ nhà địa chỉ 11-13 Hàn Thuyên rao bán mặt bằng này với giá 590 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là nếu một người có 590 tỷ đồng nhàn rỗi thì sẽ chọn gửi ngân hàng với lãi suất 4.6%/năm (lãi suất tiết kiệm được Vietcombank công bố vào ngày 24/08/2024) để thu về hơn 27 tỷ đồng/năm hay mua "đứt" từ chủ cũ rồi cho thuê lại 700 triệu đồng/tháng và thu về hơn 8 tỷ đồng/năm. Dù vậy, nên nhớ là “đừng dạy người giàu cách tiêu tiền”.

Thông tin trên một trang rao bán bất động sản

Hà Lễ

FILI

Các tin tức khác

>   Khi giá cả vượt xa giá trị, lựa chọn nào cho người mua bất động sản có nhu cầu ở thực? (23/08/2024)

>   Tạm dừng vụ đấu giá đất ngày 26/8 ở Hoài Đức để Bộ TN-MT vào cuộc kiểm tra (23/08/2024)

>   Ngành bất động sản Việt Nam bắt đầu nhìn thấy ánh sáng? (22/08/2024)

>   Nóng bỏng tay nghề 'đấu giá bán chênh', độc chiêu thổi giá đất (22/08/2024)

>   Hà Nội xác minh nhóm đối tượng “thổi giá” đất nền thông qua các phiên đấu giá (21/08/2024)

>   Nhà 'siêu dị' 4m2 giữa Hà Nội, trả 1 tỷ/m2 không bán, bên trong gây bất ngờ (21/08/2024)

>   Vì sao đấu giá đất Hoài Đức kéo dài 19 tiếng, xuyên đêm tới rạng sáng? (21/08/2024)

>   Nên thuê phòng trọ quận nào ở TPHCM để ít biến động giá? (21/08/2024)

>   Kết quả đấu giá đất huyện Hoài Đức ảnh hưởng ra sao đến thị trường bất động sản Hà Nội? (20/08/2024)

>   Rạng sáng mới xong đấu giá đất Hoài Đức, có lô hơn 133 triệu/m2 gấp 18 lần khởi điểm (20/08/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật