Masayoshi Son và giấc mơ AI: Tầm nhìn thiên tài hay canh bạc liều lĩnh?
Trên thị trường công nghệ toàn cầu, Masayoshi Son, hay còn được biết đến là "Masa", nổi tiếng là một nhà đầu tư dị thường với những nước cờ khó đoán.
Canh bạc 20 triệu USD của ông vào Alibaba Group Holding Ltd. đã trở thành khoản đầu tư thành công nhất mọi thời đại khi tăng vọt lên hơn 70 tỷ USD sau một thập kỷ. Tuy nhiên, trong thời kỳ bong bóng dotcom, ông cũng từng chứng kiến 70 tỷ USD tan biến, trước khi gây choáng váng thị trường bằng việc huy động Quỹ Vision 100 tỷ USD vào năm 2017. Ở tuổi 67, ông đã trải qua những thăng trầm có thể khiến hầu hết mọi người phải điều trị tâm lý suốt đời.
Sự nghiệp thăng trầm của Masayoshi Son
|
Phong cách đầu tư độc đáo của Son thường gây ấn tượng qua những hành động táo bạo. Ông từng đe dọa tự thiêu nếu không được cấp phép viễn thông ở Nhật Bản và đưa ra các quyết định kinh doanh một cách bốc đồng. "Đôi mắt mạnh mẽ, ánh mắt sáng ngời" của Jack Ma là lý do ông rót vốn vào Alibaba. Thậm chí, chỉ với 45 phút trò chuyện, ông đã thuyết phục được thái tử Ả-rập Saudi chi 45 tỷ USD vào Quỹ Vision thông qua "một món quà ngàn tỷ đô", như ông chia sẻ trong cuộc phỏng vấn năm 2017 với David Rubinstein của Bloomberg.
Son - được biết đến với biệt danh "Masa" - là một nhân vật đặc biệt đến mức ông hiện là chủ đề của hai cuốn sách từ cựu biên tập viên tờ Financial Times Lionel Barber và Alok Sama, cựu Chủ tịch Softbank Group International - tập đoàn viễn thông và công nghệ của Son. Cả hai đều vẽ nên chân dung một người độc đáo toàn cầu dường như không bao giờ ngủ, nhưng cuốn "The Money Trap” (tạm dịch: “Cạm bẫy tiền bạc") của Alok Sama mới là cuốn sách xem xét kỹ lưỡng về tác động tiềm tàng của Son đối với thị trường AI đang bùng nổ. "Tham vọng của Masa Son là trở thành người định hình tương lai AI", Sama viết.
Sama khẳng định: "Ông ấy không phải là người đánh bạc" và cho biết thêm Son đã thu về gấp 10 lần khoản lỗ từ WeWork thông qua đầu tư vào Arm Holdings Plc - mảnh ghép then chốt trong chiến lược AI của ông. “Ông ấy đang sống trong tương lai”.
Với niềm tin mạnh mẽ vào "điểm kỳ dị" - thời điểm AI vượt qua trí tuệ con người, Son đã thành lập Quỹ Vision và dốc toàn lực cho cuộc chơi này. Tại ĐHĐCĐ thường niên của Softbank, ông tuyên bố mình sinh ra để hiện thực hóa "trí thông minh nhân tạo siêu việt", và những khoản đầu tư trước đây chỉ là khởi động.
Masayoshi Son
|
Không có gì ngạc nhiên khi Son đã dốc toàn bộ sức lực cho AI. Tháng trước, ông đã đầu tư 500 triệu USD vào OpenAI thông qua Quỹ Vision, sau khi bỏ lỡ các vòng gọi vốn trước đó của công ty AI này. Đầu năm nay, ông dẫn đầu khoản đầu tư 1 tỷ USD vào hãng xe tự lái Anh Wayve và đầu tư tới 20 triệu USD vào Perplexity AI, công ty đang cạnh tranh trực tiếp với Google Search của Alphabet Inc. Son gần đây nói với các nhà đầu tư rằng ông sẽ tiếp tục thăm dò các lĩnh vực như xe tự lái, trung tâm dữ liệu và robot AI. Ông sẽ có nhiều lựa chọn, với hàng chục startup AI tạo sinh đang phải vật lộn để chi trả chi phí sức mạnh tính toán và háo hức tìm kiếm tài trợ trong một lĩnh vực do các gã khổng lồ công nghệ thống trị.
Tuy nhiên, với khối tài sản 16 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg, những quyết định bốc đồng của Son cũng tạo ra không ít rủi ro cho thị trường. Điển hình là vụ WeWork, chỉ sau cuộc gặp 12 phút đi xe với nhà sáng lập Adam Neumann, ông đã quyết định đầu tư, dẫn đến khoản lỗ 32 tỷ USD cho Quỹ Vision khi startup này sụp đổ. Dù sau đó gọi canh bạc này là "ngu ngốc", nhưng cách tiếp cận đầu tư của ông dường như vẫn không thay đổi.
* Tỷ phú Masayoshi Son với thương vụ WeWork – khi kẻ liều gặp tên nghiện
* “Kỳ lân” 40 tỷ đô WeWork trước nguy cơ phá sản
Trong bối cảnh thị trường AI đang có dấu hiệu bong bóng với định giá tăng vọt như trường hợp Nvidia, sự can thiệp của Son có thể đẩy thị trường về phía tăng trưởng thiếu bền vững. Kể từ khi ChatGPT ra mắt, các nhà đầu tư đã bơm 8,200 tỷ USD vào 6 công ty công nghệ hàng đầu, nhưng thị trường AI tạo sinh vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và không cần những biến động từ các canh bạc lớn của một tỷ phú lập dị.
Việc bơm vốn khổng lồ vào thị trường mới có thể tạo ra môi trường áp lực cao, nơi các công ty đốt tiền để tăng trưởng theo cấp số nhân. Khi thất bại, họ có thể sụp đổ ngoạn mục như WeWork, để lại những hậu quả đau đớn.
Làn sóng AI hiện nay được định hình bởi những nhà tiên phong có tầm nhìn xa như Sam Altman của OpenAI và Demis Hassabis của Google DeepMind. Họ khởi đầu với mục tiêu xây dựng "AI siêu việt" để nâng cao chất lượng sống toàn cầu, chữa trị ung thư và giải quyết biến đổi khí hậu. Nhưng thay vào đó, họ lại trở thành các cánh tay nối dài cho Microsoft và Google, mở rộng sự thống trị của các công ty này. Con đường phát triển AI tưởng chừng tươi sáng có thể trở nên gập ghềnh hơn với sự can thiệp của Son.
Con đường đến địa ngục được lát bằng những ý định tốt và sự can thiệp của Son sẽ khiến con đường đó gập ghềnh hơn nhiều.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|