Góc nhìn tuần 28/10 - 01/11: Chưa hết tiêu cực?
Yuanta và PHS nhận định VN-Index sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm trong tuần tới nhưng vẫn có một số lạc quan về sự hồi phục.
Vẫn còn bi quan
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): CTCK cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục trong các phiên giao dịch đầu tuần. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho nên các nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên nắm giữ tỷ trọng thấp ở mức hiện tại, nhưng các nhà đầu tư cũng nên hạn chế bán tháo khi chỉ số VN-Index giảm về vùng 1,240 – 1,250 điểm. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm mạnh cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn bi quan với diễn biến thị trường hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, CTCK khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp 30-40% danh mục ngắn hạn và chưa nên mua mới trong giai đoạn này.
Theo đồ thị tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 2.5% so với tuần giao dịch trước đó. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy trung hạn cho nên thị trường có thể quay trở lại trạng thái biến động hẹp trong các tuần giao dịch tới và thị trường có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, CTCK khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao cho danh mục trung và dài hạn.
Tiếp tục giảm điểm
CTCK Phú Hưng (PHS): Về mặt kỹ thuật, đồ thị VN-Index chưa có được phiên hồi phục nhưng đà giảm cùng áp lực bán suy yếu đi so với phiên trước. Hiện chỉ số đang về vùng 1,240-1,250, tương ứng quanh MA200, khả năng có thể có 1-2 phiên hồi phục tại đây trước khi tiếp tục nhịp giảm. Vùng cản gần ở 1,265-1,275. Chiến lược chung nên tận dụng các phiên hồi phục để hạ tỷ trọng về mức thấp, hạn chế bắt đáy sớm.
Sẽ hồi phục
CTCK Rồng Việt (VDSC): Thị trường hồi phục bất thành và lùi về gần vùng MA(200), vùng 1,249 điểm. Dự kiến đà giảm của thị trường sẽ được kìm hãm tại vùng hỗ trợ 1,240 – 1,250 điểm và kiểm tra cung cầu. Đồng thời vùng hỗ trợ này có thể sẽ giúp thị trường có nhịp hồi phục kỹ thuật trong thời gian tới.
Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng hỗ trợ để đánh giá trạng thái thị trường. Có thể xem xét diễn biến điều chỉnh hiện tại để mua ngắn hạn tại vùng giá tốt đối với một số cổ phiếu, tuy nhiên vẫn cần cân nhắc đợt hồi phục để cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Sớm trở lại thế cân bằng?
CTCK Asean (Aseansc): Mùa công bố KQKD quý 3 chưa thể trở thành nhân tố kích hoạt lực cầu trước sức ép điều chỉnh đến từ động thái hút ròng liên tục của NHNN tuần qua. Chỉ số ‘thất thủ’, lùi xa cột mốc 1,300 một lần nữa, tuy nhiên xu hướng chững lại của DXY và động thái SBV giảm lượng hút ròng đồng thời bán ra đô la Mỹ từ nguồn dự trữ ngoại hối có thể tạo kì vọng rằng quá trình cân bằng sẽ sớm hình thành trong tuần tới.
Chưa quá tiêu cực
CTCK Vietcombank (VCBS): Các chỉ báo RSI và MACD tiếp tục xuống đến vùng thấp và thanh khoản bán cũng dao động ổn định, chưa ghi nhận biến động mạnh nên thị trường chưa quá tiêu cực. Mặc dù diễn biến điều chỉnh vẫn chiếm ưu thế nhưng nhìn chung biên độ điều chỉnh không quá lớn nên nếu có sự đồng thuận của dòng tiền và thanh khoản thì kỳ vọng VN-Index sẽ cân bằng tại vùng điểm 1,250. Tuy nhiên vẫn cần tính đến xác suất áp lực bán chưa kết thúc thì ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 1240, cũng là vị trí của đường mây Senkou-span B.
CTCK khuyến nghị các nhà đầu tư duy trì tỷ trọng danh mục ở mức vừa phải, và đối với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể chọn lọc cổ phiếu với một số tín hiệu như vận động tích lũy bám sát đường MA20, kiểm chứng được vùng hỗ trợ thuyết phục và ít bị ảnh hưởng theo xu hướng cũng như diễn biến rung lắc của thị trường hiện tại để cân nhắc giải ngân cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn nhằm tận dụng những phiên bật nảy hồi phục của thị trường chung. Một số nhóm ngành có thể cân nhắc chọn lọc là bất động sản, viễn thông - công nghệ.
Tử Kính
FILI
|