Giá điện tăng 4.8% từ 11/10, EVN lên tiếng
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để điều chỉnh giá điện tăng 4.8% từ 11/10/2024, EVN dựa trên 3 cơ sở quan trọng là chính trị, pháp lý và thực tiễn.
EVN vừa công bố giá bán lẻ điện bình quân tăng từ mức 2,006.79 đồng/kWh lên mức 2,103.1159 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương đương mức tăng 4.8% từ ngày 11/10/2024.
Đây là lần điều chỉnh tăng giá lần thứ 3 kể từ năm 2023. Trước đó, năm 2023, giá điện đã có 2 lần điều chỉnh tăng, lần thứ nhất vào ngày 04/05/2023 với mức điều chỉnh tăng hơn 55.9 đồng/kWh (tăng 3%) và lần điều chỉnh tăng thứ 2 vào ngày 09/11/2023 là 86.4168 đồng/kWh (tương ứng mức tăng 4.5%).
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cơ sở để điều chỉnh giá điện tăng lần này EVN dựa trên 3 cơ sở quan trọng là chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Về cơ sở chính trị, triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có yêu cầu: "Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng" và "xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định".
Về cơ sở pháp lý, theo EVN, việc điều chỉnh giá bán lẻ lần này được thực hiện theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Cụ thể, tại Điều 3 khoản 2 quy định: Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
Tại Điều 3 khoản 5 Quyết định quy định: Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 03 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Tại Điều 5, khoản b cũng ghi rõ: Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Về cơ sở thực tiễn, theo EVN, giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ…
Đối với các yếu tố đầu vào nêu trên khi có biến động lớn sẽ tác động lớn đến giá thành khâu phát điện (chiếm 83% giá thành) cũng như giá thành điện thương phẩm.
Thứ nhất, cơ cấu nguồn biến động theo chiều hướng bất lợi các nguồn mua điện có giá thành rẻ giảm, các nguồn mua điện có giá thành đắt tăng so với năm 2022.
Thứ hai, giá các loại nhiên liệu than, khí năm 2023 mặc dù giảm so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020-2021.
Thứ ba, giá than pha trộn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện vẫn duy trì ở mức cao và có sự điều chỉnh việc sử dụng than pha trộn của các nhà máy nhiệt điện từ than rẻ hơn sang than có giá cao hơn.
Thứ tư, tỷ giá ngoại tệ (USD) năm 2023 tăng mạnh so với năm 2022. Tỷ giá tăng đã làm tăng chi phí mua điện từ các nguồn điện có giá mua theo hợp đồng bằng USD hoặc giá mua nhiên liệu bằng USD.
EVN lỗ trên 3,000 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện năm 2023
Trước đó, ngày 10/10, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Năm 2023, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 253.05 tỷ kWh, tăng 4.26% so với năm 2022. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2023 là 494,359.28 tỷ đồng, tăng 8.18%. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1,953.57 đồng/kWh, tăng 3.76%.
Như vậy, hiện nay EVN đang bán lẻ điện dưới mức giá thành sản xuất kinh doanh là 135.33 đồng/kWh, tương đương với 6.92%.
Bộ Công Thương cho biết, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ trên 34,244 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12,423 tỷ đồng.
Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN (thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) lỗ 21,821.56 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Ngoài khoản lỗ trên, kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành cũng cho hay các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 khoảng 18,032 tỷ đồng. Đây chủ yếu là khoản chênh lệch tỷ giá được treo lại từ năm 2019-2023 chưa phân bổ vào giá thành.
Tùng Phong
FILI
|