Thứ Sáu, 11/10/2024 10:32

Đừng đem đặc lợi về cho “người nhà” thầy cô giáo như thế!

Dự thảo Luật Nhà giáo vừa đề xuất miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác. Với đề xuất này, căn cứ vào độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, số tiền học phí cần trả thêm hằng năm là hơn 9,200 tỉ đồng.

Vấn đề không nằm ở con số ngàn tỷ ấy mà là tính chất để đi tới bản chất của đề xuất nói trên đã “kích” vào một số lý lẽ cơ bản mà đúng ra - từ góc độ chuyên ngành, đặc trưng lĩnh vực - không nên có quan niệm ấy.

Bởi, trong giáo dục, với tư cách là một ngành khoa học, nó mặc nhiên phải tồn tại và đảm bảo sự tồn tại ấy là công bằng, vì công bằng, tạo ra các giá trị phổ quát một cách công bằng cho xã hội, con người. Chẳng phải học sinh cấp phổ thông khoát lên mình bộ đồng phục là gì nếu không ngoài việc đề cao tính công bằng trong không gian học đường thì lẽ gì, con em của nhà giáo lại được xem xét miễn học phí?

Phổ cập giáo dục bậc phổ thông cơ sở là thước đo văn minh của một bộ máy quản trị Nhà nước, là chức trách cần phải đảm bảo của một chính quyền. Ở đó, cân đối các nguồn thu để tập trung cho ngân sách chi giáo dục là phép tính căn bản. Việc tổ chức bậc học trung học phổ thông như một đòi hỏi “chuẩn tối thiểu” để từ đó, hoặc thiết kế các chương trình chuyển tiếp, đính kèm hướng nghiệp học nghề; hoặc bước tiếp lên bậc đại học là lựa chọn tương lai của mỗi người, mỗi gia đình.

Vì vậy, nó là phổ rộng cho tất cả mọi công dân, các thành phần xã hội, không nên, không thể và không được khu biệt thành lợi ích mang tính “đặc quyền” của riêng ngành nghề vốn có tính “phổ cập toàn dân”!

Nghèo, khó không là “của để dành” với riêng nghề nào. Nghề giáo không giàu nhưng để gọi là… hộ nghèo, hộ chuẩn nghèo thì không phải. Còn xét ở góc độ áp dụng chính sách an sinh cho nhà giáo thì lại càng không bởi, xét về phẩm giá người thầy, thiết nghĩ hầu hết thầy cô giáo sẽ khó lòng đón nhận một kiểu đặc lợi “miễn phí” như thế với công tác truyền thụ kiến thức, đạo đức, nhân cách cho chính con em mình.

Nó cần được hiểu để đặt đúng chỗ dưới góc độ là một lĩnh vực nền tảng của phát triển xã hội, không nên biến một chính sách có vẻ như mang tính nhân đạo thành một “chiến lợi phẩm” mà vì nó, có thể đánh mất lòng kiêu hãnh cần có ở Người (thầy cô), giá trị phẩm hạnh của nghề (truyền dạy kiến thức, giá trị con người cho các thế hệ).

Do đó, với nhà giáo, chỉ cần Bộ Giáo dục - Đào tạo nói riêng, xã hội nói chung có một cái nhìn đúng nghĩa là “tôn sư” đi kèm với các chính sách điều hành khoa học, bài bản, chuyên nghiệp, hợp lý để từ vị trí người thầy đến chương trình giảng dạy, sách giáo khoa cùng với chế độ lương bổng phải thật sự công bằng, đảm bảo mức sống “tri túc” của họ.

Còn với học sinh, chỉ cần thực hiện đúng, thực chất và hiệu quả 2 thang giá trị sau: tặng học bổng nhằm khuyến tài cho những học sinh có học lực xuất sắc, tạo điều kiện để nuôi dưỡng tiếp nhân tài cho đất nước; có chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, có tinh thần hiếu học. Sự hỗ trợ kịp thời, đúng người sẽ là động lực để tạo nên những thay đổi kỳ diệu, nhất là trong lĩnh vực giáo dục mà lợi ích mang lại không chỉ cho một cá nhân mà có thể cho cả cộng đồng sau này.

Người viết bài đã từng chứng thực một hiện tượng là nội bộ ngành giáo dục địa phương đã “âm thầm” áp dụng chính sách cộng điểm cho con em trong ngành. Hỏi vì sao có sự ưu ái kỳ cục đó, người có trách nhiệm trả lời do nếu thiếu điểm thì con của các thầy cô sẽ phải ra học trường tư, e là tăng gánh nặng kinh tế lên thầy cô giáo. Chúng tôi hỏi lại, thế động tác làm nhẹ gánh ấy sẽ đẩy gánh nặng cho những phụ huynh nghèo khác thì sao? Ai gánh giùm cho họ? Câu trả lời là cái im lặng, sau đó là lời cam kết: năm tới, chúng tôi sẽ bỏ quy định này.

Trở lại với đề xuất miễn học phí cho con đẻ, con nuôi hợp pháp của giáo viên từ cấp mầm non đến đại học một lần nữa cho thấy tư duy “miễn phí” của chính những người tham gia trọng trách hoạch định đường hướng giáo dục nước nhà. Vì vậy, nó dễ khiến dư luận dậy sóng.

Dân trí, nhân lực và nhân tài là 3 thành tố tạo nên chất lượng của một nền giáo dục quốc gia. Chứ không đến từ những phép tính rợ để miễn phí cho “người nhà”, ngược lại nó chỉ nảy sinh sự bất công trong học trò và sự bất bình của cả xã hội.

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   Tiếp tục đề xuất tăng ngày nghỉ trong năm cho người lao động (09/10/2024)

>   Người Việt đánh giá thế nào về du lịch cùng nhiều thế hệ trong gia đình? (09/10/2024)

>   Kích cầu tiêu dùng: Cách nào hợp lý nhất? (08/10/2024)

>   Bộ Công an: Lập sàn giao dịch dữ liệu để thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế (08/10/2024)

>   DNSE tiếp tục kiến tạo “Đường đua của những giấc mơ” DNSE Aquaman Vietnam 2024 (07/10/2024)

>   Vé tàu Tết Nguyên đán 2025, hạng cao nhất giá 3,2 triệu đồng/giường (07/10/2024)

>   Thu nhập bình quân người lao động Việt Nam đạt 7.6 triệu đồng/tháng (06/10/2024)

>   Nhiều diễn biến mới trên thương mại điện tử, Bộ Công Thương quản thế nào? (05/10/2024)

>   Tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc bán qua tài khoản Tiktok (04/10/2024)

>   Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Bộ Công an đề xuất cấm mua bán dưới mọi hình thức (01/10/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật