Có nên tích lũy DBC và ACV?
Các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị tăng tỷ trọng DBC do kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục khả quan trong quý 4/2024 và tích lũy ACV do tiềm năng tăng trưởng nhờ gia tăng lưu lượng khách hàng quốc tế.
Tăng tỷ trọng DBC với giá mục tiêu 34,000 đồng/cp
CTCK Agribank (Agriseco) thông tin trong quý 3/2024, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC) ghi nhận doanh thu đạt 3,679 tỷ đồng (tăng 30.1% so với cùng kỳ) và lãi sau thuế đạt 312 tỷ đồng (gấp gần 25 lần). Lợi nhuận tăng trưởng đột biến trên mức nền thấp cùng kỳ nhờ thị trường thuận lợi khi giá nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi (TACN) ở mức thấp trong khi giá lợn tăng mạnh khoảng hơn 30% từ đầu năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu và lãi sau thuế của DBC đạt 10,353 tỷ đồng (tăng 18.1%) và 530 tỷ đồng (gấp hơn 28 lần cùng kỳ 2023).
Như đã đề cập, diễn biến giá lợn và giá TACN hỗ trợ hoạt động kinh doanh của DBC. Cụ thể, giá lợn tăng mạnh và hiện đang ở mức 65,000 đồng/kg, tăng hơn 30% từ đầu năm, thậm chí có thời điểm tiệm cận mức 70,000 đồng/kg trong quý 3. Nguyên nhân do tình trạng hụt cung bởi làn sóng bán tháo từ đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi khá nghiêm trọng giai đoạn cuối năm 2023 đầu năm 2024. Cùng với đó, cơn bão Yagi với sức tàn phá nặng nề ảnh hưởng lớn đến chuồng trại của các nông hộ cũng khiến giá lợn gia tăng thời gian gần đây. Về giá TACN, giá các nguyên liệu như lúa mỳ, ngô, ngũ cốc giảm sâu và duy trì ở mức thấp giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí đầu vào.
Về tiến độ dự án vắc xin Dacovac-ASF2 phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF), DBC đã triển khai xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin với công suất 200 triệu liều/năm và đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Vào tháng 8/2024, DBC đã nhận được Giấy chứng nhận Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP – WHO), tiến thêm một bước để thương mại hóa vắc xin DACOVAC. Vắc xin dịch tả lợn Châu Phi do DBC sản xuất kỳ vọng có thể thương mại hóa vào cuối năm 2024 và trở thành mảng đem lại biên lợi nhuận cao cho doanh nghiệp.
Công ty cũng tăng vốn nhằm thực hiện dự án đầu tư gia tăng công suất. Theo đó, DBC đã đầu tư các dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn: dự án chăn nuôi Thanh Hóa (Công suất: 5,600 lợn nái, 77,400 lợn thương phẩm); dự án lợn giống Phú Thọ - giai đoạn 3 (Công suất: 4,800 lợn nái, hơn 70,000 lợn thương phẩm). Tổng công suất 2 dự án tăng khoảng 25% so với trước đó. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang hoàn thiện dự án nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành giúp hoàn thiện chuỗi giá trị 3F.
Vừa qua, DBC đã chào bán cổ phiếu ra công chúng thu về hơn 1,200 tỷ đồng giúp tăng thêm nguồn lực đầu tư các dự án. Ngoài ra, doanh nghiệp tiếp tục có kế hoạch chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược giai đoạn 2024-2025.
Agriseco kỳ vọng kết quả kinh doanh của DBC sẽ tiếp tục khả quan trong quý 4/2024 nhờ: (1) Biên lợi nhuận duy trì mức cao khi diễn biến thị trường thuận lợi; (2) Mảng vaccine thương mại hóa và trở thành nguồn thu mới tiềm năng; (3) Nhiều dự án đầu tư tăng công suất đang được triển khai. Do đó, CTCK này đưa ra khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu DBC với giá mục tiêu 34,000 đồng/cp.
Xem thêm tại đây
Tích lũy ACV với giá mục tiêu 113,400 đồng/cp
CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá trong giai đoạn 2025–2027, chi phí vốn (CAPEX) cho các dự án đầu tư trọng điểm của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) là rất lớn, khoảng 126 ngàn tỷ đồng dành cho ba dự án trọng điểm là Sân bay Long Thành (LTIA), Mở rộng nhà ga T2 – Nội Bài (T2-HAN) và Nhà ga T3 – Tân Sơn Nhất (T3-TSN). Qua đó, công suất khai thác khi hoàn thành ba dự án được tăng thêm 48 triệu lượt/năm, lên hơn 150 triệu lượt/năm và tương ứng mức tăng 42%, giảm tình trạng quá tải ở các sân bay trọng điểm của ACV.
Trong nửa cuối năm 2024, VDCS dự phóng sản lượng hành khách quốc tế sẽ duy trì được tăng trưởng dương hai chữ số, đạt 22 triệu lượt (tăng 22% so với cùng kỳ), nhờ lượng khách đến từ hai quốc gia Hàn Quốc, Trung Quốc trong các kỳ nghỉ dài ngày như Tết trung thu, Quốc khánh. Trong khi đó, lưu lượng hành khách nội địa dự phóng đạt 37 triệu lượt (giảm 3%), mặc dù tăng trưởng âm nhưng sẽ cải thiện so với nửa đầu năm khi các hãng hàng không trong nước gia tăng tần suất bay sau khi hoàn thành việc bảo dưỡng đội bay. Tổng lưu lượng hành khách cho năm 2024 là, trong đó quốc tế và nội địa lần lượt là 42.3 (tăng 30%) và 71.7 triệu lượt (giảm 11%).
Về dài hạn, Việt Nam sẽ ngày càng có sức hút đối với du khách quốc tế, dựa trên kỳ vọng rằng ngành du lịch nâng cao được năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Qua đó, số lượng hành khách/chuyến bay sẽ cải thiện dần và đạt 184 vào những năm cuối của giai đoạn dự phóng - tiệm cận mức hiện tại của các quốc gia trong khu vực như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ cho Việt Nam kết nối thêm quốc gia khác trên thế giới, tăng tần suất của các chuyến bay quốc tế. Gia tăng lưu lượng khách hàng quốc tế là động lực tăng trưởng chính cho ACV khi chênh lệch giá dịch vụ hành khách/chuyến bay quốc tế cao hơn dáng kể so với nội địa.
Trong giai đoạn 2024 – 2038, dự phóng CAGR của sản lượng hành khách quốc tế/nội địa, doanh thu thuần và lãi ròng (loại trừ khu bay) lần lượt là 5%/5%, 10% và 12%, tương ứng đạt 88 triệu lượt/143 triệu lượt, 69 ngàn tỷ đồng và 36 ngàn tỷ đồng vào năm 2038.
Thông qua việc sử dụng phương pháp FCFF cho thời gian dự phóng 15 năm, áp dụng mức chi phí sử dụng vốn bình quân (WACC) là 8.5% và hệ số tăng trưởng là 1%, VDSC đưa ra khuyến nghị tích lũy ACV với giá mục tiêu 113,400 đồng/cp.
Theo đó, trong dài hạn, tiềm năng tăng trưởng của ACV sẽ được dẫn dắt bằng kỳ vọng gia tăng lưu lượng khách quốc tế khi các dự án trong kế hoạch đầu tư hoàn tất. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh của Công ty có thể sẽ chịu áp lực khi nợ xấu của khách hàng tiếp tục tăng trong nửa đầu năm và đồng JPY tăng giá dẫn đến rủi ro chi phí dự phòng và chi phí tài chính cao trong nửa cuối năm.
Xem thêm tại đây
Thượng Ngọc
FILI
|