Chứng khoán Việt lỡ hẹn nâng hạng: Tác động và điểm sáng cho giai đoạn 2025
Mặc dù thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chưa được nâng hạng trong kỳ đánh giá của FTSE Russell năm 2024, nhưng điều này không gây ra bất ngờ lớn đối với các nhà đầu tư, bởi những tín hiệu cải cách của thị trường trong thời gian qua đã giúp họ có cái nhìn thận trọng và dài hạn hơn. Thay vì chỉ tập trung vào tác động ngắn hạn, thị trường đang đứng trước nhiều cơ hội và động lực phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng cho kỳ vọng nâng hạng vào năm 2025.
Tâm lý giao dịch: Kiên nhẫn và kỳ vọng
Dù Việt Nam chưa được nâng hạng trong năm 2024 chỉ là một “lỡ hẹn” tạm thời, bởi thị trường đã phát triển đến mức mà các nhà đầu tư có thể điều chỉnh kỳ vọng và duy trì sự kiên nhẫn. Không có sự bán tháo hoảng loạn, thay vào đó là tâm lý thận trọng, chờ đợi những cải cách tiếp theo từ phía các cơ quan quản lý.
Với nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhóm tổ chức, đã chuẩn bị tinh thần cho việc tiếp tục lộ trình cải cách. Với sự trưởng thành của TTCK, họ không còn quá lo ngại về việc chưa nâng hạng ngay lập tức, thay vào đó, họ tập trung theo dõi các động thái điều chỉnh pháp lý và quản trị của thị trường để chuẩn bị cho đợt nâng hạng vào năm 2025.
Còn đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh thị trường vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng vốn hóa và tính thanh khoản, việc chưa nâng hạng không làm giảm sút quá nhiều niềm tin của họ. Vẫn tiếp tục theo dõi và chuẩn bị cho cơ hội đầu tư khi Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng, nhất là khi một số lĩnh vực đã bắt đầu nới room sở hữu nước ngoài, giảm bớt tình trạng “cạn room” mà nhiều nhà đầu tư từng lo ngại.
Điểm sáng của TTCK Việt Nam
Dù chưa đạt được nâng hạng, TTCK Việt Nam đang có nhiều bước tiến mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc cho kỳ vọng nâng hạng trong tương lai gần.
Một trong những điểm sáng nổi bật của TTCK Việt Nam là quy mô vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết ngày càng lớn, đạt tầm khu vực và quốc tế. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, không chỉ tăng về quy mô mà còn nâng cao chất lượng hoạt động và quản trị công ty, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế, bất chấp việc chưa được nâng hạng trong ngắn hạn.
Giai đoạn 2025 và các năm tiếp theo hứa hẹn sẽ có thêm nhiều đợt IPO lớn từ các doanh nghiệp hàng đầu. Những công ty này không chỉ mang lại nguồn hàng hóa chất lượng, mà còn góp phần thúc đẩy thanh khoản và tạo sự phong phú cho thị trường. Sẽ giúp TTCK Việt Nam ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, đồng thời tăng tính cạnh tranh với các thị trường khu vực.
Trong những năm gần đây, TTCK Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ về số lượng và chất lượng nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân. Sự gia tăng nhanh chóng này không chỉ tạo ra nguồn lực lớn cho thị trường mà còn phản ánh niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của TTCK. Các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước cũng đang tích cực tham gia, mang lại những nguồn vốn ổn định và dài hạn, hỗ trợ phát triển bền vững.
Một trong những động thái tích cực của thị trường Việt Nam là việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài ở một số lĩnh vực mà họ quan tâm. Góp phần giải tỏa về tình trạng “cạn room”, mở rộng cơ hội tiếp cận vốn quốc tế và thu hút thêm dòng vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Nới room không chỉ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường dễ dàng hơn mà còn góp phần tăng tính thanh khoản và đẩy nhanh tiến độ nâng hạng.
Thông tư 68 để loại bỏ yêu cầu pre-funding cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài từ đầu tháng 11/2024, cũng là cơ sở tích cực cho việc nâng hạng vào năm 2025.
Những cải cách cần thiết cho mục tiêu nâng hạng vào năm 2025
Để đạt được mục tiêu nâng hạng vào năm 2025, TTCK Việt Nam cần tiếp tục duy trì tốc độ cải cách mạnh mẽ, tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm.
Tăng cường tính minh bạch và quản trị: Việc cải thiện chất lượng công bố thông tin và nâng cao chuẩn mực quản trị công ty là yêu cầu cấp thiết. Các doanh nghiệp niêm yết cần tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn quốc tế về công bố thông tin và báo cáo tài chính, đảm bảo minh bạch, kịp thời và đầy đủ. Đây không chỉ giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp mà còn tạo niềm tin mạnh mẽ cho nhà đầu tư quốc tế.
Cải thiện thanh khoản: Thanh khoản vẫn là một trong những điểm yếu của TTCK Việt Nam. Để khắc phục, cần đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích giao dịch từ nhà đầu tư tổ chức, đồng thời phát triển thêm các sản phẩm tài chính phái sinh và các công cụ đầu tư mới. Thanh khoản cao sẽ giúp thị trường ổn định hơn và thu hút thêm dòng vốn từ các quỹ đầu tư lớn.
Nâng cấp hạ tầng công nghệ: Một yếu tố quan trọng khác là nâng cấp hệ thống giao dịch điện tử, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc xử lý khối lượng giao dịch lớn. Các cơ quan quản lý cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ để cải thiện tốc độ và chất lượng giao dịch, giúp thị trường vận hành trơn tru và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư.
Tăng cường giám sát và quản lý rủi ro: Để đảm bảo sự phát triển bền vững của TTCK, cần nâng cao hệ thống giám sát và quản lý rủi ro. Việc phát hiện và ngăn ngừa các hành vi giao dịch không phù hợp với các quy định giúp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư sẽ tạo niềm tin và ổn định cho thị trường.
Tựu trung lại, việc TTCK Việt Nam chưa được nâng hạng trong năm 2024 là một sự lỡ hẹn, nhưng không phải là bước lùi. Những điểm sáng về quy mô vốn hóa, số lượng nhà đầu tư, các đợt IPO lớn và nới room cho nhà đầu tư nước ngoài đang tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường phát triển. Với những cải cách cần thiết, đặc biệt là về minh bạch, thanh khoản và quản trị công ty, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đạt mục tiêu nâng hạng vào năm 2025. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và duy trì tốc độ cải cách sẽ là chìa khóa để TTCK Việt Nam bứt phá và trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn quốc tế.
Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi
FILI
|