'Vật liệu mỏng hơn sợi tóc' giúp mọi bề mặt tạo ra điện mặt trời
Hãy tưởng tượng ba lô tạo ra năng lượng khi bạn đi bộ. Những chiếc ghế trên ban công, xe đạp và bất kỳ thứ gì bắt được ánh sáng mặt trời đều thích hợp làm tấm pin quang điện.
Đại học Oxford (Anh) công bố một loại vật liệu mỏng hơn sợi tóc có tên perovskite. Pin mặt trời làm từ vật liệu này có thể ứng dụng ở hầu hết sản phẩm, như ô tô hay điện thoại di động.
Với hiệu suất 27%, perovskite cạnh tranh với silicon nhưng có thể đạt tới 45% trong tương lai, điều đặc biệt là perovskite còn mỏng hơn 150 lần. Vật liệu mới này hứa hẹn về triển vọng năng lượng mặt trời rẻ hơn và mở ra cánh cửa đến một thế giới nơi mọi bề mặt đều tạo ra năng lượng.
Sử dụng perovskite thay cho các tế bào năng lượng mặt trời silicon truyền thống là một bước tiến công nghệ. Perovskite là vật liệu có khả năng chuyển đổi năng lượng mặt trời hiệu quả hơn.
Pin mặt trời perovskite có độ ổn định thấp hơn và hao mòn nhanh hơn pin silicon.
|
Tiến sĩ Shuaifeng Hu giải thích, đây là phương pháp tiếp cận đa điểm, bao gồm việc xếp chồng nhiều lớp perovskite, tăng hiệu suất chuyển đổi năng lượng từ 6% lên hơn 27% chỉ trong 5 năm.
Tiến sĩ Junke Wang thì đánh giá, lớp phủ mỏng này không chỉ có thể sao chép silicon mà còn vượt trội hơn silicon do có thêm tính linh hoạt.
Hiệu suất của pin mặt trời perovskite có khả năng đạt tới hơn 45% trong tương lai, khả năng phù hợp với các ứng dụng quy mô lớn. Chi phí trung bình toàn cầu cho năng lượng mặt trời đã giảm gần 90% kể từ năm 2010 và những cải tiến như thế này hứa hẹn sẽ tiết kiệm chi phí hơn nữa.
Oxford PV đã bắt đầu sản xuất pin quang điện perovskite quy mô lớn tại Đức. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô sản xuất là một thách thức. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cần có thời gian để phát triển một quy trình sản xuất trên quy mô lớn hơn.
Ngoài ra, pin mặt trời perovskite có độ ổn định thấp hơn và hao mòn nhanh hơn pin silicon. Các nhà nghiên cứu đang tìm phương pháp để cải thiện độ ổn định và kéo dài tuổi thọ và tính khả thi sản xuất thương mại.
Duy Anh
VietNamNet
|