Từ thép đến kimchi, Hàn Quốc chao đảo trước làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc
Từ những thanh thép cho đến những hũ kimchi, các nhà xuất khẩu Hàn Quốc đang phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt chưa từng có. Đối thủ của họ không ai khác chính là các công ty Trung Quốc, với chiến lược giá rẻ và sản lượng khổng lồ đang gây chấn động thị trường toàn cầu.
Hãy lấy kimchi làm ví dụ. Món ăn này, vốn được coi là biểu tượng của bản sắc dân tộc Hàn Quốc, giờ đây đang phải nhập nhiều hơn xuất trong nửa đầu năm 2024. Phần lớn kimchi nhập khẩu đến từ Trung Quốc, với giá chỉ bằng 1/6 so với sản phẩm nội địa.
Trước đó, Hàn Quốc được dự đoán rộng rãi sẽ hưởng lợi từ căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây, khi việc Mỹ và EU tăng cường áp biện pháp hạn chế với Trung Quốc thúc đẩy người mua toàn cầu chuyển hướng sang ngành công nghiệp bán dẫn và xe điện của Hàn Quốc. Giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng mỗi tháng kể từ tháng 10/2023.
Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cho biết phần lớn những lợi ích đó là do nhu cầu tăng vọt đối với chip nhớ - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc - và đang che giấu những khó khăn ở các lĩnh vực khác, vốn đang mất thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc có chi phí thấp hơn.
"Nhiều câu chuyện về dư thừa công suất của Trung Quốc tập trung nhiều vào tranh chấp thương mại của Trung Quốc với phương Tây, và vào xe điện, năng lượng mặt trời và pin”, Yeo Han-koo, cựu Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc hiện đang công tác tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, cho biết.
"Nhưng đây là vấn đề đang ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, và không chỉ riêng lĩnh vực công nghiệp xanh”.
Từ thép đến hóa dầu, từ dệt may đến mỹ phẩm, các ngành công nghiệp chủ chốt của Hàn Quốc đang phải vật lộn trước làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, 70% công ty cho biết họ đã hoặc đang dự đoán thiệt hại do cạnh tranh từ hàng xuất khẩu Trung Quốc.
Phần lớn sự cạnh tranh đó diễn ra ở các thị trường như Đông Nam Á, Trung Đông, Trung Á và Mỹ Latinh, nơi các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã chuyển hướng tìm kiếm tăng trưởng để đối phó với tình trạng dư thừa công suất và nhu cầu trì trệ tại thị trường nội địa Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, giá xuất khẩu trung bình của Trung Quốc trên toàn cầu đã giảm dần qua từng tháng từ tháng 1/2023 đến tháng 4/2024, giảm tổng cộng 10.2%, trong khi giá xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ giảm 0.1% trong cùng kỳ.
"Việc Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu khỏi Mỹ và châu Âu hoạt động như một con dao hai lưỡi đối với chúng tôi," Do Won-bin, một nhà nghiên cứu tại KITA cho biết. "Chúng tôi có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Mỹ hơn do sự vắng mặt của Trung Quốc ở đó, nhưng xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước như Việt Nam, Ả-rập Xê-út, Brazil và Kazakhstan đã tăng mạnh trong năm nay, đặt ra thách thức cho các công ty Hàn Quốc ở những thị trường đó”.
Các nhà sản xuất thép Hàn Quốc đã hứng chịu đòn giáng nặng nề, khi sự cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc trùng hợp với sự suy giảm trong lĩnh vực xây dựng trong nước.
Trong quý 2/2024, Hyundai Steel ghi nhận lợi nhuận hoạt động giảm 78.9% so với cùng kỳ năm, trong khi đơn vị thép của Posco ghi nhận mức giảm 50.3% và Dongkuk Steel giảm 23%. Theo Hiệp hội Sắt thép Hàn Quốc, thép Trung Quốc có giá trung bình 863 USD/tấn, so với giá 2,570 USD/tấn đối với thép Hàn Quốc.
Các công ty hóa dầu hàng đầu của Hàn Quốc cũng đang gặp khó khăn, một số đã ngừng sản xuất, rút khỏi liên doanh và trì hoãn kế hoạch mở rộng do thua lỗ ngày càng tăng trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
Ông Do cho biết các công ty Hàn Quốc cần phản ứng bằng cách "phân biệt sản phẩm của họ thông qua chất lượng".
Tuy nhiên, cuộc khảo sát của KCCI cho thấy các nhà sản xuất Hàn Quốc cũng đang mất niềm tin vào khả năng duy trì ưu thế của họ. Chỉ có 26,2% công ty tin rằng họ đã duy trì được lợi thế công nghệ và chất lượng ổn định so với các đối thủ Trung Quốc trong 5 năm qua. Đáng lo ngại hơn.khoảng 73.3% công ty hiện đang có sự ngang bằng hoặc ưu thế về công nghệ dự đoán sẽ bị vượt mặt trong 5 năm tới.
Trước tình hình này, các công ty Hàn Quốc đang chuyển sang một chiến lược mới: phản công pháp lý. Số vụ kiện chống bán phá giá và vi phạm bằng sáng chế đối với các đối thủ Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng. Theo Bộ Công nghiệp Hàn Quốc, năm nay có thể sẽ chứng kiến số vụ kiện chống bán phá giá cao nhất kể từ năm 2002 - năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nhưng cuộc chiến không chỉ dừng lại ở đó. Vấn đề an ninh công nghệ cũng đang nổi lên như một mối lo ngại lớn. Trong số 12 vụ rò rỉ công nghệ quan trọng được Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc ghi nhận trong năm nay, 10 vụ liên quan đến Trung Quốc. Con số này đặt ra câu hỏi lớn về chiến lược bảo vệ tài sản trí tuệ của Hàn Quốc.
"Cho đến gần đây, Hàn Quốc vẫn thư thả về đầu tư của Trung Quốc bất chấp nguy cơ rò rỉ công nghệ", Choi Byung-il, Chuyên gia thương mại và Giáo sư danh dự tại Đại học Nữ sinh Ewha cho biết. "Nhưng giờ đây đất nước cần các biện pháp tinh vi hơn cho an ninh kinh tế của mình. Chúng ta cần sự can thiệp mạnh mẽ hơn từ phía chính phủ để tạo ra một sân chơi thực sự bình đẳng”.
Vũ Hạo (Theo FT)
FILI
|