Trung Quốc có thể tránh "vết xe đổ" của Nhật Bản nếu học hỏi Hàn Quốc
Giữa bối cảnh thị trường bất động sản suy giảm và tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhiều chuyên gia đã vội vã so sánh tình hình hiện tại của Trung Quốc với "thập kỷ mất mát" của Nhật Bản.
Những dấu hiệu đáng lo ngại đang xuất hiện ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Lần đầu tiên trong gần hai thập kỷ, Trung Quốc chứng kiến sự sụt giảm cho vay ngân hàng đối với doanh nghiệp và hộ gia đình. Doanh số bán lẻ cũng ở mức yếu trong nhiều tháng.
Các yếu tố này dường như xác nhận một cuộc "suy thoái bảng cân đối kế toán" kiểu Nhật Bản đang diễn ra.
Suy thoái bảng cân đối kế toán, được chuyên gia kinh tế Richard Koo phổ biến, chỉ tình huống người tiêu dùng và doanh nghiệp ưu tiên trả nợ hơn là chi tiêu và đầu tư, từ đó kìm hãm tăng trưởng.
|
Có những điểm tương đồng đáng lo ngại khác giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á. Ở Trung Quốc, chỉ số giá tổng hợp ghi nhận năm quý liên tiếp giảm - đợt giảm phát kéo dài nhất kể từ thập niên 1990. Thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông cũng chao đảo khi "bốc hơi" 5,000 tỷ USD giá trị vốn hóa trong ba năm qua.
Khi bong bóng bất động sản của Nhật Bản vỡ vào đầu những năm 1990, "những thập kỷ mất mát" đã bắt đầu với giá tài sản giảm và tăng trưởng yếu ớt.
Tuy nhiên, lập luận về việc Trung Quốc đang đi theo vết xe đổ của Nhật Bản có một hạn chế lớn: GDP bình quân đầu người và mức độ đô thị hóa của Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với Nhật Bản những năm 1990. Điều này có nghĩa là sự so sánh đang gộp chung một nền kinh tế phát triển (Nhật Bản) với một nền kinh tế vẫn đang phấn đấu để đạt được trạng thái đó (Trung Quốc). Theo các thước đo này, Trung Quốc trông giống Hàn Quốc hơn nhiều - một quốc gia đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối thế kỷ trước và đã trở lại mạnh mẽ hơn.
"Nhật Bản những năm 1990 giống như một người trung niên", Shu Jiapei, tác giả của báo cáo "Japanization or Koreanization?" và là nhà phân tích tại SDIC Securities Co. của Trung Quốc, chia sẻ tại một cuộc họp do Đại học Bắc Kinh tổ chức vào tháng 6/2024. "Hàn Quốc năm 1998 và Trung Quốc ngày nay không còn là thiếu niên nữa, nhưng họ vẫn còn trẻ và có thể cao thêm vài centimet và trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là sự khác biệt lớn nhất".
Đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, thách thức cấp bách nhất hiện nay là tìm ra các động lực tăng trưởng để bù đắp cho sự suy giảm từ thị trường bất động sản. Lộ trình phục hồi của Hàn Quốc sau khủng hoảng tài chính châu Á có thể cung cấp bài học quý giá.
Khi nhiều thập kỷ tăng trưởng nóng kết thúc, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc sau khủng hoảng đã thay đổi chiến thuật. Về mặt tài chính, họ tái cơ cấu các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và cải thiện quản trị doanh nghiệp để bảo vệ chống lại các thất bại trong tương lai. Ngược lại, Nhật Bản tiếp tục duy trì các công ty "thây ma", điều này sau đó đã ảnh hưởng đến năng suất và tăng trưởng.
Lãnh đạo Hàn Quốc cũng bắt đầu đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ và các ngành dựa trên tri thức. Các nhà sản xuất đáp ứng bằng cách chuyển sang sản xuất hàng hóa công nghệ cao hơn và thúc đẩy xuất khẩu. Ngược lại, Nhật Bản gặp khó khăn trong việc đạt được kết quả tương tự, mặc dù không phải vì thiếu nỗ lực.
Ngày nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi đổi mới khoa học và công nghệ là "lực lượng sản xuất chất lượng mới" thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế của đất nước. Trung Quốc đã sớm đón nhận xe điện, biến quốc gia này thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới và thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô của họ mở rộng toàn cầu. Đầu tư vào công nghệ sạch cũng giúp nước này chiếm ưu thế trong các lĩnh vực như pin năng lượng mặt trời và pin lithium-ion.
Louis Kuijs, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, nhìn thấy sự tương đồng giữa Hàn Quốc sau khủng hoảng và Trung Quốc hiện tại. Ông cho rằng Trung Quốc "tương đối có vị thế tốt" để cải thiện mức sống.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra hai điểm khác biệt quan trọng: Sự can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế phổ biến hơn ở Trung Quốc, và quốc gia này, vốn đã là một nhà xuất khẩu lớn, đang gặp phải sự phản kháng ở Mỹ và châu Âu, nơi các nhà hoạch định chính sách đang tăng thuế hoặc dựng lên các rào cản khác đối với hàng hóa Trung Quốc.
"Các dự báo tăng trưởng và năng suất dài hạn của chúng tôi cho Trung Quốc về nguyên tắc được đối chiếu với quỹ đạo của Hàn Quốc và Đài Loan. Nhưng chúng tôi hạ dự báo của Trung Quốc vì hai yếu tố này," Kuijs nói.
Yan Kun, Phó Trưởng Viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc có liên kết với Chính phủ, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn của Trung Quốc sẽ dao động từ 4%-6%, tốt hơn nhiều so với Nhật Bản. (Nhật Bản, nền kinh tế số 2 châu Á, có mức tăng trưởng trung bình dưới 0,8% kể từ năm 2000)
Nhật Bản đã không nắm bắt được những cơ hội do những tiến bộ công nghệ lớn của những năm 90 mang lại - đặc biệt là việc áp dụng rộng rãi Internet. Với quyết tâm tránh một số phận tương tự, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch "Made in China" (sản xuất ở Trung Quốc) gần một thập kỷ trước, chỉ định một loạt ngành công nghiệp thế hệ tiếp theo là ưu tiên quốc gia. Vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực như xe điện cho thấy kết quả của tầm nhìn xa như vậy, Yan và các đồng nghiệp CASS lập luận trong một cuốn sách xuất bản vào tháng 4.
Tất nhiên, việc so sánh bất kỳ hai nền kinh tế nào cũng khập khiễng, chứ đừng nói đến khi một trong số đó là một gã khổng lồ như Trung Quốc. "Trung Quốc lớn hơn Hàn Quốc nhiều", Larry Hu, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group Ltd. nói. "Thế giới dễ dàng thích nghi với sự trỗi dậy của Hàn Quốc hơn nhiều so với sự trỗi dậy của Trung Quốc".
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|