Thứ Hai, 30/09/2024 21:13

Tòa trả hồ sơ để điều tra vợ và con của ông chủ đậu phộng Tân Tân

HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung về trách nhiệm, vai trò của nhiều người, trong đó có vợ và con bị cáo Trần Quốc Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Tân Tân.

Ngày 30-9, sau hai lần hoãn xử, TAND TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã đưa ra xét xử bị cáo Trần Quốc Tân (61 tuổi, HKTT tại TP.HCM) về hai tội trốn thuế và không chấp hành án.

Cùng với ông Tân, em trai của bị cáo này là Trần Quốc Tuấn (56 tuổi, HKTT tại TP.HCM) cũng bị đưa ra xét xử về tội không chấp hành án.

Bị cáo Trần Quốc Tân là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty Cổ phần Tân Tân (công ty Tân Tân) có địa chỉ tại phường Bình An (TP Dĩ An, Bình Dương). Còn Trần Quốc Tuấn là thành viên HĐQT của công ty này.

Công ty Tân Tân có 4 thành viên HĐQT là ông Trần Quốc Tân, ông Trần Quốc Tuấn, bà Châu Ngọc Phụng (vợ ông Tân) và bà Nguyễn Thị Thanh.

Ông Tân được nhiều người biết đến khi đã nhiều năm gắn với thương hiệu nổi tiếng Đậu phộng Tân Tân.

Sau hai lần tạm hoãn, phiên tòa xét xử ông chủ công ty Tân Tân cùng em trai mới được diễn ra. Ảnh: LÊ ÁNH
Sau hai lần tạm hoãn, phiên tòa xét xử ông chủ công ty Tân Tân cùng em trai mới được diễn ra. Ảnh: LÊ ÁNH

 

Bị cáo phủ nhận hành vi trốn thuế

Tại phiên tòa, trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Tân phủ nhận việc mình trốn thuế. Bị cáo Tân khai rằng, vào năm 2013, công ty Tân Tân không còn hoạt động nên bị cáo đã cho thuê khu nhà xưởng.

Do không có nhân viên kế toán làm việc nên bị cáo tự làm báo cáo thuế, do không thông thạo việc này nên bị cáo đã làm thiếu sót. Sau một ngày nhận được thông báo giám định thuế, bị cáo đã ngay lập tức nộp tiền thuế bị thiếu.

Tuy nhiên, sau đó khoảng 1 tháng, cơ quan Cảnh sát điều tra lại khởi tố bị cáo về tội trốn thuế, điều này là không thuyết phục vì bị cáo đã nộp thuế rồi.

Còn việc không thi hành án, bị cáo Tân khai rằng trước đó, bà Thanh đã triệu tập cuộc họp Hội đồng cổ đông và bãi nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT của bị cáo nên bị cáo không còn tư cách thi hành.

Tuy nhiên, HĐXX lại cho rằng lời khai của bị cáo Tân có sự mâu thuẫn vì nếu bãi nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT của bị cáo thì lý do gì sau đó, bị cáo Tân lại tự làm báo cáo tài chính đóng dấu của công ty.

Phía VKS cũng hỏi bị cáo Tân về vấn đề này: Tại sao bà Thanh đã mua cổ phần của công ty Tân Tân, nhưng bị cáo lại không cung cấp báo cáo tài chính và không triệu tập cuộc họp HĐQT?

Bị cáo Tân trả lời vòng vo và giải thích rằng, thời điểm công ty gặp khó khăn công ty Tân Tân nợ rất nhiều tiền, bị cáo đã phải đi vay tiền để trả nợ.

Việc mua cổ phần của của bà Thanh chỉ là hợp đồng giả cách để vay tiền. Thế nhưng, phía bên bà Thanh lại có âm mưu chiếm lấy công ty của bị cáo. Bị cáo không thể chấp nhận điều này, nên bị cáo phải muốn đấu đến cùng.

Điều tra thêm vợ ông Tân và nhiều cá nhân khác

Tại phiên tòa, bị cáo Tuấn thừa nhận có biết bản án của TAND tỉnh Bình Dương và thông báo thi hành án của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương.

HĐXX tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ảnh: LÊ ÁNH
HĐXX tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ảnh: LÊ ÁNH

 

Tuy nhiên, bị cáo Tuấn khai rằng thời điểm đó không còn quan tâm đến công ty nữa nên không thực hiện việc này. Bị cáo Tuấn cũng không có ý kiến gì về tội danh mà VKS truy tố.

Ngoài ra, HĐXX còn hỏi nhiều câu hỏi liên quan đến các khoản chi với số tiền lớn của công ty Tân Tân cho nhiều cá nhân liên quan.

Đại diện của bà Thanh (ông Phương, chồng bà Thanh) cho biết, trong vụ án này còn nhiều vấn đề khác. Theo ông Phương, có nhiều phiếu chi “bất thường” cho nhiều cá nhân liên quan. Việc này có dấu hiệu của hành vi tham ô tài sản…

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, qua phần xét hỏi, ý kiến của VKS và các luật sư, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ một số vấn đề.

Cụ thể, làm rõ trách nhiệm, vai trò 10 người khác liên quan có dấu hiệu đồng phạm về hành vi trốn thuế (trong đó có vợ, con và em gái ông Tân). Làm rõ số tiền chênh lệch về việc cho thuê nhà xưởng công ty Tân Tân với công ty TNHH thương mại sản xuất trồng trọt Tân Tân (con trai ông Tân làm chủ).

Xem xét tính hợp pháp các báo cáo tài chính của công ty Tân Tân trước khi mở phiên tòa. Xem xét tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức, sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Làm rõ việc khai báo thuế về thu nhập cá nhân của bị cáo Tân, Tuấn và bà Châu Ngọc Phụng. Xem xét dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.

Bên cạnh đó, cần làm rõ hóa đơn tiền điện trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2016 khi công ty Tân Tân không còn hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý, thời điểm thi hành án bà Phụng vẫn là thành viên HĐQT của công ty Tân Tân, nên cần làm rõ trách nhiệm của bà Phụng về việc không chấp hành thi hành án.

Ngoài ra, còn làm rõ một số vấn đề phát sinh trong quá trình điều tra.

Theo cáo trạng, năm 2015, bà Nguyễn Thị Thanh có đơn khởi kiện đến TAND tỉnh Bình Dương đối với HĐQT của công ty Tân Tân. Lý do là nhiều lần bà Thanh đã yêu cầu HĐQT của công ty cung cấp thông tin về tình hình tài chính, đánh giá hoạt động và bầu lại HĐQT nhưng các thành viên HĐQT không thực hiện.

Đến ngày 27-9-2018, TAND tỉnh Bình Dương đã có bản án tuyên buộc công ty này phải triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông để bầu lại thành viên HĐQT theo đúng quy định pháp luật; buộc công ty Cổ phần Tân Tân cho bà Thanh được xem xét, trích lục sổ Biên bản, nghị quyết của HĐQT, báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm.

Tuy nhiên, các thành viên HĐQT vẫn không chấp hành. Đến khi Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương yêu cầu thi hành bản án (nhiều lần), các thành viên HĐQT vẫn không chấp hành. Sau đó, Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương đã có công văn kiến nghị khởi tố ông Tân, Tuấn và bà Phụng về hành vi không chấp hành án.

Sau quá trình điều tra, Công an TP Dĩ An xác định ông Trần Quốc Tân cố ý không thực hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật, dù có đầy đủ điều kiện để thực hiện. Còn ông Trần Quốc Tuấn cũng có đủ điều kiện để thực hiện bản án với vai trò là thành viên HĐQT nhưng đã bỏ mặc cho ông Tân điều hành và cố tình không thực hiện bản án.

Riêng đối với bà Phụng, khi cơ quan công an điều tra thì thấy bà Phụng không tham gia vào hoạt động điều hành của công ty nên không xem xét xử lý hình sự.

Trong quá trình điều tra, Công an TP Dĩ An còn phát hiện từ tháng 7-2015 đến tháng 11-2022, ông Tân có hành vi cho thuê nhà, xưởng và kho thuộc công ty mang lại doanh thu khoảng 8,6 tỉ đồng nhưng không xuất hóa đơn, kê khai, báo cáo thuế và đã trốn thuế với số tiền gần 1,4 tỉ đồng.

LÊ ÁNH

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Chủ đầu tư khu du lịch 4.1 tỷ USD tại Vũng Tàu nợ thuế hơn 5.4 ngàn tỷ đồng (30/09/2024)

>   Hành trình gần 5 tháng để nhận 12,5 triệu hoàn thuế thu thập cá nhân ở Hà Nội (30/09/2024)

>   Chi nhánh một công ty vận tải niêm yết nhận án phạt từ Cục thuế TPHCM (30/09/2024)

>   Chứng khoán An Bình bị Tổng cục Thuế phạt hơn 350 triệu  (30/09/2024)

>   Hoàn thuế thu nhập cá nhân quá lâu, vì sao? (28/09/2024)

>   Hai doanh nghiệp niêm yết khai sai thuế (28/09/2024)

>   Bán đất 9 tỉ nhưng làm hợp đồng 440 triệu đồng, một phụ nữ bị khởi tố (26/09/2024)

>   Sắp đối thoại chính sách thuế với doanh nghiệp tại 5 tỉnh, thành phố (25/09/2024)

>   Chủ tịch Quốc hội: Sửa Luật Thuế TNDN phải khắc phục được tình trạng trốn thuế, thất thu thuế (24/09/2024)

>   Thu thuế từ thương mại điện tử gia tăng nhờ đâu? (23/09/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật