Ông Nguyễn Thành Long (HDCapital): IR có thể là chìa khoá kích hoạt dòng vốn tỷ đô vào Việt Nam
Sau giai đoạn dài chinh chiến tại thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Thành Long - Tổng Giám đốc CTCP Quản lý quỹ HD (HDCapital) nhận thấy sự chuyển mình đáng kinh ngạc của hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR).
"Cách đây hơn 10 năm, vào khoảng 2011-2012, tôi nhớ rõ một báo cáo của Vietstock - cho thấy chưa đầy 10% doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn về hoạt động IR", ông Long mở đầu câu chuyện tại phiên tham luận. "Đến những năm 2018-2019, con số này đã tăng lên 40%. Và bây giờ, năm 2024, chúng ta đã chạm mốc 60%".
Ông Nguyễn Thành Long - Tổng Giám đốc CTCP Quản lý quỹ HD (HDCapital) - trong phiên tham luận chủ đề "Khẩu vị lựa chọn doanh nghiệp của nhà đầu tư tổ chức/nhà đầu tư ngoại", tại buổi lễ IR Awards 2024, sáng ngày 24/09.
|
Ông Long cho biết, hiện nay tồn tại sự phân hóa rõ rệt về mức độ thực hiện IR giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ. "Chính nguồn lực đã ảnh hưởng tới cách thực hiện hoạt động IR ở các doanh nghiệp Việt".
"Ở các doanh nghiệp nhỏ, bộ phận IR thường được giao cho phòng kế toán và tài chính kiêm nhiệm. Họ có thể làm việc rất chăm chỉ, nhưng không thể chuyên nghiệp bằng một đội ngũ được đào tạo bài bản về IR" - ông Long chia sẻ.
Theo ông, các ngành nghề khác nhau cũng có mức độ tuân thủ IR khác nhau. "Các công ty trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm thường có hoạt động IR tốt hơn so với một số lĩnh vực khác như bất động sản hay xây dựng".
Nhìn về phía trước, vị Tổng Giám đốc cho rằng vẫn còn nhiều thách thức. Ông chỉ ra một điểm yếu đáng chú ý về công tác IR hiện nay: "Chỉ 10% doanh nghiệp niêm yết cung cấp báo cáo song ngữ. Đây là rào cản lớn trong việc tiếp cận nhà đầu tư quốc tế".
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh những cơ hội đang mở ra. "Sau đại dịch COVID-19, việc tổ chức họp trực tuyến, webinar đã trở nên phổ biến hơn. Điều này giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều nhà đầu tư hơn, với chi phí thấp hơn".
Khi trình bày về vai trò của hoạt động IR hiệu quả, ông Long đưa ra ba yếu tố chính: Tính minh bạch và chính xác của thông tin, sự công bằng trong đối xử với cổ đông, và khả năng xây dựng niềm tin dài hạn.
"Chúng ta cũng không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của việc đối xử công bằng với cổ đông nhỏ lẻ", ông Long nhấn mạnh. "Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc họp cổ đông, nơi ban lãnh đạo có xu hướng ưu ái cổ đông lớn. Đây là điểm cần cải thiện vì chỉ cần một bình luận tiêu cực trên mạng xã hội, dù tương đối nhỏ, cũng có thể gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp".
Cơ hội từ nâng hạng thị trường và xu hướng ESG
Nhìn về tương lai, ông Long đặc biệt kỳ vọng việc thực hiện tốt hoạt động IR sẽ thúc đẩy nâng hạng thị trường Việt Nam và thu hút xu hướng đầu tư ESG.
Nâng hạng thị trường là vấn đề “đau đáu” trong tâm trí của Chính phủ lẫn giới đầu tư. Hiện nay, Việt Nam cũng đã có những bước tiến mới để thúc đẩy quá trình này, chẳng hạn như việc Bộ Tài chính vừa đưa ra thông tư mới liên quan tới nghiệp vụ prefunding (ký quỹ trước) đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Long cho biết, Việt Nam đến nay đã đạt 7/9 tiêu chí của FTSE và 10/18 tiêu chí của MSCI để được nâng hạng lên thị trường mới nổi. "Khi điều này xảy ra, chúng ta có thể thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Được nâng hạng, Qatar và UAE đã thu hút được 2 tỷ USD, trong khi Pakistan thu hút được 500 triệu USD".
Về xu hướng ESG, ông Long đưa ra con số ấn tượng: "Hiện tổng tài sản (AUM) dưới quyền quản lý của ngành quỹ đầu tư toàn cầu vào khoảng 140 ngàn tỷ USD, thì 35 ngàn tỷ USD trong đó đang chảy vào các quỹ ESG. Lượng vốn khổng lồ này có thể làm thay đổi bức tranh một ngành".
Ông Long kết luận: "Hoạt động IR không chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, mà còn là chìa khóa để tối ưu giá trị cổ đông và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp".
Vũ Hạo
FILI
|