Fed hạ lãi suất có châm ngòi cho làn sóng nới lỏng tiền tệ ở châu Á?
Sau hơn hai năm chịu áp lực, các ngân hàng trung ương trong khu vực đang thở phào nhẹ nhõm trước thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị hạ lãi suất 0.25 điểm phần trăm vào ngày 18/09. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn lòng nốt gót Fed.
Triển vọng lãi suất thấp hơn ở Mỹ mở ra cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách từ Jakarta đến Seoul và Mumbai triển khai nới lỏng chính sách tiền tệ. Chính kỳ vọng về một chu kỳ cắt giảm lãi suất trong khu vực đã thu hút dòng vốn đổ mạnh vào trái phiếu và cổ phiếu của các thị trường mới nổi châu Á, giúp các đồng tiền khu vực lấy lại sức mạnh.
Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ đơn giản là "cắt giảm theo Fed". Mỗi quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt với những thách thức riêng. Ấn Độ và Philippines đang phải cân nhắc giữa việc kích thích tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, Hàn Quốc lại đang đau đầu với vấn đề ổn định tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.
Brian Tan, nhà kinh tế khu vực cấp cao tại Barclays Plc, cảnh báo: "Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đang nóng lòng chờ đợi cơ hội bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ." Ông nhấn mạnh rằng tình hình kinh tế của mỗi quốc gia không nhất thiết đòi hỏi phải có sự nới lỏng ngay lập tức.
Câu trả lời sẽ được hé lộ ngay trong tuần này khi hàng loạt ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất, dù Indonesia có thể sẽ có động thái cắt giảm. Tiếp theo đó, vào giữa tháng 10, một loạt các quốc gia từ Ấn Độ đến Philippines sẽ đưa ra quyết định của riêng mình.
Thị trường đang có những kỳ vọng khác nhau. Ví dụ, tại New Zealand, nơi nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ suy thoái lần thứ ba trong hai năm, thị trường đang kỳ vọng mức giảm lãi suất lên tới 50 điểm cơ bản. Ngược lại, tại Ấn Độ và Philippines, các nhà phân tích chỉ dự báo một đợt cắt giảm nhẹ 25 điểm cơ bản trong quý 4.
Tại Hàn Quốc, các nhà kinh tế cũng chỉ dự báo có 1 đợt cắt giảm trong 3 tháng cuối năm. Tại xứ sở kim chi, các quan chức đang theo dõi chặt chẽ những mất cân đối tài chính liên quan đến giá nhà ở và các khoản vay hộ gia đình. Các nhà kinh tế kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất ngay khi thấy dấu hiệu hạ nhiệt của thị trường bất động sản, đặc biệt là ở Seoul.
Tại Đài Loan, những rắc rối trên thị trường bất động sản cũng có thể khiến các quan chức thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất.
Khoon Gho, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand, nhận xét: "Bây giờ, các ngân hàng trung ương có thể tập trung nhiều hơn vào những đặc thù trong nước khi họ cân nhắc hành động chính sách tiền tệ của mình”. Đây là một sự thay đổi đáng kể so với hai năm qua, khi các ngân hàng trung ương trong khu vực phải liên tục phản ứng với áp lực từ việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ.
Hai yếu tố có thể làm xáo trộn bức tranh: Một cuộc suy thoái ở Mỹ có thể đẩy đồng USD lên cao trong làn sóng tìm kiếm sự an toàn, hoặc kết quả cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 báo hiệu các chính sách bảo hộ, gây tổn hại cho các quốc gia phụ thuộc vào thương mại trong khu vực. Theo Bloomberg, yếu tố đầu tiên không phải là kịch bản cơ sở của các nhà kinh tế, và yếu tố thứ hai cũng không có khả năng ngăn chặn dòng vốn chảy vào tài sản châu Á ngay lúc này.
Nếu Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp hạ lãi suất và báo hiệu sẽ có thêm các đợt cắt giảm nữa, điều đó "sẽ giữ cho bữa tiệc tiếp tục diễn ra và chúng ta sẽ thấy nhiều tiền hơn đổ vào châu Á", Taimur Baig, nhà kinh tế trưởng tại DBS Group Holdings nhận định.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|