Chân dung doanh nghiệp nhựa chuẩn bị “chào sân” UPCoM
Ngày 26/09/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận cho 20 triệu cp ECO của CTCP Nhựa sinh thái Việt Nam được đăng ký giao dịch tại sàn UPCoM.
Theo bản cáo bạch, ECO được thành lập vào tháng 3/2015 với vốn điều lệ ban đầu 6 tỷ đồng. Sau 4 lần nâng vốn, vốn điều lệ Công ty hiện đạt 200 tỷ đồng.
Ngày 12/07/2024, Công ty được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất đăng ký công ty đại chúng. Tại thời điểm 23/07/2024, Công ty có 117 cổ đông, trong đó có 2 cổ đông lớn là ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty (nắm 20% vốn) và ông Nguyễn Hữu Dương - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (nắm 15% vốn).
HĐQT ECO còn 3 cá nhân khác gồm Thành viên HĐQT độc lập - ông Nguyễn Thành An và 2 Thành viên HĐQT là ông Nguyễn Đình Tuấn (cựu Chủ tịch HĐQT) và ông Đào Quốc Hùng (kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật, kế hoạch vật tư). Tỷ lệ sở hữu của 3 ông tại Công ty lần lượt là 0.75%, 1.5% và 1.5%.
Hoạt động kinh doanh chính của Công ty là sản xuất bao bì nhựa xuất khẩu cho thị trường nước ngoài và kinh doanh thương mại hạt nhựa trong nước. Trong đó, hoạt động sản xuất bao bì nhựa chiếm tỷ trọng chính trong doanh thu của Công ty, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nước châu Âu (chiếm 80%-90%), còn lại là Mỹ, Nhật và một số nước châu Phi.
Trước thềm trở thành công ty đại chúng, tháng 4/2024, ECO chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất sang địa điểm mới tại khu công nghiệp Tân Quang (tỉnh Hưng Yên) nhằm mở rộng quy mô và tăng sản lượng. Theo đó, nhà máy mới có diện tích hơn 1ha, bao gồm 6,400m2 nhà xưởng sản xuất, 300m2 nhà văn phòng và các kho hàng.
Một góc nhà máy của CTCP Nhựa sinh thái Việt Nam. Nguồn: ECO
|
ECO có 1 đơn vị trực thuộc là công ty liên kết CTCP Nhựa Tân Quang. Trong đó, ECO đã đầu tư 32 tỷ đồng để nắm 45.71% vốn của đơn vị này. Theo BCTC bán niên 2024, ECO cho biết Nhựa Tân Quang hoạt động có lãi trong 6 tháng đầu năm.
Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024, ECO ghi nhận doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt gần 208 tỷ đồng và gần 5 tỷ đồng, tăng 70% và đi ngang so với cùng kỳ. Công ty cho biết kết quả này tương đương 60% kế hoạch doanh thu và 35.5% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2024.
Tại thời điểm 30/06/2024, tổng tài sản của ECO gần 287 tỷ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho và khoản phải thu lần lượt tăng gần 24% và 44%, đạt 51 tỷ đồng và 121 tỷ đồng.
Phía còn lại của bảng cân đối, nợ phải trả tăng gần 33%, lên hơn 71 tỷ đồng, đa phần do số tiền phải trả người bán gấp 3 lần cuối năm trước với hơn 22 tỷ đồng. Mặt khác, nợ vay giảm 4% về mức 41 tỷ đồng. Liên quan giá trị khoản mục phải trả người bán tăng mạnh, Công ty cho biết đã ký kết trước các hợp đồng nhập nguyên vật liệu khi giá thành ở mức thấp nhằm giảm rủi ro về biến động giá đầu vào.
ECO và mối liên hệ với ST8
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của CTCP Tập đoàn ST8 (HOSE: ST8), ECO từng là công ty con gián tiếp của ST8 từ ngày 14/03-25/05/2023, sở hữu thông qua CTCP Đầu tư Thương mại ST8 (công ty con của ST8).
BCTC kiểm toán 2023 của ST8 cho biết thêm, Đầu tư Thương mại ST8 đã mua 65% cổ phần của ECO vào tháng 3 với giá 182 tỷ đồng và bán ra toàn bộ vào tháng 5 với giá 185.12 tỷ đồng, qua đó lãi hơn 3 tỷ đồng. Toàn bộ khoản lãi được ghi nhận vào doanh thu tài chính của ST8.
Chủ tịch HĐQT ECO hiện tại là ông Nguyễn Văn Bình từng có thời gian ngồi ghế Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn ST8 (HOSE: ST8) trong thời gian từ 05/04-30/06/2023.
Hà Lễ
FILI
|