Thứ Năm, 26/09/2024 12:20

“Cần giải quyết vấn đề chi phí logistics trong thị trường nội địa trước”

Là quan điểm của chuyên gia từ Bộ Công thương nhằm giúp các doanh nghiệp chủ hàng Việt có thể tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu ra thế giới, đặc biệt tới thị trường quan trọng như châu Âu (EU).

Gặp khó khi "gom" đơn hàng số lượng lớn

Tại diễn đàn logistics khu vực châu Âu, châu Mỹ chủ đề “Nắm bắt cơ hội từ EVFTA và các thay đổi của ngành logistics để hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU” do Bộ Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 23/09, bà Đinh Thị Bảo Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thuộc Bộ này cho biết từ khi đại dịch COVID-19 nổ ra đầu năm 2020, nền kinh tế chung bước vào giai đoạn thử thách nối tiếp thử thách. Mặc dù đã có các nỗ lực chuyển sang trạng thái bình thường mới nhưng các vấn đề về địa chính trị, biến đổi khí hậu… vẫn liên tiếp xảy ra.

Tôi nghĩ các khó khăn trong năm 2025 vẫn sẽ còn tiếp diễn theo cái cách mà chúng ta có thể chưa tưởng tượng ra”, bà thẳng thắn nhận định, đồng thời chỉ ra 3 khó khăn chính hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng hóa ra thế giới.

Đầu tiên là khó khăn khách quan từ các tác động bên ngoài. Ví dụ như giá cước vận tải biển, vận tải hàng không gia tăng nhưng các doanh nghiệp Việt không thể can thiệp bởi điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới. Chiến tranh, xung đột địa chính trị… làm cung đường vận chuyển thuận lợi bị gián đoạn, phải đi đường vòng.

Vấn đề thứ hai là năng lực tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định mới. Như EU là một trong những thị trường rất phát triển, do đó đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe và không chỉ nhắm riêng vào các doanh nghiệp Việt mà cả các công ty ở các thị trường trên thế giới. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ chưa sẵn sàng cho việc tuân thủ này sẽ gặp khó khăn rất lớn.

Thứ ba, mặc dù Việt Nam đang trở thành một trong các quốc gia phát triển nhanh về sản xuất cũng như quy mô xuất khẩu, nhưng vẫn đang gặp khó khăn khi cạnh tranh với Trung Quốc, Thái Lan hay Malaysia trong việc gom các đơn hàng lớn để có thể đạt được lợi thế về quy mô, làm giảm chi phí logistics trên một đơn vị sản phẩm.

Ngoài các vấn đề trên, chuyên gia còn nêu một số khó khăn liên quan đến tiếp cận tài chính, khoa học công nghệ nhưng các khó khăn này không đồng đều và vẫn nằm trong tầm “giải quyết được”.

Bà Đinh Thị Bảo Linh chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Tử Kính

Chi phí, thời gian giao hàng mua ở Việt Nam còn lớn hơn mua từ nước ngoài

Theo bà Linh, khoan hãy nói đến việc xuất khẩu ra thế giới, dù là B2C hay B2B, mà ngay trên chính “sân nhà” Việt Nam, người tiêu dùng Việt cũng đang mua sắm trực tuyến rất nhiều và đa phần mọi người đều nhận ra rằng mua một món hàng ở Việt Nam thì thời gian hay chi phí giao hàng vẫn có thể lớn hơn mua từ một số nước trong khu vực.

Cùng việc không thể tác động đến các khó khăn khách quan như đã đề cập, chuyên gia chỉ ra rằng phải giải quyết chi phí logistics ngay trong thị trường nội địa trước.

Khi đi ra thị trường quốc tế, chi phí thậm chí có thể còn cao hơn nữa do phụ thuộc vào cước phí vận tải, dù là đường biển hay đường hàng không. “Hay thậm chí tuyến đường sắt chúng ta từng rất kỳ vọng để đưa hàng Việt Nam qua châu Âu cũng đều phụ thuộc biến động giá trên thị trường quốc tế và các hãng vận tải”, bà thông tin và cho rằng những nơi có nguồn hàng không nhiều phải chấp nhận rủi ro, không chỉ riêng Việt Nam.

Thực tế cho thấy người mua ở bất kỳ đâu cũng hầu như chỉ quan tâm tới mức giá cuối cùng đến tay họ. Chẳng hạn, để cấu thành giá đến tay người dùng cuối tại châu Âu, sẽ bao gồm chi phí logistics ở Việt Nam; bao gồm các chi phí đưa nguyên vật liệu sản xuất vào nhà máy ở Việt Nam, lưu kho và đưa ra cảng biển lên tàu đi đến khu vực này.

Việc tối ưu hóa quy trình logistics trong lãnh thổ Việt Nam sẽ đóng góp rất nhiều vào việc giảm tổng thể giá thành đến người tiêu dùng ở châu Âu hay bất kỳ một thị trường nào trên thế giới. Và nếu các công ty logistics lớn và cảng biển trên thế giới thiết kế các tuyến dịch vụ phù hợp với nguồn hàng tại Việt Nam thì các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi.

Vì chúng ta không thể can thiệp được vào giá cước của thế giới trừ khi chúng ta thay đổi một số tuyến vận chuyển nhưng rõ ràng các doanh nghiệp chủ hàng Việt không thể thay đổi được điều này

Nếu chỉ nói họ tự tối ưu hóa quy trình logistics của mình, nhưng thực sự họ không thể làm một mình được. Phải đến từ cả hai chiều. Một là rất cần vai trò của các doanh nghiệp logistics “đầu tàu” trong việc thiết kế chuỗi cung ứng phù hợp và bền vững cho các doanh nghiệp Việt. Ở chiều còn lại, các chủ doanh nghiệp Việt cũng cần tự tối ưu hóa các quy trình của mình”, bà Linh bổ sung.

Học hỏi từ cách làm của Trung Quốc?

Tại sự kiện, chuyên gia của Bộ Công thương nêu ví dụ về sự kiện gặp gỡ giữa các doanh nghiệp logistics và sàn thương mại điện tử tại Trung Quốc diễn ra ngày 11/11 tới đây, được xem là ngày hội quan trọng của ngành này, nhằm quảng bá sức mạnh trong việc giao hàng với slogan kiểu như “Giao hàng toàn cầu chỉ trong 5 ngày”.

Trong sự kiện năm ngoái, Trung Quốc đã trình diễn toàn bộ quy trình xử lý một đơn hàng xuất khẩu B2C từ Trung Quốc ra thế giới như thế nào, với tốc độ siêu việt ra sao?”, bà dẫn chứng đồng thời cho biết Trung Quốc có thể làm được điều này nhờ lợi thế các kho ngoại quan quy mô tại các thị trường điểm đến xuất khẩu, cùng với khả năng đôi khi dự báo trước nhu cầu cũng như đơn đặt hàng tại khu vực đó giúp quốc gia này chủ động đưa nguồn hàng đến các kho ngoại quan trước khi người tiêu dùng nhấn lệnh “mua hàng”.

Chẳng hạn, họ dự báo sẽ có khoảng 1,000 món đồ chơi nào đó sẽ được tiêu thụ trong một ngày nào đó và sẽ nhập vào kho ngoại quan trước. Khi người tiêu dùng nhấn lệnh “mua trực tuyến”, hàng hóa sẽ được chuyển đến rất nhanh.

Nếu Việt Nam chúng ta không có những mạng lưới như các kho ngoại quan như thế, các đơn hàng B2C đơn lẻ sẽ tốn nhiều chi phí, thời gian và nguy hiểm nhất là mất đi khả năng đáp ứng tiến độ vào mùa cao điểm”, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin cảnh báo và bày tỏ sự trăn trở để làm thế nào tăng lợi thế kinh tế theo quy mô. Nguồn hàng lớn sẽ giảm được chi phí trên đơn vị sản phẩm, đồng thời thu hút các hãng tàu, các đối tác logistics trên thế giới mở thêm những tuyến trực tiếp, qua đó có thêm lựa chọn và đạt hiệu quả cao hơn.

Cơ quan của bà Linh đang được Bộ Công thương giao nhiệm vụ phụ trách cổng thông tin về logistics có tên miền là logistics.gov.vn, giao diện bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Hàng tháng, trung tâm thực hiện và đăng tải liên tục các báo cáo định kỳ về thị trường logistics các khu vực, cùng các lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt khi giao thương với những thị trường này liên quan đến vấn đề logistics hay các quy định, chính sách mới.

Tử Kính

FILI

Các tin tức khác

>   Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan: TPHCM cần hình thành các ngành công nghiệp mới (25/09/2024)

>   Thủ tướng nêu 6 ý nghĩa lớn của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tại TPHCM (25/09/2024)

>   Xuất khẩu cuối năm nhiều tín hiệu khả quan khi đơn hàng và thị trường hồi phục (25/09/2024)

>   Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc tại các dự án lưới điện Đắk Nông (25/09/2024)

>   Thủ tướng: Đẩy nhanh tiến độ, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành vào cuối năm 2025 (24/09/2024)

>   Bà Bùi Thị Thao Ly (SSV): Công bố thông tin ESG gia tăng cơ hội tiếp cận dòng vốn ngoại (24/09/2024)

>   Ông Nguyễn Thành Long (HDCapital): IR có thể là chìa khoá kích hoạt dòng vốn tỷ đô vào Việt Nam (24/09/2024)

>   Nhiều tập đoàn công nghệ, quỹ đầu tư của Mỹ muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam (24/09/2024)

>   Cựu chủ tịch NXB Giáo dục bị bắt vì nhận 24,9 tỷ: Nơi làm sách tham khảo, lợi nhuận như mơ (24/09/2024)

>   Chuyển đổi logistics thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU (23/09/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật