Bà Bùi Thị Thao Ly (SSV): Công bố thông tin ESG gia tăng cơ hội tiếp cận dòng vốn ngoại
Tại hội thảo IR View về chủ đề “xanh hóa” diễn ra trong khuôn khổ Lễ Vinh danh IR Awards 2024 vào sáng ngày 24/09, bà Bùi Thị Thao Ly - Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV), đại diện cho bên bán - chia sẻ về cách tiếp cận dòng vốn ngoại thông qua việc công bố thông tin ESG.
* Tôn vinh doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR xuất sắc nhất năm 2024
Bà Bùi Thị Thao Ly - Giám đốc Trung tâm Phân tích SSV chia sẻ tại Hội thảo IR View
|
Bà Ly cho biết, với những bước tiến vượt bậc trong hoạt động công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết những năm vừa qua, đội ngũ phân tích nói chung có cơ hội tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp ngày càng đầy đủ và dễ dàng hơn, từ số liệu tài chính, kế hoạch kinh doanh đến những thông điệp về giá trị cốt lõi từ ban lãnh đạo, đã giúp SSV hiểu doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng phân tích và dự báo.
Trong vài năm gần đây, SSV nhận được nhiều câu hỏi mới, yêu cầu phân tích mới từ nhà đầu tư, các nhóm nghiên cứu, các tổ chức xếp hạng… về mức độ cam kết và thực hành phát triển bền vững tại các doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt, các nhà đầu tư tổ chức quốc tế gặp khó khăn trong việc đánh giá, sàng lọc để chọn cổ phiếu tiềm năng của Việt Nam cho chủ đề đầu tư ESG trong bối cảnh xu hướng đầu tư “xanh”, đầu tư có trách nhiệm đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Thống kê tại châu Á (không bao gồm Nhật Bản, Úc, New Zealand) cho thấy, số lượng quỹ đầu tư ESG tăng rất mạnh mẽ kể từ năm 2020, tập trung ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... với quy mô tổng tài sản lên đến 58 tỷ USD vào thời điểm cuối quý 2/2024, gấp hơn 10 lần so với thời điểm 10 năm tước.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Việt Nam đang đi sau các nước trong khu vực, với chỉ một quỹ đầu tư ESG, thấp hơn các nước lân cận như Malaysia hay Thái Lan vốn đang bùng nổ rất mạnh trong những năm gần đây.
Kết quả tích cực của các nước lân cận đến từ (1) những yêu cầu như công bố báo cáo phát triển bền vững trở thành tiêu chí bắt buộc chứ không còn là tự nguyện, (2) hướng dẫn công bố thông tin ESG với các chỉ tiêu định lượng như lượng phát thải nhà kính và mục tiêu giảm thiểu phát thải và (3) áp dụng những chính sách mới như giảm thuế cho các quỹ đầu tư ESG và nhà đầu tư để khuyến khích tham gia.
Có nhiều nguyên nhân khiến lĩnh vực “đầu tư xanh” của Việt Nam đi sau một số nước trong khu vực, nhưng theo đại diện SSV, dữ liệu ESG đang là rào cản lớn nhất, ảnh hưởng đến việc sàng lọc các cơ hội đầu tư. Mặc dù, ngày càng có nhiều các doanh nghiệp cam kết và thực hành phát triển bền vững, nhưng việc công bố thông tin chưa đầy đủ có thể dẫn đến những phân tích, đánh giá sai lệnh, gây bất lợi cho hình ảnh của doanh nghiệp.
Số liệu thống kê từ Bloomberg cho thấy, chỉ có khoảng 3% số công ty niêm yết trên HOSE có dữ liệu để đánh giá, tỷ lệ này gây ngạc nhiên bởi theo khảo sát của PwC có 44% các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã thực hiện cam kết và kế hoạch ESG.
Mức độ công bố thông tin ESG cũng chỉ mới đáp ứng được hơn 23% hệ thống các tiêu chí đánh giá với nhiều chỉ tiêu định lượng. Trong đó, mức độ công bố thông tin về môi trường chưa tới 10%, thông tin xã hội 14% và thông tin về quản trị cao hơn đáng kể, đạt gần 47%. Qua đó cho thấy xếp hạng quản trị cũng là yếu tố quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp.
Dù số lượng quỹ đầu tư ESG tại Việt Nam còn chưa nhiều, nhưng thực tế có những doanh nghiệp niêm yết đi đầu trong việc công bố thông tin phát triển bền vững đã thu hút rất nhiều quỹ đầu tư ESG trên toàn cầu. Ví dụ điển hình như VNM thu hút được 300 quỹ đầu tư nước ngoài, trong đó có đến 126 quỹ đầu tư ESG. Từ đó cho thấy việc chủ động thực hành báo cáo thông tin ESG giúp doanh nghiệp niêm yết tiếp cận đến quỹ ESG toàn cầu với quy mô lớn.
Bà Bùi Thị Thao Ly chia sẻ tại Hội thảo IR View
|
Theo Bloomberg Intelligence, tổng tài sản quỹ ESG toàn cầu ước tính lớn hơn rất nhiều so với khu vực châu Á, lên đến 30 ngàn tỷ USD năm 2022 và dự kiến vượt 40 ngàn tỷ USD vào năm 2030.
Do đó, SSV tin rằng việc thực hành báo cáo phát triển bền vững, công bố thông tin đầy đủ, có lưu tâm đến việc lấp đầy các ô thông tin yêu cầu cho công việc phân tích, xếp hạng của các tổ chức trong và ngoài nước, sẽ gia tăng đáng kể cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư ESG của doanh nghiệp niêm yết Việt Nam.
Ngoài việc thu hút đầu tư, nhu cầu cải thiện hình ảnh và danh tiếng của công ty, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, thu hút và giữ chân nhân tài… cũng là những động lực thôi thúc doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững.
Với vai trò là một nhà phân tích của CTCK, SSV mong được đọc báo cáo phát triển bền vững từ nhiều doanh nghiệp niêm yết hơn, với tiêu chuẩn ngày càng được nâng cao hơn và tự hào được góp phần vào việc chuyển tải những thông tin này đến với nhiều nhà đầu tư thông qua những báo cáo phân tích của mình, chung tay cùng doanh nghiệp hướng đến mục tiêu quốc gia Net Zero 2050.
* IR trong kỷ nguyên xanh: Chiến lược "xanh hóa" và thu hút vốn của doanh nghiệp Việt
* Ông Nguyễn Thành Long (HD Capital): IR có thể là chìa khoá kích hoạt dòng vốn tỷ đô vào Việt Nam
Huy Khải
FILI
|