Thứ Năm, 15/08/2024 07:10

Tương lai nhiều biến số cho công ty mẹ của Google

Mô hình kinh doanh của Alphabet bị nhiều nhà quan sát đánh giá kém hấp dẫn và mong manh hơn một chút so với Apple, Amazon và Microsoft Corp.

(Ảnh: Reuters)

Khi nói đến “Bộ Bảy vĩ đại” - gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla, một trong những cái tên đáng chú ý nhất là Alphabet, công ty mẹ của Google.

Mô hình kinh doanh của Alphabet bị nhiều nhà quan sát đánh giá kém hấp dẫn và mong manh hơn một chút so với Apple, Amazon và Microsoft Corp.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng công ty mẹ của Google vẫn ghi nhận và báo cáo những thành tích hoạt động ấn tượng, để có thể bước vào nhóm những cái tên hiếm hoi ghi nhận mức vốn hóa vượt ngưỡng 2.000 tỷ USD, bất chấp biến số từ những xu hướng công nghệ mới lẫn sự siết chặt quản lý của các nước.

Quý 2, Alphabet đã báo cáo kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng của các nhà phân tích. Cụ thể, doanh thu của Alphabet đã tăng 14% lên 84,7 tỷ USD nhờ vào mảng Tìm kiếm (Search) cũng như dịch vụ đám mây (Cloud). Đáng chú, mảng Cloud lần đầu tiên báo doanh thu hàng quý vượt 10 tỷ USD và đạt lợi nhuận hoạt động 1 tỷ USD.

Cách đây chưa đầy hai năm, Google Cloud không có lãi và là lực cản đối với kết quả tài chính của Alphabet. Hiện tại, đây là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả nhất của công ty.

Google Cloud cũng đang cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ như Amazon Web Services (AWS) và Microsoft Azure, vươn lên trở thành nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn thứ ba trên thế giới với 11% thị phần.

Mặc dù Alphabet được cho là công ty Trí tuệ Nhân tạo (AI) hàng đầu thông qua phòng thí nghiệm DeepMind, trên thực tế, công ty này rất đa dạng và đang dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài điện toán đám mây và AI, Alphabet đã báo cáo doanh thu quảng cáo trực tuyến đạt 64,62 tỷ USD trong quý 2, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Đơn vị Other Bets của công ty, bao gồm các sản phẩm dịch vụ khác như công ty xe tự lái Waymo, đã mang về 365 triệu USD trong quý vừa kết thúc, tăng so với 285 triệu USD của cùng kỳ một năm trước.

Alphabet cũng tiếp tục phát triển về mặt chiến lược khi đã tham gia các cuộc đàm phán để mua lại công ty an ninh mạng tư nhân Wiz với giá 23 tỷ USD hồi đầu tháng Bảy. Wiz được thành lập vào năm 2020 và cung cấp dịch vụ an ninh mạng cho các nền tảng điện toán đám mây. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của Alphabet.

Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng đã đổ bể. Wiz rút lui và tuyên bố rằng công ty có kế hoạch tổ chức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối năm nay.

Dù vậy, khi nhìn lại, không đạt được thỏa thuận với Wiz có thể lại là một may mắn của Alphabet, khi nó xảy ra ngay thời điểm lỗi phần mềm của công ty an ninh mạng CrowdStrike và Microsoft đã làm sập các hệ thống công nghệ thông tin trên toàn thế giới. Thỏa thuận với Wiz cũng không phải lần đầu tiên Alphabet mua lại một công ty an ninh mạng. Trước đó vào năm 2022, công ty đã mua công ty chuyên về các biện pháp đối phó rủi ro mạng Mandiant với giá 5,4 tỷ USD.

Các nhà điều hành của Alphabet cho biết việc phát triển các dịch vụ an ninh mạng, đặc biệt là trên nền tảng đám mây, vẫn là trọng tâm chính của công ty. Những khẳng định này đã giúp Alphabet tạo thêm lòng tin đối với thị trường sau giai đoạn nhiều biến động.

Một lý do khác để lạc quan về tương lai của Alphabet là công ty đã lần đầu tiên trả cổ tức vào ngày 17/6 với mức 20 xu Mỹ cho mỗi cổ phiếu. Ngoài cổ tức hàng quý, Alphabet cũng công bố chương trình mua lại cổ phiếu mới trị giá 70 tỷ USD.

Công ty có thể trả cổ tức vì họ đang nắm giữ nhiều tiền mặt với khoảng hơn 100 tỷ USD trong tay. Việc thanh toán cổ tức được cả các nhà đầu tư và nhà phân tích hoan nghênh, sau khi đã nhiều năm kêu gọi “gã khổng lồ” công nghệ này tăng lợi nhuận cho cổ đông thông qua việc thanh toán cổ tức và mua lại cổ phiếu.

Biểu tượng Google tại tòa nhà ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tin tức về việc thanh toán cổ tức phần lớn là nguyên nhân khiến vốn hóa thị trường của Alphabet vượt qua ngưỡng 2.000 tỷ USD vào mùa Xuân năm nay và duy trì được trên mức đó đến hiện tại.

Thành tựu này đưa Alphabet vào một “câu lạc bộ” những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa vượt ngưỡng 2.000 tỷ USD bao gồm Apple, Microsoft, Saudi Aramco và Nvidia. Tính đến ngày 13/8, Alphabet là công ty có giá trị vốn hóa lớn thứ tư thế giới với 2.030 tỷ USD, xếp sau Apple (3.364 tỷ USD), Microsoft (3.077 tỷ USD) và Nvidia (2.856 tỷ USD).

Tuy nhiên, Alphabet đang phải đối mặt với mối nguy lớn từ AI và các vụ điều tra chống độc quyền của giới chức các nước, sau khi một tòa án Mỹ ngày 5/8 ra phán quyết rằng Google đã xây dựng vị thế “độc tôn” bất hợp pháp trên thị trường tìm kiếm trực tuyến.

Trong mắt giới quan sát, mối rủi ro từ các công cụ AI - bao gồm cả chatbot ChatGPT nổi tiếng của OpenAI, đang lớn hơn cả khi nó có tiềm năng làm giảm dần vị thế thống trị của Google. Tác động của AI là tức thời, trong khi các phán quyết của tòa án sẽ còn mất thêm thời gian kháng cáo và xử lý mới ảnh hưởng đến thị trường.

Theo một số chuyên gia, mô hình tìm kiếm của Google có thể bị phá vỡ bởi sự xuất hiện của các công cụ AI, như Chat GPT, Alexa hoặc Siri. Nếu ngày càng nhiều người thay vì dùng Google để tìm kiếm và chuyển sang sử dụng các công cụ trên, dịch vụ tìm kiếm của Google sẽ bị giảm dần thị phần và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của Alphabet.

Song vẫn có những hoài nghi về điều này. Nhiều chuyên gia cho rằng thay vì phá vỡ hoàn toàn dịch vụ tìm kiếm của Google, AI có thể chỉ tạo thêm trở ngại, làm giảm tăng trưởng thay vì gây ra tình trạng trì trệ hoặc giảm doanh thu trong ngắn hạn và trung hạn đối với Google. AI chắc chắn sẽ dần trở nên phổ biến hơn, nhưng sẽ mất nhiều năm nữa chúng mới thay thế được thói quen sử dụng Google để tìm kiếm của một bộ phần không nhỏ người dùng Internet.

Biểu tượng của Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft trên màn hình điện thoại và máy tính bảng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với vị thế là một trong những công ty sáng tạo nhất thế giới, ngay cả khi điều này diễn ra dần dần, Alphabet vẫn sẽ có khả năng cân bằng thông qua ứng dụng AI của riêng mình có tên Gemini. Thậm chí, sự phát triển công nghệ này có thể giúp Google phát triển thêm các mảng quảng cáo, tìm kiếm và sản phẩm theo hướng tích cực hơn nữa.

Như tại sự kiện ra mắt dòng điện thoại thông minh Pixel mới vào ngày 13/8, Google đã công bố những tính năng tích hợp AI mới dành cho dòng điện thoại này. Chúng bao gồm khả năng giúp người dùng tìm kiếm thông tin được lưu từ ảnh chụp màn hình, hay người dùng có thể thả kéo Gemini - ứng dụng chatbot của Google lên trên một ứng dụng khác để trả lời câu hỏi hoặc tạo nội dung mong muốn.

Nhìn chung, Alphabet vẫn có những tiềm năng và không phải là một doanh nghiệp đang chìm trong khủng khoảng. Vì lý do này, dù vẫn tồn tại những triển vọng không rõ ràng trong mô hình kinh doanh, sự đa dạng hóa và khả năng công nghệ của Alphabet vẫn giúp công ty có nhiều lựa chọn giúp duy trì đà tăng trưởng hiện thời trong một thời gian tương đối dài tiếp theo.

Hương Thuỷ 

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới giảm 1% sau dữ liệu lạm phát của Mỹ (15/08/2024)

>   Dầu giảm hơn 1% (15/08/2024)

>   Quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới lãi 138 tỷ USD nhờ cơn sốt AI (14/08/2024)

>   Vàng thế giới ổn định sau dữ liệu PPI của Mỹ (14/08/2024)

>   Dầu WTI giảm 2% khi nhu cầu toàn cầu suy yếu (14/08/2024)

>   Gió đã đổi chiều đối với các đồng tiền của ASEAN (13/08/2024)

>   Thị trường trái phiếu lên cơn sốt, Trung Quốc liền ra can thiệp mạnh tay (13/08/2024)

>   Vàng thế giới tăng hơn 1% lên cao nhất kể từ đầu tháng 8/2024 (13/08/2024)

>   Dầu WTI vọt hơn 4% vượt 80 USD/thùng (13/08/2024)

>   Nhà đầu tư điên cuồng dùng đòn bẩy trong thị trường sốt nóng và giờ họ phải trả giá (12/08/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật