Nhà đầu tư điên cuồng dùng đòn bẩy trong thị trường sốt nóng và giờ họ phải trả giá
Nửa đầu năm 2024 chứng kiến một cơn sốt đầu tư lan rộng khắp thị trường tài chính toàn cầu. Từ những cá cược lớn vào đồng Yên Nhật đến các chiến lược tiền ảo phức tạp và đầu tư vào các công ty công nghệ nóng bỏng, các nhà đầu tư liên tục đẩy mạnh vị thế của mình.
Điểm chung của tất cả các giao dịch này? Đó chính là việc sử dụng đòn bẩy tài chính một cách mạnh tay để khuếch đại lợi nhuận kỳ vọng. Khi thị trường tăng trong nửa đầu năm 2024, các khoản đầu tư tạo ra lợi nhuận bất ngờ, thôi thúc các nhà giao dịch khác tham gia và đẩy giá lên cao hơn.
Tuy nhiên, giờ đây tình thế đã đảo ngược. Sự bất ổn quay trở lại thị trường toàn cầu trong tháng qua, và các nhà đầu tư đang rút lui khỏi những giao dịch từng được coi là bất khả chiến bại. Mặc dù thị trường đã bình ổn trong những ngày gần đây và chỉ số Dow Jones vẫn trong phạm vi 5% so với mức cao kỷ lục, các chuyên gia cảnh báo rằng có lý do để chuẩn bị cho nhiều biến động hơn.
Điều gì đứng sau sự hỗn loạn này? Andy Constan, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Damped Spring Advisors, chỉ ra nguyên nhân chính đằng sau những tổn thất gần đây: "Đó là quá trình giảm đòn bẩy." Khi điều kiện kinh tế hoặc tài chính thay đổi, các nhà đầu tư có thể buộc phải bán đi một phần danh mục đầu tư của mình - chẳng hạn như cổ phiếu Mỹ hoặc Nhật Bản - để bù đắp cho những khoản lỗ từ các cá cược đòn bẩy khác, như đặt cược vào đà giảm của đồng Yên. Quá trình giảm thiểu rủi ro này thường diễn ra một cách hỗn loạn và cần thời gian trước khi các nhà giao dịch có thể tái cơ cấu vị thế của mình.
Constan giải thích thêm: "Quá trình giảm đòn bẩy trước tiên phải loại bỏ những người đang nắm giữ vị thế mua và bị bán giải chấp (margin call) trước khi có thể chuyển thành những vị thế mua mới, thành những đòn bẩy mới".
Theo Goldman Sachs, tháng 7 vừa qua đã chứng kiến một trong những đợt giảm đòn bẩy lớn nhất đối với các khách hàng quỹ phòng hộ của bộ phận môi giới chính của ngân hàng này trong 10 năm qua.
Sự trầm lắng của mùa hè
Điều đáng lo ngại hơn là thời điểm xảy ra biến động này - giữa mùa hè, khi nhiều nhà giao dịch và nhà đầu tư đang đi nghỉ. Với ít chuYên gia có mặt tại văn phòng, thiếu vắng những cá nhân giàu kinh nghiệm trên các bàn giao dịch, và ít nhà đầu tư sẵn sàng nhảy vào mua khi giá lao dốc, tình hình càng trở nên phức tạp.
Đây là lý do tại sao tháng 8 đã chứng kiến những ví dụ về sự hoảng loạn trong quá khứ, chẳng hạn như sự sụp đổ của quỹ phòng hộ Long-Term Capital Management (LTCM) vào tháng 8/1998 và "cơn địa chấn quant" vào tháng 8/2007.
Patrick Heusser, Trưởng bộ phận cho vay tiền ảo tại Trident Digital, nhận xét về những biến động của tuần qua: "Thanh khoản còn tệ hơn hoặc ngang bằng với thời điểm thị trường sụp đổ do COVID-19".
Tất nhiên, khó có thể xác định chính xác nguYên nhân gây ra sự sụt giảm của thị trường, và những lời giải thích chính xác có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Dấu hiệu về sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ chắc chắn đã góp phần gây ra biến động.
Tuy nhiên, phần lớn cú sốc mà các nhà đầu tư cảm nhận từ một thị trường sụt giảm nhanh chóng, và sau đó phục hồi đột ngột, có thể được quy cho việc các nhà đầu tư vội vàng giảm đòn bẩy nhanh chóng, một cách tự nguyện hoặc sau khi nhận được các cuộc gọi từ các nhà môi giới.
Đặt cược lớn vào Nhật Bản
Một trong những ví dụ điển hình về việc sử dụng đòn bẩy quá mức là các cá cược vào đồng Yên Nhật. Vào tháng 7, các hợp đồng đặt cược vào đà giảm của đồng Yên của các quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2017. Nhiều quỹ đã tận dụng lãi suất chuẩn gần bằng 0 ở Nhật Bản để vay Yên, bán ra và đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn ở nơi khác - một chiến lược được gọi là "carry trade đồng Yên".
Ví dụ, một số đã đổi Yên lấy USD để mua trái phiếu Chính phủ có lãi suất cao hơn. Tại thời điểm cao điểm vào tháng 7, các cá cược bán khống đồng Yên của các quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ khác có tổng giá trị 14 tỷ USD, theo CFTC.
Một dấu hiệu khác của việc tích lũy đòn bẩy: Theo phân tích của ING dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), khoản cho vay nước ngoài của các ngân hàng Nhật Bản đã đạt 1,000 tỷ USD vào tháng 3, tăng 21% kể từ năm 2021.
Giao dịch này đã bị đảo ngược trong tháng qua khi chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và Nhật Bản thu hẹp trước kỳ vọng cắt giảm lãi suất ở Mỹ. Nó còn chịu áp lực khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất, khiến đồng Yên tăng giá và buộc các nhà giao dịch này phải đóng các vị thế đặt cược vào đà giảm của đồng Yên.
Đến ngày thứ Ba (06/08), một ngày sau đợt bán tháo gần đây, những cá cược vào đà giảm của đồng Yên đã giảm hơn 80% so với mức đỉnh.
Steve Sosnick, Chiến lược gia trưởng tại Interactive Brokers, đã viết cho khách hàng tuần trước: "Những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy đang bị 'nghiền nát' vì họ đã vay mượn một lượng lớn đồng Yên có lãi suất thấp để mua mọi thứ khác".
Công nghệ trở thành một mớ hỗn độn
Không chỉ giới hạn ở thị trường ngoại hối, làn sóng giảm đòn bẩy cũng lan sang các lĩnh vực khác. Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu công nghệ lớn của Mỹ - vốn là mục tiêu ưa thích của các quỹ đầu cơ và quỹ định lượng trong hơn một năm qua - đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Những tên tuổi lớn như Tesla, Amazon.com và Nvidia đều giảm 15% hoặc hơn trong tháng vừa qua.
Thị trường tiền ảo cũng không ngoại lệ. Năm ngày đầu tiên của tháng 8 đã chứng kiến hơn 3 tỷ USD tiền ảo bị bán giải chấp. Giá Bitcoin và Ethereum, hai đồng tiền ảo lớn nhất, đã lao dốc lần lượt 18% và 24% trong khoảng thời gian này.
Các nhà đầu tư tiền ảo đã dành phần lớn thời gian kể từ khi sàn giao dịch FTX sụp đổ vào cuối năm 2022 để cắt giảm đòn bẩy của họ. Điều đó kết thúc trong năm nay. Việc ra mắt các quỹ ETF giao ngay Bitcoin và Ethereum, hai loại tiền ảo lớn nhất, tại Mỹ đã thúc đẩy sự lạc quan của nhà đầu tư rằng giá của các đồng tiền ảo này sẽ tăng.
Nhiều người lạc quan đã mua các sản phẩm phái sinh Bitcoin mà các nhà đầu tư cho rằng có "đòn bẩy vốn có", nghĩa là chỉ cần bỏ ra một ít tiền, các nhà đầu tư có thể đạt được lợi nhuận khủng. Những sản phẩm này bao gồm các quyền chọn và hợp đồng tương lai vĩnh cửu (perpetual futures), các hợp đồng tương lai không có ngày đáo hạn và cho phép các nhà giao dịch đặt cược liên tục vào giá của một token với đòn bẩy lên đến 100 lần.
Theo CCData, tổng giá trị của các hợp đồng phái sinh Bitcoin đang lưu hành trên các sàn giao dịch tập trung đã đạt 37 tỷ USD vào đầu tháng 8, tăng gấp ba lần so với một năm trước đó. Sự hỗn loạn của thị trường vào ngày 05/08 đã đẩy tổng số này xuống còn 28 tỷ USD.
Các chuyên gia đang chuẩn bị cho nhiều biến động hơn. Họ đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng 8, dự kiến công bố vào ngày 08/09. Một báo cáo thất vọng thứ hai liên tiếp có thể xác nhận những lo ngại tồi tệ nhất của những người hoài nghi về kinh tế, châm ngòi cho một đợt giảm đòn bẩy mới. Ngược lại, một báo cáo mạnh mẽ có thể cho thấy báo cáo tháng 7 chỉ là một sự chững lại tạm thời.
John Lynch, Giám đốc đầu tư tại Comerica Wealth Management, chia sẻ về cách ông trấn an các khách hàng: "Tôi đang nói với họ đừng hoảng sợ".
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
|