Gió đã đổi chiều đối với các đồng tiền của ASEAN
Sau giai đoạn giảm giá mạnh so với đô la Mỹ hồi đầu năm, các đồng tiền của ASEAN bắt đầu bật dậy mạnh mẽ nhờ các điều kiện kinh tế trong nước thuận lợi cũng như triển vọng Mỹ giảm lãi suất.
Sau khi giảm xuống các mức thấp nhất trong nhiều năm so với đô la Mỹ, các đồng tiền chủ chốt ở ASEAN đã phục hồi hầu hết mất mát. Thậm chí, đồng ringgit đang tăng giá hơn 3% so với đồng bạc xanh trong năm nay. Ảnh: freemalaysiatoday.com
|
Trong nửa đầu năm, đà tăng giá của đô la Mỹ nhấn chìm nhiều đồng tiền của ASEAN xuống mức thấp gần kỷ lục hoặc thấp nhất trong nhiều năm. Giờ đây, các đồng tiền trong khu vực đang củng cố sức mạnh trước đô la. Các nhà kinh tế cho biết, tiền tệ của ASEAN đang được hưởng lợi nhờ nhiều yếu tố bao gồm dữ liệu kinh tế suy yếu của Mỹ làm dấy lên nỗi lo suy thoái và triển vọng giảm lãi suất mạnh hơn dự kiến của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) nâng lãi suất từ biên độ 0-0,1% lên 0,25% hôm 31-7, giá đồng yen tăng vọt, kéo theo sự tăng giá của các đồng tiền châu Á. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương của ASEAN cũng đã can thiệp bằng nhiều cách khác nhau để củng cố tỷ giá đồng tiền trong nước.
Chẳng hạn, hồi tháng 2, Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) khuyến khích các công ty nhà nước chuyển thu nhập ở nước ngoài về nước và quy đổi sang nội tệ. Vào giữa năm, Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) và Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đã can thiệp trực tiếp để ổn định tỷ giá của đồng baht và đồng rupiah.
Theo Denise Cheol, nhà kinh tế của Moody’s Analytics, đà phục hồi của ngành du lịch và xuất khẩu cũng đang hỗ trợ các đồng tiền của ASEAN.
Ringgit đảo chiều ngoạn mục
Hồi tháng 2, đồng ringgit lao dốc “đâm thủng” ngưỡng 4,8 ringgit đổi một đô la, thấp nhất kề từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối thập niên 1990. Đến tháng 4, ringgit giảm xuống gần mức thấp kỷ lục. Nhưng kể từ đó, ringgit phục hồi nhờ dữ liệu tăng trưởng kinh tế lạc quan của Malaysia, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào nước này cùng với các tín hiệu về khả năng Fed sớm giảm lãi suất. Gần đây, đồng ringgit chứng kiến chuỗi 11 ngày tăng giá liên tục so với đô la, mạch tăng giá dài chưa từng thấy trong 14 năm.
Trong năm nay, đồng ringgit chứng kiến hiệu suất tăng giá mạnh mẽ nhất khu vực. Đồng tiền của Malaysia đã lấy lại tất cả mất mát hồi đầu năm và tính đến hôm 12-8, đang tăng giá hơn 3% so với đô la kể từ tháng 1.
Saktiandi Supaat, người đứng đầu bộ phận ngoại hối ASEAN ở ngân hàng Maybank dự báo, đà tăng giá của ringgit có thể duy trì trong bối cảnh kinh tế Malaysia tăng trưởng mạnh mẽ. Thêm vào đó là mối quan tâm gia tăng của nhà đầu tư nước ngoài cũng như những cải cách tài khóa quyết liệt ở trong nước.
Tại Philippines, sau khi rơi xuống mức thấp 20 tháng so với đô la hồi tháng 6, đồng peso tăng vọt kể từ đầu tháng 8, lên mức 57,3 peso đổi một đô la vào hôm 12-8.
Có nhiều yếu tố đang thúc đẩy đồng peso bao gồm lạm phát của Philippines bất ngờ tăng trong tháng 7 và tăng trưởng khởi sắc của GDP quí 2. Trong tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng của Philippines tăng 4,4% từ biên độ 3,4-3,9% trong 5 tháng trước đó.
GDP quí 2 của nước này tăng 6,2%, nhanh hơn mức tăng 5,8% trong quí 1. Các dữ liệu này làm giảm triển vọng Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 15-8 tới.
Baht và rupiah theo sau đà phục hồi
Trong số các đồng tiền ASEAN, đồng baht gần đây chứng kiến mức giảm giá mạnh nhất so với đô la. Nhưng hiện tại, đồng tiền của Thái Lan đã thu hẹp đáng kể mức giảm và có thể đảo chiều tăng giá so với đồng bạc xanh trong những tháng còn lại của năm.
Trong 4 tháng đầu năm, đồng baht giảm giá hơn 8% nhưng dần phục hồi về mức 35,2 baht đổi 1 đô la hôm 12-8, tức chỉ đang giảm khoảng 2,7% so với đô la kể từ đầu năm.
Lloyd Chan, nhà phân tích tiền tệ của ngân hàng MUFG (Nhật Bản) nhận định, đồng baht có khả năng cao sẽ phục hồi tất cả mất mát trong mùa du lịch cao điểm sắp tới.
Saktiandi Supaat của ngân hàng Maybank dự báo, tỷ giá của cặp tiền tệ đô la Mỹ – baht sẽ tiếp tục xu hướng giảm cho đến năm sau. Ông lưu ý, sức mạnh của đồng yen và giá vàng cao dự kiến tiếp tục hỗ trợ đồng baht.
Tại Indonesia, bối cảnh chuyển giao quyền lực và các thay đổi chính sách sau cuộc bầu cử tổng thống ở Indonesia khiến đồng rupiah biến động mạnh trong những tháng đầu năm. Đồng rupiah rơi xuống mức thấp mới sau mỗi tháng và chạm mức thấp nhất trong 4 năm, 16.450 rupiah đổi 1 đô la hồi tháng 6. Nhưng đồng tiền của Indonesia bắt đầu tăng giá kể từ cuối tháng 7.
Trong phiên giao dịch sáng 13-8, đồng tiềm này tăng giá 0,4% so với đô la. Tạm tính trong quí hiện tại, rupiah tăng giá khoảng 2,6% và phục hồi hầu hết mức giảm của những tháng đầu năm.
Cũng giống như ringgit, đồng rupiah mạnh lên nhờ các điều kiện kinh tế thuận lợi ở trong nước. gồm tăng trưởng mạnh mẽ và dự trữ ngoại hối dào dào. Triển vọng Fed giảm lãi suất vào tháng Chín cũng hỗ trợ đồng rupiah.
Các nhà kinh tế nhận định, nhìn chung, các đồng tiền ASEAN sẽ mạnh lên trong quí 4 sau khi Fed hạ lãi suất vào tháng Chín như dự kiến. Các ngân hàng trung ương trong khu vực có thể chờ đến quí 1-2025 mới giảm lãi suất.
“Chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng trung ương ở ASEAN sẽ giữ nguyên lãi suất trong những tháng còn lại của năm nay để tránh gây biến động tiền tệ không cần thiết trong một môi trường toàn cầu vẫn còn bất ổn cao” Lloyd Chan, nhà phân tích tiền tệ của MUFG nói.
Denise Cheol của Moody’s Analytics nhận định, các đồng tiền trong khu vực sẽ được củng cố nhờ đà phục hồi của ngành sản xuất ở nhiều nước ASEAN trong năm 2025 khi tăng trưởng toàn cầu lấy lại động lực sau làn sóng giảm lãi suất.
Khánh Lan (Theo Business Times)
TBKTSG
|