TP Hồ Chí Minh tái khởi động cho vay kích cầu đầu tư các dự án ưu tiên
Mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất lên tới 200 tỷ đồng/dự án (không bao gồm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ), tăng gấp đôi so với mức vốn hỗ trợ 100 tỷ đồng/dự án ở thời kỳ trước.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Agribank. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
|
Sau 3 năm gián đoạn, chương trình cho vay kích cầu đầu tư nhằm khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên chính thức tái khởi động.
Chương trình được kỳ vọng tạo động lực mới hỗ trợ cho các doanh nghiệp thành phố trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang có nhiều tín hiệu khởi sắc trở lại.
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC), cuối tháng 7/2024, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 42/2024/QĐ-UBND về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Đây là một trong những chính sách hỗ trợ đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, được thực hiện thông qua HFIC theo nội dung Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư.
Các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, chuyển đổi số; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thương mại, phục vụ sản xuất nông nghiệp; y tế, giáo dục-đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, văn hóa-thể thao; hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và môi trường cùng 4 ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ này.
Đáng chú ý, mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất lên tới 200 tỷ đồng/dự án (không bao gồm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ), tăng gấp đôi so với mức vốn hỗ trợ 100 tỷ đồng/dự án ở thời kỳ trước.
Thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 7 năm kể từ ngày dự án được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt và sau khi giải ngân vốn vay lần đầu tại HFIC; trong đó, phần vốn đầu tư xây dựng công trình được hỗ trợ lãi suất tối đa 70%, phần vốn đầu tư công nghệ và thiết bị được hỗ trợ tối đa 85%.
Riêng các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, dạy nghề, văn hóa-thể thao do đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố làm chủ đầu tư được hỗ trợ lãi suất tối đa 100% phần vốn đầu tư công trình xây dựng; 100% phần vốn đầu tư công nghệ và thiết bị.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
|
Là một trong những lĩnh vực được thụ hưởng chính sách, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các đơn vị y tế đang rất trông chờ chính sách hỗ trợ lãi suất này nhanh đi vào thực tiễn đời sống.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, nhu cầu vốn dành cho phát triển y tế trên địa bàn là rất lớn. Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, rót vốn đầu tư, nhưng tình trạng khan hiếm vốn, gọi vốn thành công ở các cơ sở y tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Riêng đối với vốn đầu tư công dành cho lĩnh vực y tế vẫn chưa thể theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới.
Do đó, chính sách hỗ trợ lãi suất là chương trình rất ý nghĩa, các đơn vị y tế đang rất trông chờ vào chương trình với rất nhiều điểm mới, thuận tiện hơn so với chương trình vay kích cầu trước đây.
“Với việc nâng mức vay tối đa lên đến 200 tỷ đồng/dự án và những dự án lớn hơn sẽ thông qua Hội đồng Nhân dân thành phố, chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất sẽ mở thêm hướng cho các bệnh viện trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc khám chữa bệnh,” ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ lãi suất lần này cũng được cải tiến với một số điểm mới quan trọng như quy trình cho vay với biểu mẫu rõ ràng, chi tiết và rất cụ thể; cho vay cả xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị; không cần phải có vốn đối ứng; có thể vay cùng lúc nhiều dự án khác nhau; có thể kết hợp nhiều nguồn vốn trong cơ cấu tài chính của dự án; sử dụng tài sản hình thành sau vay để làm tài sản thế chấp tín dụng; thời gian vay linh hoạt…
Ngân sách thực hiện được bố trí từ nguồn thu cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Ủy ban Nhân dân thành phố làm đại diện chủ sở hữu để bổ sung vốn điều lệ cho HFIC.
Nguồn vốn này dự kiến lên đến gần 100.000 tỷ đồng. Ngoài ra, HFIC còn kết hợp vốn với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để cho vay nhằm đa dạng nguồn vốn cung ứng cho doanh nghiệp trong chương trình.
Mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất lên tới 200 tỷ đồng/dự án. (Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN)
|
Chẳng hạn, cuối tháng 5/2024, HFIC đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Agribank nhằm phối hợp triển khai việc hỗ trợ và phát triển chương trình tín dụng cho vay hợp vốn theo cơ chế tín dụng hiện hành đối với các dự án do HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Hai đơn vị sẽ thống nhất về hình thức thẩm định, trên cơ sở đó xem xét quyết định về tỷ lệ tham gia cấp tín dụng hợp vốn; tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ để xây dựng, hoàn thiện chương trình tín dụng này.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với việc nâng mức vốn vay tối đa lên gấp đôi, cùng với một số quy định cởi mở hơn, chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ góp phần kích hoạt sự tăng trưởng các lĩnh vực được xem là động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Đặc biệt, chính sách là cơ hội để các doanh nghiệp trên địa bàn mạnh dạn đổi mới, đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ… tiến tới chuyển đổi sản xuất, cung ứng và cải thiện khả năng cạnh tranh.
Để cộng đồng doanh nghiệp sớm tiếp cận chính sách, hiện HFIC đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, triển khai chính sách các đến doanh nghiệp, chủ đầu tư có dự án phù hợp; chủ động mời gọi các doanh nghiệp tham gia./.
H.Chung
vietnamplus
|