Thứ Năm, 29/08/2024 13:02

NIM quý 2 cải thiện, làm thế nào duy trì đến cuối năm?

NIM tăng trong quý 2 so với quý 1 là dấu hiệu tích cực, cho thấy hệ thống ngân hàng đang cải thiện hiệu suất sinh lời từ hoạt động lãi suất.

NIM tất cả ngân hàng cải thiện

Dù chịu tác động bởi nhiều yếu tố như quy mô, hoạt động kinh doanh… nhưng diễn biến lãi suất là một trong những yếu tố tác động trực tiếp lên NIM (Net Interest Margin) - biên lãi ròng của ngân hàng.

Trong quý 1, lãi suất vẫn còn ở đáy, song song với tình hình tín dụng tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm. Sang quý 2, tình hình kinh tế dần cải thiện, đi cùng với các chính sách kích cầu tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giúp tín dụng tại ngân hàng tăng trưởng, đẩy tỷ lệ NIM tăng theo.

Cũng vì thế, tất cả 29 ngân hàng đều có NIM quý 2/2024 cải thiện so với quý 1, theo dữ liệu cập nhật của VietstockFinance.

VPBank là ngân hàng có hệ số NIM cao nhất với 6.72%. Kế đến là HDBank (HDB, 6.14%), MB (MBB, 5.43%), VIB (5.2%) và Techcombank (TCB, 5.07%).

NIM quý 2/2024 của các ngân hàng
(*) NIM tính bình quân 4 quý gần nhất
Nguồn: VietstockFinance

Làm thế nào duy trì NIM đến cuối năm?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, hiện nay tín dụng chưa đẩy mạnh được, nên bắt buộc các ngân hàng phải tăng NIM để đảm bảo lợi nhuận.

Với những khách hàng cũ, ngân hàng vẫn duy trì lãi suất cao để duy trì NIM cao, đảm bảo lợi nhuận. Nếu tín dụng tăng trưởng, NIM có thể giảm; nhưng hiện tại, để tối ưu hóa lợi nhuận, bắt buộc ngân hàng phải tăng NIM. Nhưng điều này có 2 mặt. Một phần duy trì được lợi nhuận, nhưng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến nhu cầu vốn của khách hàng.

Để tiếp tục cải thiện NIM trong nửa cuối năm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn phải phụ thuộc vào tăng trưởng phát triển sản xuất. Khi sản xuất kinh doanh tốt lên thì quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng sẽ thay đổi; quan hệ về tín dụng, vay nợ, trả nợ và an toàn vốn thay đổi thì NIM sẽ cải thiện.

Nếu nền kinh tế vẫn chững lại, ngân hàng chững theo. Hy vọng quý 3 và 4 tình hình kinh tế sẽ tốt hơn, vì có khoảng 84% doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng các hợp đồng xuất khẩu được ký kết tăng và ổn định trong quý 3, 4 so với trước đây.

Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường đại học Nguyễn Trãi nhận xét, NIM tăng trong quý 2 so với quý 1, thông thường có thể cho thấy ngân hàng đang cải thiện hiệu suất sinh lời từ hoạt động cốt lõi (cho vay và đầu tư). Khi NIM tăng, một số yếu tố có thể đang diễn ra như chi phí vốn giảm hoặc cơ cấu tài sản chuyển hướng. Ngân hàng đã huy động được nguồn vốn với chi phí thấp hơn như tỷ lệ CASA tăng lên. Ngân hàng có thể đã chuyển hướng đầu tư vào các tài sản có lãi suất cao hơn hoặc tăng cường cho vay ở các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.

Để khẳng định NIM của các ngân hàng trong năm 2024 sẽ tốt hơn, ông Huy cho rằng, cần phải xem xét nhiều yếu tố.

Đầu tiên là chính sách tiền tệ và lãi suất. Nếu NHNN tiếp tục duy trì hoặc cắt giảm lãi suất điều hành. Cơ cấu lãi suất huy động và cho vay trong bối cảnh lãi suất ổn định hoặc giảm sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng duy trì chênh lệch lãi suất tốt.

Thứ hai, nếu các ngân hàng tiếp tục thu hút được nhiều tiền gửi không kỳ hạn (CASA) với chi phí thấp, chi phí vốn sẽ giảm, góp phần cải thiện NIM. Đồng thời, ngân hàng có thể giảm sự phụ thuộc vào tiền gửi có kỳ hạn lãi suất cao bằng cách đa dạng hóa nguồn vốn, ví dụ như phát hành trái phiếu, thu hút vốn nước ngoài với chi phí thấp.

Thứ ba, nếu tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các lĩnh vực có tỷ suất sinh lời cao (như sản xuất, dịch vụ, xuất khẩu), NIM có thể được duy trì hoặc cải thiện. Việc kiểm soát tốt nợ xấu và tăng cường cho vay ở các lĩnh vực có rủi ro thấp sẽ giúp giảm thiểu chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, góp phần giữ cho NIM ổn định hoặc tăng.

Thứ tư, khi ngân hàng cải thiện được hiệu quả hoạt động, chuyển đổi số nhanh giúp giảm chi phí quản lý, vận hành thì lợi nhuận thuần từ hoạt động lãi suất sẽ tăng lên, giúp NIM tăng lên.

Cuối cùng, nếu nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại, sẽ kéo theo nhu cầu tín dụng cao, từ đó hỗ trợ cho việc tăng NIM. Sự ổn định của chính sách tiền tệ, tài khóa và các quy định ngành ngân hàng sẽ tạo môi trường thuận lợi để các ngân hàng duy trì và cải thiện NIM.

Việc NIM tăng trong quý 2 so với quý 1 là dấu hiệu tích cực, cho thấy ngân hàng đang cải thiện hiệu suất sinh lời từ hoạt động lãi suất. Ông Huy dự báo NIM của cả năm 2024 sẽ tốt hơn năm 2023 khi đang được hỗ trợ từ các yếu tố như chính sách tiền tệ ổn định và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ CASA tăng, tăng trưởng tín dụng đang được thúc đẩy mạnh, quản lý nợ xấu và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản nửa cuối năm (28/08/2024)

>   Giá USD xuống thấp nhất 1 năm (25/08/2024)

>   Một nhà băng chỉ cho khách chuyển tiền nhanh tối đa 50 triệu/ngày (24/08/2024)

>   KienlongBank đạt lợi nhuận 552 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, hoàn thành 69% kế hoạch năm (23/08/2024)

>   Cảnh báo mạo danh NHNN để gửi đường link cập nhật thông tin sinh trắc học (23/08/2024)

>   [Infographics] Toàn cảnh kết quả kinh doanh ngân hàng 6 tháng đầu năm 2024 (10/09/2024)

>   Hơn 17 tỷ đồng ưu đãi cho khách hàng tham gia bảo hiểm tại Sacombank (23/08/2024)

>   Giá USD giảm và cơ hội tăng cường dự trữ ngoại hối (23/08/2024)

>   Giá USD chợ đen liên tục lao dốc (22/08/2024)

>   Người từng dính nợ xấu, có được tiếp tục vay ngân hàng? (22/08/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật