Thứ Sáu, 23/08/2024 13:02

Giá USD giảm và cơ hội tăng cường dự trữ ngoại hối

Tiền đồng đang tăng giá trở lại so với đô la Mỹ (USD) đúng như dự đoán gần đây của giới phân tích. Nếu xu hướng này tiếp diễn, đó sẽ là cơ hội để nhà điều hành tăng cường tích lũy lại kho dự trữ ngoại hối, vốn đã bị hao hụt sau những động thái bán ngoại tệ can thiệp nhằm giữ ổn định tỷ giá trong thời gian qua.

Giảm mạnh như dự đoán

Kể từ đầu tháng 8 đến nay, giá giao dịch USD tại các ngân hàng thương mại đã giảm xấp xỉ 300 đồng, tương đương giảm 1.2%, theo đó giúp tỷ giá USD/VNĐ thu hẹp mức tăng so với đầu năm chỉ còn 2.9%. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp giá USD trong nước đi xuống, với mức tăng rất mạnh so với 2 tháng trước đó. Tỷ giá trung tâm USD/VNĐ cũng đang ghi nhận mức giảm 10 đồng so với cuối tháng 7.

Trong khi đó, giá USD trên thị trường phi chính thức thậm chí còn giảm mạnh hơn so với thị trường chính thức. Cụ thể, giá mua USD tự do giảm 380 đồng, tương đương giảm 1.5%, còn giá bán ra giảm 330 đồng, tương đương giảm 1.3%, xuống còn tương ứng 25,250 – 25,400 tính đến ngày 21/08. Như vậy, giá USD tự do chỉ còn cao hơn giá giao dịch tại các ngân hàng là 490 đồng ở chiều mua vào và 300 đồng ở chiều bán ra.

Diễn biến trên cho thấy xu hướng tiền đồng đang tăng giá trở lại như nhiều dự đoán gần đây. Trước đó, hàng loạt dự báo của các tổ chức, từ các ngân hàng quốc tế cho đến các công ty chứng khoán trong nước, đều cho rằng tiền đồng sẽ tăng giá trở lại trong nửa cuối năm 2024, dựa trên kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất và nguồn ngoại tệ đổ vào Việt Nam vẫn dồi dào.

Thực tế là đồng USD trên thị trường quốc tế cũng liên tục đi xuống từ cuối tháng 6 đến nay, giúp chính sách điều hành tỷ giá USD/VNĐ trong nước cũng bớt thách thức hơn, đặc biệt đà giảm mạnh hơn diễn ra trong tháng 8 này. Cụ thể, trong gần 2 tháng qua chỉ số USD đã rớt 4.4%, trong đó riêng từ đầu tháng 8 đến nay  đã ghi nhận mức giảm đến 3.1%, hiện chỉ còn quanh 101 điểm, cũng là mức thấp nhất trong 8 tháng qua.

Với thời điểm Fed giảm lãi suất đang ngày càng đến gần hơn đã góp phần gây áp lực giảm giá lên đồng USD. Biên bản cuộc họp chính sách tháng 7 của Fed công bố mới đây cho thấy phần lớn các quan chức tham gia cuộc họp đều ủng hộ việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới. Đáng chú ý là nếu như trước đây thị trường chỉ kỳ vọng vào mức giảm 0.25%, hiện đã có không ít kỳ vọng tin vào một mức giảm lớn hơn ở 0.5% ngay trong cuộc họp tới.

Về nguồn cung ngoại tệ, sau khi bất ngờ ghi nhận nhập siêu hàng hóa trong tháng 5, tháng 6 và tháng 7 đã chứng kiến cán cân thương mại hàng hóa thặng dư lớn trở lại, giúp lũy kế 7 tháng xuất siêu lên đến 14.5 tỷ USD, theo dữ liệu mới nhất do Tổng cục Hải quan công bố. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2024 ước đạt 12.55 tỷ USD, tăng 8.4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, dòng tiền từ từ kiều hối và hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ cũng đóng góp lớn vào nguồn cung ngoại tệ thời gian qua.

Tăng cường tích lũy dự trữ ngoại hối trở lại

Trước xu hướng đồng USD có thể còn tiếp tục giảm giá trong thời gian tới, dựa trên kịch bản Fed có thể có đến 3 lần giảm lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay, với tổng mức giảm lên đến 1%, không loại trừ khả năng tiền đồng sẽ còn tiếp tục đi lên trong những tháng cuối năm nay. Điều này nếu thật sự diễn ra có thể tạo điều kiện cho nhà điều hành tăng cường lại kho dự trữ ngoại hối.

Có lý do để tin rằng cơ quan quản lý sẽ tìm giải pháp để tăng cường tích lũy dự trữ ngoại hối trở lại trong giai đoạn tới, khi tỷ giá đã thôi không còn chịu áp lực quá lớn và nguồn cung ngoại tệ tiếp tục được cải thiện. Ngoài việc đảm bảo được số tuần nhập khẩu theo như khuyến nghị của IMF, tăng mức độ hỗ trợ thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối lên cao hơn cũng nhằm để tăng cường bộ đệm cho công cụ can thiệp này trong tương lai.

Sau khi chạm mốc kỷ lục 110 tỷ USD vào cuối năm 2021, dự trữ ngoại hối trong năm 2022 đã giảm hơn 22.7 tỷ USD trong bối cảnh nhà điều hành phải liên tục bán ngoại tệ ra thị trường để kiềm chế đà tăng của tỷ giá USD/VND, đặc biệt là giai đoạn cao điểm trong quý 3 năm 2022. Dù vậy, thời điểm cuối năm 2022 cũng chứng kiến giá USD tại các ngân hàng ghi nhận mức tăng hơn 8% so với cuối năm 2021.

Bước sang năm 2023, thị trường ngoại hối ít chịu áp lực hơn khi Fed đã chính thức ngừng lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, với giá USD tại các ngân hàng chỉ còn tăng 2.9%, trong khi giá USD tự do tăng mạnh hơn là 4.2%. Tuy nhiên, với cán cân thương mại hàng hóa thặng dư kỷ lục 28.3 tỷ USD, cộng thêm dòng vốn FDI giải ngân và lượng kiều hối tăng trưởng mạnh mẽ, cũng đã góp phần giúp dự trữ ngoại hối tăng trở lại hơn 5.6 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay tỷ giá lại chịu áp lực trở lại, đặc biệt trong cuối quý 1 và đầu quý 2, khi chịu tác động tiêu cực bởi giá vàng liên tục tăng mạnh lập nên những kỷ lục mới, cộng thêm tâm lý đầu cơ ngoại tệ gia tăng do chênh lệch lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ mở rộng. Hệ quả là nhà điều hành một lần nữa phải bán ngoại tệ can thiệp để giữ ổn định tỷ giá, với con số công bố gần nhất là khoảng 6.4 tỷ USD.

Dựa trên những dữ liệu này, dự trữ ngoại hối có thể chỉ còn xấp xỉ gần 86.5 tỷ USD, tương đương với 2.8 tháng nhập khẩu dựa trên giá trị nhập khẩu bình quân của 7 tháng đầu năm nay, tức chỉ gần 11.4 tuần nhập khẩu. Trong khi đó, theo đánh giá của IMF, dự trữ ngoại hối có quy mô tương đương 12 đến 14 tuần nhập khẩu thì quốc gia sẽ được coi là đủ dự trữ ngoại hối.

Vì vậy, có lý do để tin rằng cơ quan quản lý sẽ tìm giải pháp để tăng cường tích lũy dự trữ ngoại hối trở lại trong giai đoạn tới, khi tỷ giá đã thôi không còn chịu áp lực quá lớn và nguồn cung ngoại tệ tiếp tục được cải thiện. Ngoài việc đảm bảo được số tuần nhập khẩu theo như khuyến nghị của IMF, tăng mức độ hỗ trợ thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối lên cao hơn cũng nhằm để tăng cường bộ đệm cho công cụ can thiệp này trong tương lai.

Về cơ bản, tổng dự trữ ngoại hối nhà nước hiện nay bao gồm (i) quỹ dự trữ ngoại hối; (ii) quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng; (iii) tiền gửi ngoại tệ và vàng của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước và các nguồng ngoại hối khác. Thông thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu dự trữ ngoại hối của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn là các tài sản dưới dạng đồng USD.

Trong một diễn biến khác, NHNN mới đây đã ban hành Thông tư 43/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/2014 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, với hàng loạt những quy định mới hoặc được điều chỉnh. Được biết thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 23/09 tới.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Giá USD chợ đen liên tục lao dốc (22/08/2024)

>   Người từng dính nợ xấu, có được tiếp tục vay ngân hàng? (22/08/2024)

>   Tín dụng vẫn là đất sống màu mỡ của ngân hàng trong quý 2 (21/08/2024)

>   CASA cải thiện, ngân hàng hướng đến quản lý tài chính cá nhân (27/08/2024)

>   Giải pháp tín dụng hỗ trợ và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM (21/08/2024)

>   Tỷ giá đang giảm dần, các doanh nghiệp bớt nỗi lo áp lực tài chính (20/08/2024)

>   SHB đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp FDI với chính sách riêng biệt (20/08/2024)

>   Giá USD ngân hàng lao dốc, giảm hơn 100 đồng (20/08/2024)

>   Xu hướng huy động và cho vay trong nửa cuối năm 2024 (20/08/2024)

>   “Mua ngay, góp nhẹ” cùng VIB: 0 lãi, 0 phí và ưu đãi đến 40% (20/08/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật