Tỷ giá đang giảm dần, các doanh nghiệp bớt nỗi lo áp lực tài chính
Các chuyên gia cho rằng việc tỷ giá đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tìm kiếm nhiều hơn những đơn hàng mới.
* Giá USD ngân hàng lao dốc, giảm hơn 100 đồng
Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 380 đồng/USD sau 1 tháng. (Ảnh: Vietnam+)
|
Từ đầu quý 3 đến nay, chỉ số USD có chiều hướng đi xuống. Tỷ giá VND/USD được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định hơn vào những tháng cuối năm. Do đó, các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ, xuất nhập khẩu có thể bớt "gánh lo" biến động tỷ giá.
Tỷ giá liên tục "hạ nhiệt"
Đầu tuần này, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm mạnh, nối dài chuỗi giảm hơn 4 tuần liên tiếp kể từ ngày 22/7. Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam ngày 20/8 với USD giảm 10 đồng, ở mức 24.251 đồng.
Theo đó, với biên độ +/-5%, tỷ giá trần các ngân hàng áp dụng là 25.463 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.038 đồng/USD.
Sáng nay (20/8), Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước tiếp tục niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.400-25.450 đồng/USD.
Còn giá mua - bán đồng bạc xanh tại nhiều ngân hàng được điều chỉnh theo xu hướng giảm mạnh, với biên độ dao động phổ biến từ 100-150 đồng so với phiên cùng giờ hôm qua.
Qua khảo sát, tại Vietcombank, giá USD được niêm yết ở mức 24.710-25.080 đồng/USD (mua vào-bán ra), giảm 130 đồng ở chiều mua và chiều bán so với hôm qua.
BIDV niêm yết giá đồng bạc xanh ở mức 24.740-25.080 đồng/USD (mua vào-bán ra), giảm 140 đồng ở chiều mua và chiều bán so với phiên trước.
Techcombank niêm yết tỷ giá ở mức 24.728-25.119 VND/USD, giảm 87 đồng; Eximbank niêm yết ở mức 24.710-25.140 đồng/USD (mua vào-bán ra), giảm 110 đồng chiều mua và 100 đồng chiều bán so với hôm qua.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm, với mức giá thấp hơn nhiều so với trần do Ngân hàng Nhà nước quy định. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết đồng Việt Nam từng mất giá gần 5% so với USD từ đầu năm 2024. Tuy nhiên, đến đầu tháng Tám, tỷ lệ này đã giảm còn 3,85%. Như vậy, so với phiên ngày 27/7 thì tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 380 đồng/USD.
Trước kịch bản Fed hạ lãi suất vào tháng Chín, ông Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết chỉ số CPI của Mỹ tháng 7/2024 đã giảm về mức 3% - thấp hơn dự báo 3,1%, trong khi đó chỉ số thất nghiệp lại tăng lên 4,3% trong tháng Bảy - cao hơn so với mức 4,1% trong tháng Sáu. Điều này thúc đẩy khả năng Fed phải sớm hành động giảm lãi suất để tránh nền kinh tế Mỹ rơi vào một đợt suy thoái mặc dù vẫn còn một số nghi ngờ về quy mô của đợt cắt giảm.
Tỷ giá vẫn duy trì được sự ổn định và đảm bảo được thị trường ngoại tệ thông thoáng. Đây là sự ổn định lớn mà Việt Nam đang duy trì được. (Ảnh: Vietnam+)
|
Trong nước, tăng trưởng kinh tế ổn định, chênh lệch giá giữa vàng trong và ngoài nước giảm, góp phần giảm bớt các áp lực đầu cơ lên tỷ giá.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định tỷ giá vẫn duy trì được sự ổn định và đảm bảo được thị trường ngoại tệ thông thoáng. Đây là sự ổn định lớn mà Việt Nam đang duy trì được.
“Với cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá vẫn đảm bảo sự ổn định và thị trường ngoại tệ thông thoáng, đảm bảo các cân đối chung của ngoại tệ, đảm bảo trạng thái ngoại tệ dương cho các ngân hàng thương mại, cũng như đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho các doanh nghiệp và nhu cầu xuất nhập khẩu,” ông Tú nói.
Doanh nghiệp có thực sự giảm gánh nặng?
Với việc tỷ giá đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, ông Trịnh Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Đầu tư thương mại công nghiệp Hà Nội chia sẻ: "Tỷ giá mà thấp xuống được, chỉ một chút thôi, doanh nghiệp chúng tôi cũng đã tiết kiệm được vài chục đến cả trăm triệu, từ đó tăng tính cạnh tranh về giá."
Tương tự, đại diện một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối thiết bị đo lường cho biết mỗi tháng doanh nghiệp cần nhập 11 tỷ đồng tiền hàng, toàn bộ giao dịch được thanh toán bằng ngoại tệ. Nhờ tỷ giá VND/USD giảm trong thời gian gần đây nên chi phí mỗi đơn hàng đều giảm từ 2%-4% so với lúc cao điểm.
"Thời điểm hiện tại, tỷ giá USD đã giảm dẫn đến chi phí đầu vào của các đơn hàng thấp hơn, có lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Sản phẩm đầu ra bán rẻ hơn, từ đó cũng gia tăng được doanh thu cho doanh nghiệp do bán được nhiều hàng hơn," đại diện doanh nghiệp này thông tin.
Việc tỷ giá đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tìm kiếm nhiều hơn những đơn hàng mới.
Ông Cấn Văn Lực - Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá: "Tỷ giá giảm chúng ta sẽ có lợi khi trả nợ nước ngoài bằng đúng đồng USD đó, rồi có lợi hơn trong đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy chênh lệch lãi suất đã giảm đi, tỷ giá ổn định tạo ra tâm lý yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam."
Việc tỷ giá đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tìm kiếm nhiều hơn những đơn hàng mới. (Ảnh: Vietnam+)
|
Từ góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp trên sàn đều quan tâm đến tầm quan trọng của việc ổn định tỷ giá để giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, có nguồn ngoại tệ phục vụ xuất nhập khẩu, bởi tỷ giá tăng khiến doanh nghiệp phải hạch toán lỗ chêch lệch tỷ giá, kéo theo giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Tỷ giá tăng sẽ tác động bất lợi đến các doanh nghiệp có khoản vay bằng USD và có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu.
Dự báo về diễn biến tỷ giá USD/VND giai đoạn từ nay đến cuối năm 2024, nhiều chuyên gia đồng quan điểm cho rằng căng thẳng tỷ giá đang giảm dần khi cơ quan quản lý đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm bình ổn tỷ giá, như hút ròng tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng nhằm giảm chênh lệch lãi suất trên thị trường này, bán ngoại tệ theo hình thức giao ngay cho các tổ chức tín dụng nhằm cân bằng trạng thái ngoại tệ, tổ chức các phiên đấu thầu vàng trong bối cảnh giá vàng trong nước chịu áp lực tăng cao… Các biện pháp này đang dần có tác động tích cực.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng trong vài tháng tới, diễn biến đồng USD có thể chịu ảnh hưởng bởi diễn biến chính trường Mỹ khi cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần, cần tiếp tục theo dõi những động lực chính khác đối với đồng tiền này.
Với thị trường trong nước, tỷ giá không chỉ chịu tác động của thị trường thế giới mà còn phụ thuộc vào cầu trong nước. Theo đó, cầu USD thường tăng vào giai đoạn cuối quý 3, đầu quý 4 do nhu cầu nhập máy móc, nguyên liệu phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm.
Mặc dù có những tín hiệu tích cực, áp lực từ lãi suất USD cao vẫn là một thách thức đáng kể. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá một cách linh hoạt và kịp thời, nhằm đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế./.
Thúy Hà
Vietnamplus
|