Thấy gì từ tuần biến động mạnh nhất trên Phố Wall kể từ năm 2020?
Thị trường tài chính vừa trải qua một tuần giao dịch đầy sóng gió, với những biến động mạnh chưa từng thấy kể từ thời kỳ đại dịch bùng phát năm 2020.
Chỉ số S&P 500 vừa trên một chuyến tàu lượn siêu tốc, nhưng cuối cùng lại về đích gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên, đằng sau con số bình lặng đó là cả một câu chuyện đầy kịch tính bao hàm cả tín hiệu tích cực lẫn tiêu cực.
Trong ngày thứ Hai (05/08), S&P 500 chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2022, khiến nhiều nhà đầu tư phải thót tim. Nhưng chỉ ba ngày sau, chỉ số này lại bật tăng mạnh mẽ, ghi nhận phiên tốt nhất kể từ năm 2022. Trong tuần qua, S&P 500 chỉ giảm 0.1%, cho thấy thị trường dường như đã ổn định trở lại.
Không chỉ có cổ phiếu, thị trường trái phiếu cũng chao đảo dữ dội. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm - một chỉ báo quan trọng của nền kinh tế - lao dốc xuống dưới 3.7% trong ngày 05/08, nhưng rồi lại bật lên mức 4% khi tuần kết thúc. Chỉ số VIX - thước đo nỗi sợ hãi trên Phố Wall - tăng vọt lên mức 65 trong ngày 05/08, cao nhất kể từ năm 2020, nhưng lại kết thúc tuần ở mức thấp hơn trước đó.
Tim Hayes, Chiến lược gia kỳ cựu từ Ned Davis Research, nhận định: "Hiện tại, với lạm phát đang được kiểm soát trên toàn cầu và bằng chứng về suy thoái còn ít ỏi, đợt biến động gần đây đã tạo ra sự suy yếu mang tính điều chỉnh nhưng thiếu các đặc điểm của một thị trường giá xuống".
Nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy những dấu hiệu tích cực khác. Bespoke Investment Group - một công ty phân tích uy tín - chỉ ra rằng hơn 2/3 cổ phiếu trong S&P 500 vẫn đang giao dịch trên mức trung bình động 200 ngày (MA200). Điều này cho thấy xu hướng vẫn chưa bị phá vỡ.
Trên thị trường trái phiếu, biến động lãi suất dường như không làm hoảng sợ các nhà đầu tư vào trasi phieseu doanh nghiệp chất lượng cao. Gennadiy Goldberg, Chuyên gia hàng đầu về chiến lược lãi suất Mỹ tại TD Securities, nhận xét: "Chênh lệch lãi suất đầu tư vẫn ổn định. Chỉ số VIX có ngày tăng mạnh nhất trong lịch sử, nhưng tín dụng đầu tư thực sự không mở rộng đáng kể. Và tôi nghĩ điều đó có liên quan đến việc các nhà đầu tư thực sự có chút hoài nghi về một số biến động của thị trường cổ phiếu này".
Ngay cả ở Nhật Bản - nơi có những biến động lớn trên thị trường chứng khoán nội địa và đồng yên vào cuối tuần trước và đầu tuần này - cũng có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số Nikkei 225 có ngày tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ vào thứ Hai, nhưng kết thúc tuần chỉ giảm chưa đến 3%.
Jeremy Schwartz, chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại WisdomTree, nói với CNBC: "Đó là một cú sụp đổ kiểu năm 1987, nhưng chỉ là một động thái tăng 15 điểm cơ bản từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dường như không làm thay đổi triển vọng cơ bản thực sự cho các công ty này".
Lý do để lo ngại
Tuy nhiên, sự suy yếu gần đây của thị trường kết thúc bằng đợt giảm mạnh vào thứ Hai cho thấy một số động lực chính của thị trường tăng giá này đang cạn kiệt nhiên liệu.
Peter Berezin từ BCA Research cảnh báo: "Có thể sự phục hồi sẽ tiếp tục trong một hoặc hai tuần nữa, nhưng cuối cùng, cổ phiếu sẽ giảm xuống đáy mới". Ông lo ngại rằng những câu chuyện xoay quanh cổ phiếu công nghệ liên quan đến AI và nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ tệ đi trong thời gian tới.
Các chuyên gia khác cũng đưa ra những cảnh báo đáng chú ý. Họ cho rằng một số rắc rối góp phần vào đợt giảm ban đầu, như việc giải quyết giao dịch carry trade đồng yên, vẫn chưa kết thúc. Trong những tuần tới, những yếu tố này sẽ kết hợp với giai đoạn thị trường yếu theo mùa và những biến động có thể xảy ra từ cuộc bầu cử Mỹ sắp tới.
Các phiên giao dịch trong tuần cũng có những dấu hiệu đáng lo ngại. Nhiều phiên đóng cửa ở mức thấp trong giờ cuối cùng và ngay cả những đợt phục hồi cũng không thuyết phục được các nhà phân tích thận trọng. Tom Fitzpatrick, một chuyên gia có tiếng từ RJ O'Brien & Associates, thậm chí còn nói rằng thị trường "đã bị vỡ" sau khi chứng kiến phản ứng bất thường đối với báo cáo thất nghiệp hàng tuần.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|