Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm
Ngày 23/08, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP
|
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu, trong đó, có những vấn đề nổi lên là ngộ độc thực phẩm với số lượng đông người mắc, số vi phạm phát hiện được và phải áp dụng các chế tài tăng…
Do đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất hoàn thiện thể chế về an toàn thực phẩm, trong đó đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15 theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và có đầu ra cụ thể, không nói chung chung.
Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT), Bộ Công Thương vận hành đúng công suất, thiết thực hệ thống cơ sở dữ liệu, tiếp tục đầu tư trong khả năng của mình để làm giàu cơ sở dữ liệu, kết nối với hệ thống của Bộ Y tế để vận hành một cách thông suốt.
"Cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm và truyền thông để cảnh tỉnh. TPHCM tiếp tục vận hành mô hình Sở An toàn thực phẩm, có đánh giá trong quá trình thực hiện thí điểm để đóng góp ý kiến cho Trung ương đề xuất mô hình, kiện toàn tổ chức, tăng cường nguồn lực", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu kết luận. Ảnh: VGP
|
Tăng cường kiểm tra bán hàng online
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết 6 tháng đầu năm, toàn ngành y tế kiểm tra 232,702 cơ sở, phát hiện 15,046 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6.46% cơ sở được kiểm tra, giảm so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân số tiền phạt đối với một cơ sở là 8.69 triệu đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (4.09 triệu đồng).
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc ghi nhận 70 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2,942 người mắc và 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 4 vụ (6.1%), số người mắc tăng 1,986 người, số tử vong giảm 1 người.
Trước thực trạng này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất lớn tới từ các chợ tự phát, điểm bán hàng không phép, bán hàng online.
Tình trạng khó kiểm tra sản phẩm kinh doanh qua mạng cũng được Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Vũ Cao Cương nêu ra.
Ông Cương cho biết "khi phát hiện sai phạm nhưng đến kiểm tra thì địa chỉ không đúng hoặc đóng cửa, trang web không hoạt động nữa".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết kiểm tra kênh thương mại điện tử còn khó khăn, nhiều vật tư nông nghiệp được bán qua thương mại điện tử, kể cả sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành. Đây là thách thức đối với quản lý an toàn thực phẩm.
Về giải pháp, Bà Nhữ Thị Như Nguyệt, Cục Phó V03 (Bộ Công an) kiến nghị Chính phủ sớm kiện toàn mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất đầu mối; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về an toàn thực phẩm; ban hành danh mục đầy đủ các chất cấm sử dụng trong thực phẩm.
Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết ngành y tế cũng khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm để kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành y tế
Tùng Phong
FILI
|