Lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt về 2.9% trong tháng 7 và cũng thấp hơn dự báo
Lạm phát tại Mỹ tiếp tục giảm nhiệt trong tháng 7, càng củng cố kỳ vọng Fed giảm lãi suất.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ được công bố trong ngày 14/08, trong tháng 7/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0.2% so với tháng trước, khớp với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Nếu so với cùng kỳ, CPI tăng 2.9%, thấp hơn dự báo 3% của các chuyên gia kinh tế. Đây cũng là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 4/2021.
CPI lõi - không bao gồm các mặt hàng biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng - tăng 0.2% so với tháng trước và tăng 3.2% so với cùng kỳ. Hai con số này đều khớp kỳ vọng.
Với báo cáo lạm phát tích cực này, nhiều nhà phân tích cho rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đã gợi ý về khả năng này trong các phát biểu gần đây.
Bối cảnh kinh tế hiện tại khác biệt đáng kể so với những năm gần đây. Sau thời gian dài tập trung vào kiểm soát lạm phát, giới chuyên gia giờ đây đang lo ngại nhiều hơn về nguy cơ suy thoái. Báo cáo việc làm tháng 7 gần đây cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 4.3%, cao hơn đáng kể so với mức 3.7% vào đầu năm.
Nhiều chuyên gia vẫn lạc quan rằng Mỹ có thể tránh được suy thoái trong ngắn hạn. Họ chỉ ra rằng đợt tăng thất nghiệp gần đây chủ yếu do sa thải tạm thời, và các chỉ số khác về sức mạnh thị trường lao động vẫn đáng tin cậy. Hơn nữa, chi tiêu hộ gia đình cũng duy trì ở mức ổn định.
Sự suy giảm lạm phát đã diễn ra theo từng giai đoạn. Ban đầu, giá hàng hóa như thiết bị điện tử và ô tô đã qua sử dụng suy giảm do nhu cầu suy yếu và chuỗi cung ứng được cải thiện. Sau đó, lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ cũng bắt đầu hạ nhiệt, một phần nhờ vào thị trường lao động đang dịu đi, làm giảm áp lực tăng lương.
Trên Phố Wall, cuộc tranh luận hiện nay không còn xoay quanh việc liệu Fed có cắt giảm lãi suất hay không, mà là mức độ cắt giảm. Một số nhà đầu tư dự đoán Fed có thể giảm lãi suất tới 0.5 điểm phần trăm vào tháng 9, thay vì mức 0.25 điểm.
Tom Barkin, Chủ tịch Fed Richmond, cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng xác định xem đây có phải là một nền kinh tế đang từ từ trở lại trạng thái bình thường và cho phép chúng tôi điều chỉnh lãi suất một cách ổn định và có chủ đích, hay là một tình huống đòi hỏi chúng tôi phải can thiệp mạnh mẽ hơn”.
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
|