Khách đợi xuyên đêm mua Labubu - đồ chơi Lisa ưa thích, ông chủ tỷ phú giàu cỡ nào?
Labubu gây sốt trên cộng đồng mạng Việt Nam vài tháng qua. Gần đây, nhiều người xếp hàng dài cả km để săn mua “quái vật răng thỏ”. Vậy đây là món đồ chơi nghệ thuật gì mà gây mê mẩn đến vậy và ông chủ của thương hiệu này là ai, giàu có cỡ nào?
Tuần qua, người dân TPHCM chứng kiến cảnh hàng trăm người xếp hàng dài cả km từ rạng sáng, thậm chí cắm trại xuyên đêm để chờ mua con "quái vật răng thỏ" Labubu tại một trung tâm thương mại. Đây là món đồ chơi gây sốt trên mạng trong thời gian qua, được các bé gái và cả người lớn mê mẩn, muốn có cho mình. Có người thậm chí mua cả chục con.
Labubu là món đồ chơi nghệ thuật (art toys) do nghệ sĩ Hong Kong (Trung Quốc) tên Kasing Lung thiết kế vào năm 2015, lấy cảm hứng từ quái vật có răng nhọn của thần thoại Bắc Âu.
Một điểm khác với quái vật răng nhọn trong thần thoại Bắc Âu là Labubu có nhiều trang phục và phụ kiện riêng, mang hơi hướng Đông Á và phù hợp với thẩm mỹ của nhiều người dân châu Á, trong đó có Việt Nam.
Việc một món đồ chơi sốt đến mức khiến hàng trăm người phải xếp hàng dài từ đêm để mua thì không nhiều.
Nếu như phiên bản chuột lang nước Capybara trở thành mặt hàng "hot" phủ sóng các nhà sách, shop phụ kiện và các sàn thương mại điện tử trong vài tháng trước thì hiện Labubu đã vượt xa, khi tạo nên hiệu ứng đám đông chờ đợi xuyên đêm để mua hàng.
Mức giá của các món đồ chơi không hề rẻ. Labubu phiên bản nhỏ có giá 380.000 đồng, trong khi trên mạng lên tới 1 triệu đồng/con. Trước đó, Capybara cũng có giá thấp hơn, nhưng cũng lên tới vài trăm nghìn đồng cho một món đồ, tùy mẫu mã, chất liệu và kích cỡ.
Wang Ning là nhà sáng lập và là CEO của Pop Mart International Group, công ty sở hữu thương hiệu The Monsters trong đó có Labubu. Ảnh: CNBC
|
Ông chủ là tỷ phú trẻ
Labubu là món đồ chơi nghệ thuật, thuộc thương hiệu The Monsters của Pop Mart. Pop Mart là một công ty đồ chơi Trung Quốc, niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong vào cuối năm 2020. Công ty này nổi tiếng với việc bán đồ chơi “có thiết kế” sưu tầm được, thường được bán ở dạng “hộp mù” (blind box).
Pop Mart được thành lập bởi Wang Ning. Đây là một doanh nhân trẻ 37 tuổi, người Trung Quốc và sống ở Bắc Kinh. Ông là nhà sáng lập và CEO của Pop Mart International Group.
Wang Ning thành lập Pop Mart vào năm 2010 và sở hữu hơn 45% cổ phần. Pop Mart bán những đồ chơi là các bức tượng nhỏ có giá khá phải chăng, khoảng 8 USD, được đặt trong những chiếc hộp kín (blind box). Hộp này kích thích trí tò mò của người mua khi không biết bên trong chứa món đồ chơi gì.
Công ty hợp tác với các nghệ sĩ để đưa ra nhiều dòng đồ chơi khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất là Labubu hình con thỏ với áo lông màu hồng cùng với một bộ răng quái vật và Dimoos - người ngoài hành tinh với tóc làm bằng cotton và có hình kẹo.
Tính tới 18/8, theo Forbes, Wang Ning và gia đình có tổng tài sản trị giá 3,3 tỷ USD, xếp thứ 1.034 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes.
Trong năm 2023, Pop Mart ghi nhận doanh thu đạt khoảng 6,3 tỷ NDT (tương đương khoảng 880 triệu USD), cao gấp khoảng 2,5 lần so với năm 2020 và gấp khoảng 12 lần so với năm 2018.
Pop Mart báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 tăng hơn 100% so với năm liền trước lên 1,19 tỷ NDT (khoảng 166 triệu USD) nhờ doanh thu tăng vọt trên thị trường quốc tế. Doanh thu ngoài Trung Quốc đại lục của Pop Mart trong năm 2023 đạt hơn 1 tỷ NDT. Hiện Pop Mart có vốn hóa thị trường khoảng hơn 6,7 tỷ USD.
Doanh thu của Pop Mart International qua các năm. Đơn vị: tỷ NDT. Biểu đồ: Statista
|
Trong năm 2023, Pop Mart cũng đã mở cửa hàng ở Pháp, Malaysia, Thái Lan và Hà Lan. Tới cuối năm 2023, Pop Mart có 80 cửa hàng và hàng trăm máy bán hàng tự động ở Hong Kong, Macau, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước khác.
Theo đánh giá của CEO Wang Ning, tốc độ tăng trưởng tại các thị trường ngoài Trung Quốc sẽ còn rất mạnh mẽ và đạt mức 3 con số trong các năm tới.
Wang Ning có ý tưởng xây dựng Pop Mart từ năm 2009 tại Đại học Zhengzhou nhưng bắt đầu kinh doanh riêng sau chuyến du lịch tại Hong Kong và ấn tượng với chuỗi Log-On chuyên bán các loại đồ chơi cũng như mỹ phẩm và văn phòng phẩm.
Nhưng ý tưởng đột phá nằm ở những món đồ chơi có giá cả phải chăng và đầy tò mò khi nằm trong những chiếc hộp mù blind box. Đây là điểm khác biệt lớn nhất của Pop Mart so với các chuỗi cửa hàng bán đồ chơi khác. Sau đó, Wang cũng phát triển các máy bán hàng tự động, khách hàng bỏ tiền vào sẽ nhận được món đồ chơi bất kỳ. Tất nhiên, các sản phẩm của Pop Mart rất đẹp, là các hình tượng các con vật được lựa chọn rất kỹ, phù hợp với bản sắc văn hóa và thị hiếu người mua.
Bên cạnh việc bán tại các cửa hàng, Pop Mart cũng đẩy mạnh bán qua kênh thương mại điện tử như nền tảng Paqu của chính doanh nghiệp hay như trên Tmall của Alibaba… Hiện doanh thu từ kênh này đã chiếm hơn 30% tổng doanh thu của công ty.
Ngoài những ý tưởng kinh doanh độc đáo, Wang Ning cũng được biết đến là người làm marketing rất tốt. Wang từng học chuyên ngành quảng cáo tại Đại học Zhengzhou và sau đó có một năm làm việc tại Sina Corp - công ty vận hành mạng xã hội Weibo.
Không phải ngẫu nhiên, Labubu có sức hấp dẫn đặc biệt tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Đây là món đồ chơi được nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới showbiz cũng như Tiktoker tại Việt Nam sử dụng và quảng bá.
Trước đó, Lisa của nhóm nhạc Blackpink (Hàn Quốc) đã lăng xê món đồ chơi này một cách “rất tự nhiên” thông qua các bài đăng của cô trên mạng xã hội. Labubu cũng nổi tiếng hơn khi nhà mốt thời trang cao cấp Pronounce đưa Labubu vào buổi trình diễn tại Tuần lễ thời trang Milan. Labubu đã diện chiếc áo cardigan được Pronounce thiết kế riêng, ngồi hàng ghế đầu của show diễn, không khác gì một người nổi tiếng trong làng giải trí.
Hiện tượng cắm trại xuyên đêm để mua Labubu ở vào thời điểm này cũng khiến món đồ chơi của tỷ phú Wang Ninh trở nên nóng hơn tại Việt Nam trong mùa mua sắm đồ chơi, dịp Trung thu này.
Gần đây, các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi Trung Quốc đổ bộ mạnh sang Việt Nam, không chỉ nhắm vào thị trường 100 triệu dân với số lượng người trẻ rất nhiều mà còn nhắm tới khu vực Đông Nam Á. Một số doanh nghiệp sản xuất đồ chơi của Trung Quốc cũng đã có mặt tại Việt Nam, lập hàng chục nhà máy cũng như thuê gia công để xuất hàng sang nhiều quốc gia khác, trong đó có cả Mỹ và châu Âu.
Mạnh Hà
VietNamNet
|