Lo giá hàng hoá 'té nước theo mưa', Bộ Tài chính nói gì?
Cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng chiến lược luôn thông suốt là giải pháp cơ bản để ổn định thị trường, giá cả, trong bối cảnh tăng lương mạnh khu vực công từ 1-7, theo Bộ Tài chính.
Từ ngày 1-7, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, lương hưu tăng 15%, lương tối thiểu vùng cũng tăng 200.000-280.000 đồng tùy vùng. Với cán bộ, công chức, đây là lần tăng lương mạnh nhất từ nhiều năm qua.
Bên cạnh niềm vui tăng lương thì đã xuất hiện mối lo là lạm phát, giá cả có tăng theo? Thông tin về vấn đề này với báo chí, Bộ Tài chính cho biết để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là mục tiêu mà Chính phủ kiên trì theo đuổi nhiều năm nay, và luôn có nhiều giải pháp theo dõi, đánh giá, tác động phù hợp với quy luật thị trường.
Giải pháp trọng tâm là đảm bảo hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng chiến lược luôn được thông suốt. Chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt...
Với các biện pháp trên, trong nửa đầu năm, mặt bằng giá hàng hóa diễn biến tương đối ổn định. Bình quân 5 tháng đầu năm, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước.
Việc tăng lương từ 1-7 là kế hoạch đã được Chính phủ dự liệu trước, vì vậy để ổn định giá cả thị trường cơ quan quản lý tài khóa cho biết đang tiếp tục tập trung giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành phù hợp, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá.
Bộ Tài chính cũng đề xuất các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá; đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường.
Chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định. Cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo cân đối cung cầu, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các bộ xây dựng, đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu theo quy định, bám sát diễn biến giá thế giới và phối hợp tham gia ý kiến góp ý để hoàn thiện cơ chế quản lý giá xăng dầu.
Đồng thời tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
MINH TRÚC
Pháp luật TPHCM
|