Với các cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua, Đà Nẵng sẽ là điểm đến đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ngày 5-7, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ Đà Nẵng - Nhật Bản nhằm trao đổi thông tin, kết nối nhà đầu tư.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết hội nghị lần này được tổ chức sau khi hai nước nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhằm mục đích kết nối hợp tác, thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ xanh, công nghệ thông tin, điện tử, vi mạch và bán dẫn.
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng ngài Ito Naoki, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Và đây là những lĩnh vực ưu tiên phát triển trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời cũng là lĩnh vực thế mạnh, đầy tiềm năng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản.
Phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là 2 trong 5 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho TP. Vì vậy, thành phố đã và đang tập trung phát triển vào 2 nhóm ngành này trên nhiều khía cạnh như về nhân lực, cơ sở hạ tầng.
Về cơ chế, TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi liên quan đến chủ đầu tư, tiền thuê đất, chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng…
Nhiều cơ chế mới dành cho các nhà đầu tư vào Đà Nẵng.
“Đặc biệt, Quốc hội đã đồng ý cho TP thực hiện những chính sách đặc thù dành cho các nhà đầu tư chiến lược. Cụ thể, như được Nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án đầu tư do nhà đầu tư chiến lược thực hiện tại TP....cùng nhiều chính sách ưu đãi mang tính đột phá khác.
Đây là tiền đề để Đà Nẵng sớm trở thành một trong những địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Trần Chí Cường nhấn mạnh.
Tiếp tục đồng hành và hỗ trợ
Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp, đơn vị của Nhật Bản đã được lắng nghe về các thế mạnh nổi trội của TP Đà Nẵng cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai.
Đồng thời, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn được TP Đà Nẵng tiếp tục ủng hộ, cải cách các thủ tục hành chính. Bởi đây là một trong những rào cản đối với doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư và phát triển trong thời gian đến.
Nhiều doanh nghiệp, đơn vị của Nhật Bản mong muốn đầu tư vào Đà Nẵng.
Song song với đó, các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến các điều kiện, cơ chế, thủ tục đầu tư liên quan đến 2 dự án lớn của Đà Nẵng là Khu Công nghệ cao và Cảng Liên Chiểu.
Chia sẻ với các doanh nghiệp Nhật Bản, đại diện UBND TP Đà Nẵng cho biết, Cảng Liên Chiểu được quy hoạch 8 bến, trong đó có các bến dành cho container, bến cho hàng tổng hợp và bến dầu. Đến nay, phần thứ nhất là phần cơ sở dùng chung gồm đê chắn sóng, nạo vét luồng và tuyến đường kết nối đang được triển khai bằng ngân sách của thành phố và trung ương.
Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng đang tiến hành làm thủ tục đầu tư cho các bến cảng và đang xem xét, rà soát các tiêu chí để lựa chọn. Dự kiến, cuối năm nay sẽ tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn nhà đầu tư cho các hạng mục này.
Về phần đầu tư vào Khu Công nghệ cao, đại diện UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết, các doanh nghiệp đầu tư vào đây phải đáp ứng được các tiêu chí Kinh tế xanh, Nhà máy xanh, Khu công nghiệp xanh.
Bởi đây là xu hướng của Đà Nẵng cũng như của Việt Nam trong thời gian đến. Liên quan đến cải cách hành chính, rút gọn thủ tục, TP Đà Nẵng cam kết sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư để tạo cơ chế, chính sách thuận lợi nhất.
Nhật Bản hiện là nhà đầu tư số 1 của Đà Nẵng với hơn 1,14 tỉ USD tại 261 dự án. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang Nhật ước đạt 650 triệu USD, nhập khẩu từ Nhật Bản ước đạt 350 triệu USD.
Lượng du khách Nhật đến Đà Nẵng ngày càng tăng, từ 2011 đến 2019 tăng xấp xỉ 22 lần. Tính riêng năm 2023, khách du lịch Nhật Bản nằm trong top 10 thị trường khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng. Ngoài ra, dấu ấn Nhật Bản cũng in đậm trong các lĩnh vực giáo dục, viện trợ phi chính phủ, lao động, văn hóa…tại TP Đà Nẵng.
|
Minh Trường
Pháp luật TPHCM