Xuất khẩu hàng hoá, doanh thu bán lẻ tăng trưởng khả quan
Chiều ngày 4/7, Bộ Công thương đã đưa ra báo cáo đánh giá, ghi nhận tích cực về bức tranh xuất khẩu hàng hoá, hoạt động bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2024. Kết quả này tạo đà cho sự phục hồi phát triển của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2024.
Xuất khẩu năm 2024 có thể vượt mục tiêu
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Xuất khẩu năm 2024 có thể vượt mục tiêu. Ảnh TL minh hoạ
|
Căn cứ vào diễn biến thực tế, Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu liên tục phục hồi vững chắc trong nửa đầu năm 2024. Trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%.
Xuất khẩu 6 tháng năm 2024 ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Bộ Công thương dự báo cả năm 2024 tăng trưởng xuất khẩu có thể vượt mục tiêu 6% đặt ra từ đầu năm...
|
Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%).
Tại Hội nghị giao ban “Sơ kết hoạt động xúc tiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024" diễn ra ngày 2/7, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho rằng, kinh tế trong nước có những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, với những kết quả của 6 tháng đầu năm, cả năm 2024 tăng trưởng xuất khẩu sẽ vượt mục tiêu 6% mà Bộ Công thương đặt ra từ đầu năm.
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 3.098 nghìn tỷ đồng
Cũng theo Bộ Công thương, điểm sáng trong bức tranh kinh tế đáng đề cập là tăng trưởng khả quan của bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 3.098 nghìn tỷ đồng. Ảnh TL minh hoạ
|
Theo ghi nhận, trong tháng 6/2024, thị trường hàng hóa không có biến động lớn, nhu cầu tăng đối với các hàng hóa, dịch vụ làm mát. Nguồn cung các mặt hàng luôn đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, giá tương đối ổn định, một số mặt hàng có lượng xuất, nhập khẩu lớn với thị trường nước ngoài, giá biến động theo giá thế giới.
Đây cũng là thời điểm cao điểm của mùa du lịch hè, nên hoạt động thương mại diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 6 ước đạt 522,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước do doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng.
Với kết quả nêu trên, trong quý II/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.558,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với quý trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 11,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%).
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 của một số địa phương tăng cao như: Quảng Ninh tăng 9,5%; Hải Phòng tăng 9,0%; Đà Nẵng tăng 7,8%; Cần Thơ tăng 7,6%; Hà Nội tăng 6,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,3%.
Về giải pháp ổn định, phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Đồng thời, bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
|
Song Linh
Thời Báo Tài chính
|