Ngành tiêu dùng nhanh Việt Nam trước xu hướng "xanh"
Tại buổi tọa đàm "Phát triển bền vững ngành tiêu dùng nhanh" được tổ chức chiều ngày 03/07, nhiều vấn đề về tiềm năng cũng như thách thức của ngành tiêu dùng nhanh đã được chuyên gia giải đáp.
Tọa đàm "Phát triển bền vững ngành tiêu dùng nhanh" diễn ra chiều ngày 03/07/2024
|
Nhiều tiềm năng tăng trưởng, hướng tới xu hướng “xanh”
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, tiềm năng của ngành hàng tiêu dùng thể hiện qua việc nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng, qua đó tạo ra nhu cầu tiêu dùng ở nhiều mặt hàng khác nhau, từ hàng công nghệ lâu bền đến những sản phẩm tiêu dùng nhanh – một trong những mặt hàng thường có mức tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm qua.
Ông cũng cho biết, cơ cấu dân số Việt Nam hơn 100 triệu dân nên việc phát triển nhu cầu tiêu dùng cũng tương đối đa dạng, từ những người trẻ có nhu cầu tiêu dùng nhanh, yêu cầu ngay và luôn, cao và đa dạng, đến những người trung niên đang dần có sự thay đổi theo hướng tăng nhu cầu tiêu dùng nhanh.
Hơn nữa, trong thời buổi phát triển công nghệ số, việc đặt hàng đến đúng nơi và tốc độ nhanh cũng là điều người dân mong muốn, đặc biệt là những người có tuổi.
Đây là những lợi thế mà ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam đang có.
Tuy nhiên, trước xu hướng tiêu dùng đang chuyển biến theo hướng “xanh” hơn, các sản phẩm tiêu dùng nhanh cần ngày càng đáp ứng chất lượng về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và thu gom phế thải từ các sản phẩm.
Không ít những rào cản, thách thức
GS. TS Vũ Trọng Hồng nhận định, thách thức đầu tiên là về thượng tầng cơ sở (luật pháp và những quy định của Nhà nước) biến đổi quá nhanh, dẫn chứng Luật Bảo vệ môi trường liên tục có thay đổi trong những năm qua, khiến các doanh nghiệp khó theo kịp.
Thứ hai là hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Điển hình như đường bộ vốn là tuyến đường chính của Việt Nam nhưng hiện đang vật lộn vì không có cát để làm đường, ngoài ra đường sắt không phát triển nhiều, còn với hàng không thì giá lại đang quá đắt.
Ông Hồng nhấn mạnh, cả thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở phải hỗ trợ nhau, đây cũng chính là quy luật kinh tế từ lâu Việt Nam vẫn thực hiện theo.
Doanh nghiệp Việt còn nhiều việc phải làm để hướng đến bền vững
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, hiện có hàng trăm điểm giao thương hàng hóa qua biên giới, do đó chỉ cần đặt hàng thì 3-5 ngày sau sẽ đến tận tay, từ hàng công nghiệp, thực phẩm, tiêu dùng cho đến hàng điện tử… Rõ ràng sự cạnh tranh là rất khốc liệt với các doanh nghiệp Việt Nam.
Điều mà các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam đang mắc phải là làm sao để sản phẩm trở nên an toàn, tiết kiệm hơn nhưng phải có chi phí hợp lý hơn.
Ông Thịnh nhấn mạnh đây là bài toán không hề đơn giản và nếu không thực hiện được thì các sản phẩm sẽ lập tức bật khỏi kệ hàng cũng như không thể đi sâu vào người tiêu dùng, thâm nhập vào các thị trường phát triển.
Từ sản phẩm mì ăn liền cho đến bia rượu bị các quốc gia nhập khẩu kiểm tra rất gắt gao, áp dụng các biện pháp khiến chi phí đội lên. Do đó chúng ta phải “xanh” ngay từ khâu sản xuất, từ khâu bố trí trong kho cho đến vận tải, từ đó đảm bảo thời gian ngắn nhưng khả năng bảo quản tốt nhất và sản phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn nhất.
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vướng phải việc cần phải có chứng chỉ xanh, sản phảm phải gắn chứng chỉ xanh thì mới dễ dàng thậm nhập vào các thị trường. Bản thân doanh nghiệp muốn nhưng cũng không thể tự làm được mà phải có sự chung tay của nhiều cơ quan ban ngành, ông Thịnh cho hay.
Còn với GS. TS Vũ Trọng Hồng, có 3 rào cản chính đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi để đi đến phát triển bền vững. Thứ nhất là về nguồn vốn không đảm bảo; thứ hai, muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải tăng cường logistics, nhưng tại nhiều vùng ở Việt Nam gần như bị chững lại; thứ ba, thị hiếu của người dân Việt Nam thường xuyên biến động, đặc biệt là theo những tin tức trên mạng.
Thay đổi ý thức người tiêu dùng trở thành thói quen tiêu dùng an toàn
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết xu hướng phát triển bền vững với mặt hàng tiêu dùng nhanh là trào lưu của các quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam cũng đang dần phát triển.
Để thay đổi hành vi người tiêu dùng theo hướng "xanh" hơn thì việc tuyên truyền để thay đổi tư duy người tiêu dùng là điều quan trọng nhất. Nhưng không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, mà còn phải đi vào thực tiễn bằng cách tổ chức, bố trí các hoạt động.
Người tiêu dùng phải có ý thức hơn trong việc phân loại rác thải, giữ gìn môi trường và chế tài đặt ra phải thỏa đáng.
Huy Khải
FILI
|