Thứ Ba, 02/07/2024 08:39

Lãi suất, tín dụng và lợi nhuận ngân hàng

Từ đầu quí 2-2024, một số ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động ở mức khoảng 0,3-0,5 điểm phần trăm/năm cho tất cả các kỳ hạn, đưa mức lãi suất huy động kỳ hạn dưới sáu tháng lên khoảng 3,2%/năm, kỳ hạn sáu tháng khoảng 3-4,5%/năm và kỳ hạn 12 tháng khoảng 4,7-5,5%/năm.

Xu hướng tăng lãi suất này báo hiệu điều gì và tác động như thế nào tới tăng trưởng tín dụng cũng như lợi nhuận của nhóm ngành ngân hàng?

Tính tới thời điểm hiện tại, ngân hàng nằm trong tốp ngành có mức sinh lời cao, dao động từ 15-20% so với đầu năm. Ảnh: LÊ VŨ

Tăng trưởng tín dụng chậm giảm áp lực huy động vốn

Tính tới cuối tháng 5-2024, tăng trưởng tín dụng toàn thị trường ước đạt 2,41% so với cuối năm 2023, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2015, ngoại trừ năm 2020 ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 (đạt tăng trưởng 2%). Đáng chú ý, hai tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng vẫn âm 0,12% và chỉ bắt đầu tăng trưởng dương từ tháng 3 ở mức 0,26% và tới tháng 5 đã đạt 2,41%. Điều này cho thấy, tăng trưởng tín dụng chậm nhưng đã bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc hơn từ đầu quí 2-2024.


Về huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD), tính tới thời điểm cuối tháng 3-2024, huy động vốn vẫn giảm 0,57% so với cuối năm 2023, mức này đã cải thiện so với mức giảm 1,64% trong hai tháng đầu năm. Huy động vốn giảm một phần do các ngân hàng giảm nhu cầu huy động vốn bởi tăng trưởng tín dụng thấp trong quí 1-2024, tiền trong hệ thống dư thừa và đẩy lãi suất huy động giảm xuống so với cuối năm 2023.

Về mặt bằng lãi suất, trong quí 1-2024 lãi suất huy động bình quân của các TCTD trên thị trường 1 (thị trường dân cư và tổ chức kinh tế) giảm ở hầu hết các kỳ hạn, với mức giảm trung bình từ 0,5-0,9 điểm phần trăm/năm so với cuối năm 2023. Mức lãi suất huy động chỉ dao động trong khoảng 3,6%/năm với kỳ hạn 3-6 tháng và 4,3-4,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Đây là mức lãi suất huy động thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (thấp hơn cả giai đoạn 2020-2021).

Đối với lãi suất trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng), tiền dư thừa trong hệ thống quá nhiều dẫn đến lãi suất liên ngân hàng chỉ dao động ở mức 0,2-1%/năm ở các kỳ hạn qua đêm, một tuần hoặc hai tuần. Khi áp lực tỷ giá gia tăng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện việc hút tiền về bằng biện pháp phát hành tín phiếu khiến lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại, nhưng cũng không kéo dài.

Trong điều hành thị trường tiền tệ, ngay từ đầu năm Chính phủ đã chỉ đạo NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, cân đối giữa tỷ giá và lãi suất, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Như vậy có thể thấy, bên cạnh việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt để kích thích tăng trưởng, một trong những nguyên nhân khiến huy động vốn và mặt bằng lãi suất giảm là do tăng trưởng tín dụng yếu.

Lãi suất huy động tăng trở lại báo hiệu điều gì?

Từ khoảng đầu quí 2-2024 trở lại đây, nhiều TCTD tăng dần lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn, trong đó nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh có mức tăng nhiều hơn, phổ biến khoảng 0,5 điểm phần trăm/năm, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh tăng nhẹ khoảng 0,2-0,3 điểm phần trăm/năm.

Nếu mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm 0,5 điểm phần trăm/năm thì sẽ quay về mức của cuối năm 2023. Đây vẫn là mặt bằng lãi suất rất thấp trong nhiều năm gần đây và sẽ không ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng tín dụng cũng như lợi nhuận của các ngân hàng.

Trong nửa đầu tháng 6-2024, mặt bằng lãi suất huy động của nhóm ngân hàng quốc doanh phổ biến ở mức khoảng dưới 2% với kỳ hạn dưới ba tháng, dưới 3%/năm với kỳ hạn 6-9 tháng và khoảng 4,6-4,7%/năm với kỳ hạn 12 tháng.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh quy mô lớn có lãi suất huy động kỳ hạn ba tháng ở mức dưới 3,2%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng ở mức 4-4,2%/năm, còn kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,7-5%/năm. Nhóm ngân hàng quy mô nhỏ còn lại có mức lãi suất cao hơn khoảng 0,3-0,5 điểm phần trăm/năm so với nhóm quy mô lớn và có lãi suất 12 tháng phổ biến ở mức 5-5,5%/năm.

Như vậy, mặc dù lãi suất huy động đang trong xu hướng tăng ở các kỳ hạn, nhưng mặt bằng lãi suất vẫn chưa về mức cuối năm 2023, và vẫn đang là mức lãi suất thấp trong nhiều năm trở lại đây.

Nguyên nhân khiến cho lãi suất huy động tăng trở lại có thể kể đến như: (1) lãi suất thị trường 2 tăng kéo kỳ vọng lãi suất thị trường 1 tăng theo; (2) Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao kéo dài hơn kỳ vọng; (3) tăng trưởng tín dụng bắt đầu phục hồi nhanh hơn.

Áp lực bên ngoài từ việc Fed trì hoãn giảm lãi suất đã khiến cho việc kiểm soát tỷ giá của Việt Nam trở nên khó khăn hơn và một trong những biện pháp đang được áp dụng là đồng thời bán đô la Mỹ can thiệp và nâng lãi suất thị trường 2. Tuy nhiên, việc lãi suất thị trường 2 neo ở mức cao kéo dài là điều kiện cần khiến cho lãi suất ở thị trường 1 bị kéo tăng lên theo. Điều kiện đủ đạt được khi tăng trưởng tín dụng bắt đầu nhanh hơn, khi đó các TCTD buộc phải tăng huy động vốn và mặt bằng lãi suất huy động sẽ thiết lập mức cao hơn.

Lãi suất tăng có tác động tới tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của ngân hàng?

Hiện nay, thị trường đã đáp ứng cả điều kiện cần và đủ để thiết lập một mặt bằng lãi suất huy động mới. Với điều kiện cần, cuộc họp của Fed kỳ tháng 6-2024 khiến thị trường nhận ra lãi suất của Mỹ sẽ chưa giảm cho tới quí 4-2024 và sẽ chỉ có một lần giảm trong năm nay.

Với việc Mỹ neo lãi suất như vậy, chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước đang phát triển như Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao gây áp lực rất lớn lên tỷ giá và vì vậy lãi suất thị trường 2 sẽ neo cao kéo dài.

Trong khi đó, điều kiện đủ để lãi suất huy động trên thị trường 1 thiết lập mặt bằng mới cũng đã bắt đầu xuất hiện. Tín dụng bắt đầu tăng trưởng nhanh hơn kể từ quí 2-2024, buộc các ngân hàng phải bắt đầu tăng huy động vốn để đáp ứng nhu cầu cho thời gian tới.

Mặc dù một số TCTD đã tăng lãi suất gần đây, nhưng dự báo xu hướng này có thể sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới phụ thuộc vào tình hình tăng trưởng tín dụng. Về mặt bằng lãi suất, tuy đã tăng nhưng mặt bằng lãi suất huy động nửa đầu tháng 6-2024 vẫn còn thấp hơn cuối năm 2023 khoảng 0,3-0,5 điểm phần trăm/năm.

Trong thời gian tới, nếu mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm 0,3-0,5 điểm phần trăm/năm thì sẽ quay về mức của cuối năm 2023. Đây vẫn là mặt bằng lãi suất rất thấp trong nhiều năm gần đây và sẽ không ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng tín dụng.

Tác động tới lợi nhuận các TCTD sẽ không đáng kể vì với mặt bằng lãi suất mới thì biên lãi ròng (NIM) cũng chỉ ngang với mức cuối năm 2023, trong khi đó lợi nhuận có thể tăng nhanh hơn từ việc tăng trưởng tín dụng. Xét trong bối cảnh hiện nay thì tăng trưởng tín dụng quan trọng hơn nhiều so với việc duy trì một mức NIM cao hơn nhưng không chắc chắn.

Nhìn xa hơn, khi Fed bắt đầu giảm lãi suất vào cuối năm, áp lực lên tỷ giá giảm thì mặt bằng lãi suất thị trường 2 có thể hạ nhiệt, khi đó các TCTD sẽ có thể cải thiện lợi nhuận bằng việc gia tăng NIM theo tăng trưởng tín dụng.

Trịnh Duy Viết

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Chính thức siết tỷ lệ cấp tín dụng với các khách hàng lớn (01/07/2024)

>   Nhu cầu vốn doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm sẽ cải thiện (01/07/2024)

>   Hoàn/tặng tiền khi chi tiêu du lịch, giải trí qua Sacombank Pay  (01/07/2024)

>   Doanh nghiệp bất ngờ vì lãi vay rất thấp (01/07/2024)

>   Những trường hợp nào buộc phải ra ngân hàng nếu chuyển khoản trên 10 triệu đồng? (01/07/2024)

>   Giá USD tiếp đà leo dốc (30/06/2024)

>   Đến 24/06, tín dụng nền kinh tế tăng 4.45%  (29/06/2024)

>   Lãi suất cho vay có thể tăng nhẹ từ quý 4/2024 (28/06/2024)

>   SeABank được vinh danh giải thưởng quốc tế  (28/06/2024)

>   Tín dụng bất động sản TPHCM tháng 5 tăng 2.78% so với đầu năm (28/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật