Thứ Sáu, 05/07/2024 11:02

Chứng khoán tháng 7 cần nhịp lấy đà, có thể có những phiên điều chỉnh?

Theo các chuyên gia chứng khoán, xu hướng chủ đạo của năm 2024 vẫn là tăng. Tuy nhiên, thị trường đang cần cú hích mạnh để lấy đà tăng trong tháng 7.

Chứng khoán cần lực hỗ trợ để lấy đà tăng

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định thị trường khó tăng trong tháng 7 mà thiên về hướng đi ngang và điều chỉnh nhẹ. Tâm lý nhà đầu tư đang nghiêng về phía bi quan. Các phiên giao dịch đầu tháng 7 có thể thấy chỉ số chứng khoán tăng nhưng khối lượng không tăng thể hiện tâm lý thận trọng trên thị trường.

Về mặt vĩ mô, tăng trưởng GDP vượt kỳ vọng, các yếu tố khác tăng trưởng, dòng vốn FDI cũng đang được rót vào. Theo ông Hiếu, vĩ mô tích cực song các yếu tố này sẽ có tác động mang tính dài hạn.

Trong ngắn hạn, thị trường vận động theo một số yếu tố như tâm lý, dòng tiền hay dòng vốn khối ngoại mà khối này lại đang rút ròng. Có thể thấy, các yếu tố chính này đang không hỗ trợ thị trường.

Ông Hiếu dự báo VN-Index sẽ có giai đoạn đi ngang ít nhất trong vòng 1 tháng. Nếu chỉ số tạo đáy bằng các phiên giảm mạnh dòng tiền sẽ vào bắt đáy đẩy chỉ số đi lên và thoát xu hướng đi ngang.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng tháng 7 có thể là tháng tăng của thị trường chứng khoán khi nhóm ngân hàng đang dẫn dắt trở lại cộng với kết quả kinh doanh quý 2 sắp được công bố.

Số liệu vĩ mô đang tốt hơn so với dự báo cho thấy sức khỏe nền kinh tế đang hồi phục. GDP tăng trưởng nhờ khu vực sản xuất và FDI cho thấy sự ổn định của các chỉ số vĩ mô. Các số liệu tốt có thể củng cố niềm tin để khối ngoại ở lại thị trường và giảm áp lực bán ròng.

Nói về thanh khoản thấp trong các phiên đầu tháng, ông Minh đà giảm của thị trường chứng khoán đã khiến nhà đầu tư thận trọng trở lại. Sự thận trọng này cũng được bồi đắp do chuỗi bán ròng mạnh và không có dấu hiệu dừng lại của khối ngoại.

Mặt khác, sau đợt tăng của penny và nhóm vốn hóa nhỏ, nhà đầu tư đã chốt lãi và đang sợ phải mua với giá cao nên hạn chế mua bán. Hơn nữa, thị trường chưa có thông tin đủ mạnh để kích hoạt dòng tiền.

Trong thời gian tới, nếu có thông tin tích cực sẽ tác động tới nhóm vốn hóa lớn, giúp thị trường khởi sắc khi đó dòng tiền sẽ tham lam trở lại.

Đợi đợt điều chỉnh để tích lũy

Khuyến nghị chiến lược đầu tư, ông Hiếu cho rằng thời điểm này nhà đầu tư nên chờ điểm bứt phá của thị trường: Một đợt điều chỉnh mạnh hoặc VN-Index phá vùng 1,300 điểm. Nếu vượt 1,300, chỉ số có thể hướng tới 1,400 - 1,450 vào cuối năm.

Nhà đầu tư có thể quan tâm tới một số nhóm ngành như dầu khí, vật liệu xây dựng, bất động sản khu công nghiệp và hàng không.

Nói riêng về nhóm ngân hàng, ông Hiếu đang thấy nhóm này không quá tích cực với số liệu tăng trưởng tín dụng không quá tốt cho thấy nhóm này khó có sự đột biến về lợi nhuận.

Còn về điểm nhấn đầu tư nâng hạng thị trường, ông Hiếu cho rằng việc FTSE nâng hạng thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi loại 2 cũng chưa thúc đẩy dòng vốn lớn chảy vào thị trường ngay. Vì các chỉ số ETF tham chiếu theo FTSE chưa nhiều. Mặt khác, các tiêu chí thị trường mới nổi loại 2 của FTSE thấp hơn so với MSCI nên việc nâng hạng mới là dấu hiệu cho thấy thị trường Việt Nam đang phát triển và cải thiện được một số yếu tố như sự minh bạch, hành lang pháp lý. Nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 1 thì mới có ý nghĩa lớn.

Trên thực tế, dòng vốn ngoại đang rút ròng ở thị trường Việt Nam nên các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ cân nhắn trong việc mở quỹ mới.

Nhưng trong ngắn hạn, nếu nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường sẽ hưởng ứng thông tin nâng hạng và rót tiền thì dòng tiền có thể đẩy thị trường tăng nóng. Chỉ số tăng tốt, nhà đầu tư ngoại có thể chú ý tới thị trường Việt Nam và nhận thấy các yếu tố vĩ mô tích cực là nền tảng để rót tiền vào.

Về phần mình, ông Minh dự báo năm 2024, xu hướng đi lên sẽ là chủ đạo. Các đợt giảm sâu của thị trường sẽ là cơ hội để tích lũy. Ông Minh khuyến nghị những nhịp chỉnh mạnh sẽ là cơ hội để mua vào với nhà đầu tư theo phương pháp tích lũy nắm giữ dài hạn.

Còn với nhà đầu tư lướt sóng thì nên chú ý tháng 7 là giai đoạn phân hóa, khả năng cao nhóm vốn hóa lớn sẽ quay lại dẫn dắt thị trường.

Vị chuyên gia đặt niềm tin vào nhóm cổ phiếu tài chính gồm ngân hàng và chứng khoán. Trong đó, nhóm ngân hàng sẽ phân hóa với câu chuyện chủ yếu đến từ tăng vốn, sáp nhập ngân hàng yếu kém.

Chứng khoán vẫn là ngành tăng trưởng tốt cho năm 2024.

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể chú ý một số ngành như vận tải, sản xuất thực phẩm, hóa chất và bán lẻ. Trong dài hạn thì có thể cân nhắc một số ngành phòng thủ như công nghệ, dầu khí.

Chí Kiên

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 05/07: Tích cực trong ngắn hạn? (04/07/2024)

>   MBS Research dự báo VN-Index sẽ đạt 1,350 - 1,380 điểm vào cuối năm 2024 (04/07/2024)

>   Ngành tiêu dùng nhanh Việt Nam trước xu hướng "xanh" (03/07/2024)

>   Góc nhìn 04/07: Tích lũy và tăng điểm? (03/07/2024)

>   Góc nhìn 03/07: Thị trường có thể duy trì quán tính tăng nhưng cần thận trọng (02/07/2024)

>   Thách thức khi chứng khoán Việt Nam được nâng hạng: Tác động tâm lý từ dòng vốn ngoại và áp lực lên tỷ giá (02/07/2024)

>   Góc nhìn 02/07: Phiên tăng điểm nhiều khả năng chỉ là tạm thời? (01/07/2024)

>   FPTS khuyến nghị mua cổ phiếu AAA, giá mục tiêu 14,150 đồng/cp (01/07/2024)

>   Mua hay bán SGP, VEA và VNM? (01/07/2024)

>   Góc nhìn tuần 01 - 05/07: Lùi về 1,200 - 1,210 nếu không có cầu bắt đáy? (30/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật