Techcombank về đích sớm trong mục tiêu tăng vốn điều lệ năm 2024
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) chính thức tăng vốn điều lệ từ mức 35,225 tỷ đồng lên 70,450 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Đây là một nội dung quan trọng năm 2024, trong kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên TCB vừa thông qua hồi tháng 4 vừa qua.
Tin vui liên tiếp cho cổ đông
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa gửi văn bản chấp thuận (5/6/2024) cho TCB tăng vốn điều lệ từ mức 35,225 tỷ đồng lên 70,450 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ phát hành dự kiến là 100%. Ví dụ, cổ đông sở hữu 100 cp sẽ được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cp mới.
Như vậy, sau khi tăng vốn điều lệ lần này TCB sẽ trở thành Ngân hàng thương mại niêm yết có có quy mô vốn điều lệ lớn thứ 2, đánh dấu bước chuyển mình “lớn gấp đôi” vượt trội của nhà băng này.
Trước đó, ngày 22/5/2024, TCB cũng đã thông báo chốt quyền chia cổ tức tiền mặt 15%. Được biết, năm 2024 là năm đầu tiên sau 10 năm TCB trở lại với việc chia cổ tức bằng tiền mặt. Trong khi đó, đối với hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, lần thực hiện gần nhất là năm 2018 với tỷ lệ chia lên tới 200%. Các cổ đông TCB liên tục đón tin vui trong nửa đầu năm 2024.
Trong quý 1/2024, thị trường cũng đã chứng kiến sự tăng mạnh của cồ phiếu TCB ở mức gần 40% so với năm 2023. Sắc xanh tăng mạnh từ cổ phiếu TCB đã làm “ấm lòng” nhiều cổ đông chiến lược dài hạn, và tin tưởng vào hành trình bền vững của ngân hàng này sau hơn 30 năm phát triển.
Duy trì lợi thế dẫn đầu
Thị trường đã chứng kiến sự lớn mạnh vượt trội của nhà băng này sau hai giai đoạn chuyển đổi quan trọng với chiến lược “Khách hàng là trọng tâm” và tiên phong dẫn đầu về chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Với quan điểm thận trọng, TCB chọn tăng trưởng bền vững với khẩu vị rủi ro chặt chẽ “rủi ro thấp, lợi nhuận cao”. Ngân hàng chọn những bước đi “khác biệt”, “khó sao chép” với sự am hiểu khách hàng, để phục vụ những phân khúc riêng một cách toàn diện.
Tập trung nguồn lực trở thành một ngân hàng thương mại dẫn đầu như hiện nay, TCB đã không ngừng chuyển đổi để thích nghi và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Hơn 13.8 triệu khách hàng đến hết quý 1/2024, và gần 94% giao dịch được thực hiện trên nền tảng số là những những minh chứng cho sự thành công của TCB trên hành trình số hóa và tạo cảm hứng vượt trội cho nhiều ngân hàng trong hệ thống.
Mới đây, TCB đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 7,802 tỷ đồng, tăng 38.7% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, TCB là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai trong hệ thống.
Tại thời điểm cuối quý 1/2024, tổng tài sản của TCB tăng 4.3% so với cuối 2023 lên mức 885.7 nghìn tỷ đồng. Tính riêng Ngân hàng mẹ, tín dụng tăng trưởng 6.4% so với đầu năm lên ngưỡng 563.9 nghìn tỷ. Tiền gửi khách hàng của TCB tăng trưởng ấn tượng 18.3% so với cùng kỳ và ổn định so với đầu năm, đạt 458 nghìn tỷ đồng. Trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 49.4% so với cùng kỳ và tăng tiếp 2% so với mức rất cao cuối năm 2023, giúp tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi tăng lên mức 40.5%, cao nhất toàn ngành.
TCB tiếp tục là Ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả hoạt động
|
Với lợi thế nguồn vốn và kết quả kinh doanh tích cực, tháng 3/2024, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã công bố xếp hạng tín nhiệm đối với Ngân hàng TMCP Kỹ thương (TCB), theo đó Triển vọng được nâng lên mức Ổn định. Chỉ số đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) của TCB tiếp tục trong nhóm các ngân hàng dẫn đầu về chất lượng tài sản tín dụng, ở mức Ba3, gần như mức cao nhất trong các Ngân hàng Việt Nam mà Moody’s xếp hạng tín nhiệm.
Tỷ lệ an toàn vốn CAR (vốn cấp 1) của TCB đạt 14% vào cuối năm 2023, giữ vững vị thế thuộc nhóm dẫn đầu trong các ngân hàng Việt Nam. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản của TCB năm 2023 ở mức 2.4%, cao hơn nhiều so với trung bình ngành ở mức khoảng 1.4%. Theo số liệu được S&P Capital IQ công bố cuối tháng 2/2024 về chỉ số ROA của các ngân hàng Đông Nám Á và Ấn Độ có giá trị sổ sách trên 3 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2023, Ngân hàng Trung ương Châu Á (BCA) của Indonesia và TCB (Việt Nam) đang dẫn đầu với chỉ số ROA lần lượt là 3.1% và 3%.
TCB liên tục là Ngân hàng có hiệu suất kinh doanh hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á&Ấn Độ (nguồn S&P Capital IQ, tháng 2/2024)
|
Với uy tín trên thị trường khu vực, tháng 2/2024, Techcombank cũng đã thực hiện huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD. Đây là giao dịch hợp vốn thứ 4 của Techcombank, thu hút 15 ngân hàng tham gia với tỉ lệ đăng ký cho vay dư ở mức cao.Trong thời gian tới, TCB tiếp tục phát huy lợi thế về vốn, nguồn thu đa dạng, phát triển các chuỗi giá trị và tập trung lợi thế tiên phong trong việc quản lý gia sản. Theo lãnh đạo ngân hàng, TCB tiếp tục đa dạng hoá và phát triển các phân khúc khách hàng mới. Tận dụng tệp khách hàng cao cấp cùng năng lực dữ liệu và công nghệ vượt trội, ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng tệp khách hàng mục tiêu xuống phân khúc thấp hơn mà vẫn duy trì biên lợi nhuận.
Ngoài việc thực hiện mục tiêu tăng vốn và các kế hoạch được ĐHĐCĐ phê duyệt vừa qua, đến năm 2025, TCB tham vọng hướng đến mục tiêu lọt Top 10 ngân hàng Đông Nam Á, đạt mức vốn hóa 20 tỷ USD dựa trên cung cấp các tư vấn và giải pháp tài chính cá nhân hóa, được “may đo” riêng cho từng tệp khách hàng, nhờ năng lực số hóa và dữ liệu lớn (Big Data).
FILI
|