Đầu tháng 6, lãi suất huy động tiếp tục tăng, cho vay bình quân giảm
Đầu tháng 6, thêm nhiều ngân hàng gia nhập xu hướng tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn dưới 12 tháng. Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân tiếp tục giảm.
Tiếp tục xu hướng cuối tháng 5, các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống như OCB, VIB, BAB, NAB, VBB, MSB...
Dù vừa tăng lãi suất vào ngày 25/05, BAB tiếp tục tăng từ 0.1-0.4 điểm phần trăm tất cả các kỳ hạn từ ngày 06/06/2024. Với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, BAB tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng lên 3.5%/năm, 3 tháng lên 3.7%/năm, 6 tháng lên 4.9%/năm, 12 tháng lên 5.5%/năm và trên 12 tháng tăng lên 5.6%/năm.
Tương tư, NAB tăng từ 0.3-0.4 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống từ ngày 04/6. Ngân hàng đưa lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng lên 3.1%/năm, kỳ hạn 3 tháng lên 3.8%/năm, kỳ hạn 6 tháng lên 4.5%/năm và 12 tháng tăng lên 5.3%/năm.
Từ ngày 05/06, MSB tăng từ 0.2-0.9 điểm phần trăm lãi suất tất cả các kỳ hạn tiền gửi. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng tăng 0.2 điểm phần trăm lên 3.2%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng tăng 0.5 điểm phần trăm lên 4.3%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng 0.9 điểm phần trăm lên 5.1%/năm.
OCB tăng 0.5 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-3 tháng từ ngày 07/06, đưa lãi suất huy động 1 tháng lên 3.4%/năm, kỳ hạn 3 tháng lên 3.6%/năm; các kỳ hạn còn lại được giữ nguyên như kỳ hạn 6 tháng là 4.5%/năm, kỳ hạn 12 tháng ở mức 4.8%/năm.
Các ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) vẫn giữ mức lãi suất cũ. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng từ 1.6-1.7%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 1-9-2%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng là 3%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ 4.6-4.8%/năm.
Tính đến ngày 07/06/2024, lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 1-3 tháng được các ngân hàng duy trì trong khoảng 1.6-3.8%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng trong khoảng 2.9-5%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 3.7-5.5%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, BAB là ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi cao nhất với 5.5%/năm. Kế đó là NCB và NAB ở mức 5.3%/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng, BAB giữ mức lãi suất cao nhất ở 4.9%/năm. Kế đó là NCB ở mức mức 4.75%/năm.
Trong khi kỳ hạn 3 tháng đang có mức lãi suất cao nhất tại NAB là 3.8%/năm, kế đó là BAB với 3.7%/năm; OCB và NVB cùng giữ mức 3.6%/năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng tính đến ngày 07/06/2024
|
Ở nhóm các ngân hàng ngoại, tính đến 07/06/2024, ở kỳ hạn 12 tháng Public Bank tăng lãi suất lên mức cao nhất là 5.2%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng, sau khi tăng, Public Bank vẫn có mức lãi suất cao nhất ở 4.3%/năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng ngoại tính đến ngày 07/06/2024
|
Lãi suất cho vay bình quân tiếp tục giảm
Tại Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ban hành ngày 22/04/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chủ động có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế hiệu quả, khả thi, kịp thời.
Trong xu hướng đó, các ngân hàng giảm mức lãi suất cho vay bình quân. VietinBank (CTG) giảm lãi suất cho vay bình quân chung còn 6.1%/năm. Chênh lệch lãi suất cho vay và huy động bình quân chỉ còn 2.4%/năm.
Tại Agribank, lãi suất cho vay bình quân giảm còn 7.26%/năm, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay đưa về 1.43%/năm.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, Sacombank (STB) giảm mức cho vay bình quân còn 7.53%/năm, chênh lệch bình quân chỉ ở mức 3.43%/năm.Tại ACB, lãi suất cho vay bình quân là 6.6%/năm, chênh lệch bình quân là 3.65%/năm.
Một số ngân hàng công khai mức lãi suất cho vay bình quân áp dụng cụ thể cho từng phân khúc khách hàng cũng được điều chỉnh giảm. Như tại OCB, lãi suất cho vay bình quân áp dụng cho khách hàng cá nhân (KHCN) là 7.98%/năm, lãi suất áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp (KHDN) là 7.97%/năm. Chênh lệch giữa cho vay và huy động còn 3.5%/năm.
VIB áp dụng giảm lãi suất cho vay bình quân với KHCN là 7.33%/năm, KHDN là 6.34%/năm, chênh lệch huy động và cho vay bình quân là 3.47%/năm.
Lãi suất cho vay bình quân tại các ngân hàng
Ngân hàng công bố kỳ tháng 5/2024
|
Trong báo cáo chiến lược tháng 6 vừa được công bố của CTCK Rồng Việt (VDSC), nhóm phân tích cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn còn dư địa để neo giữ mặt bằng lãi suất trong biên độ hợp lý thông qua các nghiệp vụ thị trường mở như phát hành tín phiếu, cầm cố giấy tờ có giá, và bán USD giao ngay với mục đích duy trì một lượng thanh khoản hợp lý thay vì trạng thái dư thừa như trước đây, đồng thời thu hẹp chênh lệch lãi suất USD và VND giúp cho áp lực rút ròng USD dịu dần trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện đợt cắt giảm lãi suất lần đầu tiên.
Trong khi đó, thị trường thời gian qua bị thu hút bởi sức nóng của kênh vàng và tỷ giá, cầu tín dụng dần hồi phục từ quý 2, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động dần lên để đưa vốn ra nền kinh tế. Do đó, đa phần các chuyên gia cũng dự báo thời gian tới lãi suất huy động sẽ nhích dần lên, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.
Cát Lam
FILI
|