Phó Chủ tịch LinkedIn: Hãy luôn học tập trong kỷ nguyên AI
Aneesh Raman, Phó Chủ tịch mạng xã hội việc làm LinkedIn tin rằng, kỹ năng quan trọng nhất của người lao động trong kỷ nguyên AI là “kỹ năng mềm”.
Theo quan chức LinkedIn, kỹ năng mềm đồng nghĩa tất cả chúng ta đều cần trở thành những người lắng nghe tốt hơn và không ngừng học tập. Aneesh Raman cho rằng, nền kinh tế đang bước vào kỷ nguyên mới, chúng ta có thể sẽ bị buộc phải đưa kỹ năng xã hội vào nơi làm việc.
“Tôi gọi nó là nền kinh tế quan hệ. Nó là kỷ nguyên nơi chúng ta đưa nhiều kỹ năng con người độc đáo vào để sống sót. Đó là những kỹ năng như giao tiếp, lắng nghe, cộng tác, cảm thông”, Phó Chủ tịch LinkedIn chia sẻ. Theo ông, các kỹ năng này không thể bị AI thay thế. “Trừ khi bạn sẽ trở thành kỹ sư AI, tương tác với AI không phải là một bộ kỹ năng số”.
Phó Chủ tịch mạng LinkedIn Aneesh Raman chia sẻ quan điểm về việc làm trong kỷ nguyên AI. Ảnh: Nikkei
|
Ông nhắc đến ngân hàng đầu tư Goldman Sachs. “Khi tuyển kỹ sư, họ muốn biết bạn có biết gì về triết học không, có thể mang đến đạo đức vào cách nghĩ khi phát triển công nghệ không”. Dù AI có thể giúp các doanh nghiệp giải quyết những thách thức kép về hiệu suất và tiến bộ công nghệ, nó cũng kích hoạt đổi mới thông qua cộng tác. “Nếu bạn có kiến thức của một nhà khoa học dữ liệu còn tôi là nhà tiếp thị hay bán hàng, chúng ta có thể nghĩ ra những cách mới mẻ để doanh nghiệp thành công, đồng thời thăng tiến trong sự nghiệp”.
Raman nhận xét, AI sẽ đòi hỏi sự nhanh nhẹn từ chúng ta vì nó thay đổi với tốc độ và quy mô lớn hơn trước. Trong khi đó, con người đi lên từ xã hội nông nghiệp đến xã hội công nghiệp, xã hội tri thức. Sự nhanh nhẹn là bảo đảm chúng ta luôn học hỏi hàng ngày, thử những điều mới mẻ hàng ngày. Bất kỳ ai làm điều này đều sẽ nhìn thấy cơ hội khổng lồ từ thứ sắp xuất hiện, ông nói.
Ông thừa nhận việc liên tục học kỹ năng mới không dễ dàng. Tại nhiều quốc gia, chi phí học đại học tăng lên trong khi thời gian trước khi tấm bằng trở nên vô dụng lại rút ngắn.
Mỗi khi kinh tế bước vào kỷ nguyên mới, sẽ luôn có sự gián đoạn. Tuy nhiên, với phần lớn mọi người, công việc sẽ thay đổi hoặc các loại công việc mới sẽ xuất hiện. Chẳng hạn, tại Mỹ, 60% việc làm năm 2018 chưa tồn tại năm 1940. Các máy rút tiền tự động ra đời nhưng nhân viên ngân hàng vẫn ở đó. Excel xuất hiện nhưng kế toán không biến mất.
Quan điểm của Raman là không cần thận trọng quá mức đối với AI.
Du Lam
VietNamNet
|