Ngành ngân hàng lo ngại rủi ro phụ thuộc vào AI của các Big Tech
Giới lãnh đạo ngành ngân hàng ở châu Âu cảnh báo, cơn bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ làm tăng sự phụ thuộc của các ngân hàng vào các công ty công nghệ lớn (Big Tech) của Mỹ, tạo ra những rủi ro mới cho ngành. Chỉ cần một sự cố nghiêm trọng xảy ra ở các công ty này, hàng loạt dịch vụ của nhiều ngân hàng có thể bị gián đoạn.
Các ngân hàng ngày càng sử dụng rộng rãi AI để phát hiện gian lận và rửa tiền cũng như nâng cao dịch vụ khách hàng. Ảnh: Quytech
|
Hoạt động sử dụng công cụ AI trong các dịch vụ tài chính để phát hiện gian lận và rửa tiền cũng như nâng cao dịch vụ khách hàng tăng vọt kể từ khi OpenAI ra mắt chatbot ChatGPT gây sốt vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, tại hội nghị Money20/20, sự kiện công nghệ tài chính lớn nhất thế giới, ở Amsterdam (Hà Lan) hồi tuần trước, một số lãnh đạo của các ngân hàng lớn nhất châu Âu bày tỏ lo ngại, lượng sức mạnh tính toán cần thiết để phát triển năng lực AI sẽ khiến ngành ngân hàng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào một số ít nhà cung cấp công nghệ hàng đầu thế giới ở Mỹ.
Trao đổi với hãng tin Reuters, Bahadir Yilmaz, Giám đốc phân tích và là người phụ trách AI của ngân hàng ING (Hà Lan) dự báo, ING sẽ dựa vào Big Tech ngày càng nhiều hơn trong tương lai để tiếp cận cơ sở hạ tầng và thiết bị liên quan đến AI.
“Bạn sẽ luôn cần chúng vì đôi khi công suất tính toán cần cho những công nghệ AI là rất lớn. Việc một ngân hàng xây dựng công nghệ này cũng không thực sự khả thi”, ông nói.
Ông cảnh báo, sự phụ thuộc của các ngân hàng vào một số ít Big Tech là một trong những rủi ro lớn nhất. Các ngân hàng châu Âu nói riêng cần đảm bảo họ có thể lựa chọn các nhà cung cấp công nghệ khác nhau để tránh bị lệ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất.
Năm ngoái, Anh đề xuất các quy định nhằm quản lý sự phụ thuộc quá lớn của các công ty tài chính trong nước vào các công ty công nghệ bên ngoài như Microsoft, Google, IBM và Amazon. Các nhà quản lý của Anh lo ngại, các sự cố tại một công ty điện toán đám mây lớn có thể gián đoạn dịch vụ của nhiều tổ chức tài chính.
“AI đòi hỏi lượng điện toán khổng lồ và cách duy nhất để bạn có thể tiếp cận sức mạnh tính toán đó một cách hợp lý là sử dụng dịch vụ từ các Big Tech”, Joanne Hannaford, người đứng đầu chiến lược công nghệ của ngân hàng Deutsche Bank (Đức), nói tại hội nghị Money20/20.
Hannaford cho biết, hiện một số cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng phải thông báo khi họ di chuyển dữ liệu vào đám mây. Điều này có thể trở nên phức tạp hơn khi việc sử dụng điện toán đám mây của các ngân hàng ngày càng tăng. Các ngân hàng cũng cần thông báo với các cơ quan quản lý về rủi ro không tận dụng được sức mạnh của điện toán đám mây.
AI là chủ đề lớn nhất trong chương trình nghị sự tại hội nghị Money 20/20 ở Amsterdam. Arthur Mensch, CEO của Mistral AI, công ty ty khởi nghiệp AI ở Pháp, được coi là là đối thủ lớn của OpenAI, nói với những người tham dự hội nghị rằng, các sản phẩm AI tạo sinh có thể hỗ trợ các dịch vụ tài chính
“Chúng tôi nhận thấy rất nhiều cơ hội trong việc AI tạo ra thông tin phân tích và giám sát. Đó là điều thực sự mà các ngân hàng muốn làm”, Mensch nói.
Ngân hàng ING đang thử nghiệm một chatbot AI hiện được sử dụng cho 2,5% số cuộc trò chuyện ở bộ phận dịch vụ khách hàng. Bahadir Yilmaz, người phụ trách AI của ING, cho biết sẽ mất khoảng một năm nửa để chatbot này có thể xử lý một nửa số cuộc trò chuyện ở bộ phận dịch vụ khách hàng
Trong tuyên bố đầu tiên về AI hồi cuối tháng 5, Cơ quan quản lý thị trường và chứng khoán châu Âu (ESMA) yêu cầu các ngân hàng và công ty đầu tư ở châu Âu phải có nghĩa vụ pháp lý bảo vệ khách hàng khi họ sử dụng AI. ESMA nhấn mạnh, dù AI mang lại tiềm năng lớn để cải thiện chiến lược đầu tư và nâng cao dịch vụ khách hàng nhưng công nghệ này cũng gây ra những rủi ro đáng kể, đặc biệt là đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cơ quan này yêu cầu các ngân hàng và công ty đầu tư phải triển khai hoạt động giám sát phù hợp khi sử dụng các công cụ AI tự phát triển hoặc mua từ các bên cung cấp thứ ba.
Hồi tháng 4, trong bài phát biểu tại một sự kiện Washington (Mỹ), ông Pablo Hernandez de Cos, Chủ tịch Ủy ban Basel quốc tế về giám sát ngân hàng, kêu gọi các ngân hàng dự báo rủi ro từ việc sử dụng công nghệ AI và học máy (machine learning) trong hoạt động như một phần của hoạt động quản trị hàng ngày.
Ông cho rằng, vẫn còn những câu hỏi chưa được giải đáp về việc liệu việc sử dụng AI hay học máy trong ngành ngân hàng là tích cực hay tiêu cực đối với sự ổn định tài chính toàn cầu.
“Nếu không được kiểm soát, những mô hình AI có khả năng khuếch đại các cuộc khủng hoảng ngân hàng trong tương lai”, ông nói.
Theo đó, đổi mới kỹ thuật số sẽ tiếp tục thúc đẩy các mối liên kết tài chính xuyên biên giới và xuyên ngành. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý để đạt được nền tảng pháp lý phù hợp, giúp giám sát việc sử dụng AI và học máy.
Lê Linh (Theo Reuters)
TBKTSG
|