Thứ Sáu, 28/06/2024 10:28

Luật Thủ đô (sửa đổi): Hà Nội được cắt điện, nước với công trình sai phép, vi phạm PCCC

Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình sai quy hoạch, không có hoặc sai giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai các quy định về PCCC...

Sáng 28/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 462 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 95.06%). Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

Một trong những nội dung đáng chú ý là luật quy định, trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND các cấp của Hà Nội được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Thủ đô cần phải có các yêu cầu cao hơn

Quy định này áp dụng với các công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Đồng thời, công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai; công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy (PCCC) mà tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.

Ngoài ra, biện pháp cắt điện, nước cũng được áp dụng với công trình thi công không đúng theo thiết kế về PCCC đã được thẩm duyệt; công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC; công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.

HĐND thành phố sẽ quy định chi tiết trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.

Liên quan đến nội dung này, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cho biết, có những ý kiến tán thành việc đưa ra biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc khi áp dụng biện pháp này vì có thể không phù hợp với quy định của Hiến pháp, ảnh hưởng đến quyền của công dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo luật xác định biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm xuất phát từ vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô.

Với Thủ đô cần phải có các yêu cầu cao hơn trong bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nhất là về PCCC, lấn chiếm đất công, xây các công trình trái phép...

Dẫn quy định tại Điều 14 của Hiến pháp “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, ông Tùng nhấn mạnh, dự thảo luật xác định cắt điện, nước là biện pháp để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoàn toàn phù hợp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung các trường hợp áp dụng biện pháp này để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về PCCC trên địa bàn thành phố thời gian qua.

Luật được thông qua cũng quy định rõ, trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ điện, nước trong việc ngừng cung cấp dịch vụ ngay khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.

Theo đó, người cung cấp dịch vụ điện, nước phải thông báo cho người sử dụng dịch vụ và thể hiện trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước.

Với hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được giao kết trước ngày luật có hiệu lực thi hành, các bên tham gia hợp đồng có trách nhiệm bổ sung hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng để thể hiện nội dung liên quan đến việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức chung

Ngoài ra, Luật cho phép HĐND thành phố Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng.

Mức phạt trên được áp dụng trong các lĩnh vực: Văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, PCCC, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

 

Về quy định thử nghiệm có kiểm soát, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, dự thảo luật trình Quốc hội thông qua đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: Không cho phép thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lĩnh vực về biến đổi, chỉnh sửa gen người.

Luật cũng đưa ra nguyên tắc giới hạn các nhóm quy định của pháp luật mà tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát có thể được phép không áp dụng. HĐND thành phố sẽ quyết định phạm vi không áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp với từng dự án cụ thể cũng như yêu cầu, mục đích thử nghiệm.

 Luật quy định cụ thể hơn việc miễn trách nhiệm dân sự với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm trong trường hợp đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Luật Thủ đô gồm 7 chương, 54 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ một số quy định có hiệu lực thi hành muộn hơn, từ ngày 1/7/2025 như thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa; việc thử nghiệm có kiểm soát…

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Chủ tịch Standard Chartered: Việt Nam đạt mức tăng trưởng "nhiều nước phải ghen tị" (28/06/2024)

>   Đến 12/6, giải ngân được 17,2% vốn đầu tư công dự án giao thông (27/06/2024)

>   Nhiều xu hướng mới trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ (27/06/2024)

>   Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (27/06/2024)

>   HSBC: Việt Nam sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm (27/06/2024)

>   Quốc hội chốt cấm lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (27/06/2024)

>   10 Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024 (27/06/2024)

>   IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt gần 6% trong năm 2024 (26/06/2024)

>   Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành quy định chi tiết thi hành 4 Luật liên quan đến BĐS và Ngân hàng (26/06/2024)

>   GS. Klaus Schwab: WEF nhìn nhận Việt Nam như một hình mẫu (26/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật