Kinh tế Canada nhiều khả năng sẽ hồi phục trong nửa cuối năm nay
Sự khác biệt trong chính sách của Ngân hàng trung ương giữa Canada và Mỹ cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình bối cảnh kinh tế.
Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở Ontario, Canada. (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Tổ chức tư vấn, thuế và bảo hiểm Canada (RMS) dự báo nền kinh tế Bắc Mỹ sẽ chuyển hướng phát triển vào nửa cuối năm 2024, để tạo tiền đề cho sự phục hồi mạnh mẽ vào năm 2025.
RMS nhận định nền kinh tế Canada trong cả năm 2023 và nửa đầu 2024 đã tránh được suy thoái, nhưng việc thiếu tăng trưởng gây ra tình trạng nản lòng, trong khi việc tăng lãi suất quá cao để lại nhiều hệ quả tiêu cực.
Mới đây, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020 đã hạ 0,25% lãi suất cơ bản. Động thái này được kỳ vọng sẽ sớm thúc đẩy sự phục hồi vì khi lãi suất giảm, chi phí trả nợ sẽ giảm, kích thích chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh.
Lạm phát của Canada đang trên đà giảm xuống 2,5% trong năm nay và nhiều khả năng sẽ quay trở lại mức mục tiêu 2% năm tới. Đây sẽ là cơ sở thúc đẩy kỳ vọng nền kinh tế bứt phá trong nửa cuối năm 2024 và 2025.
Nhưng vẫn tồn tại một số rủi ro lớn, đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế của “xứ sở lá phong.” Chúng bao gồm lạm phát tái diễn do đồng dolar Canada (CAD) có thể mất giá so với đồng USD và những bất ổn địa chính trị, đặc biệt từ quốc gia láng giềng trong khu vực.
Cần lưu ý rằng nhà ở vẫn là một chủ đề nóng. Lạm phát nhà ở sẽ tiếp tục vượt xa con số mục tiêu đề ra của Chính phủ Canada. Tuy nhiên, chi phí nhà ở đang được giảm nhẹ. Thị trường căn hộ đang dịu lại sau khi nhận thấy nguồn cung cần thiết khi quá trình xây dựng bắt đầu trong thời kỳ lãi suất thực về âm năm 2021–2022 sắp hoàn thành.
Các giới hạn đối với người lao động tạm thời và sinh viên quốc tế sẽ làm giảm nhu cầu nhà ở cũng như việc tăng tiền thuê nhà vào mùa Thu này. Đây không phải là những giải pháp dài hạn mà là những biện pháp cứu trợ ngắn hạn sẽ giúp kiểm soát mức tăng tiền thuê nhà ở vào cuối năm nay.
Ngoài ra, nhu cầu lao động hạ nhiệt có nghĩa là tăng trưởng tiền lương có thể sẽ giảm bớt vào mùa Hè và mùa Thu tới, điều sẽ càng giúp gia tăng thêm xu hướng giảm lạm phát.
RMS đánh giá hoạt động tuyển dụng có thể tăng nhẹ vào cuối năm nay do cắt giảm lãi suất khiến hoạt động đầu tư trở nên dễ chấp nhận hơn đối với các doanh nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ đạt đỉnh ở mức 6,4% và sẽ duy trì ở mức trên 6% trong thời gian còn lại của năm và sang năm mới.
Bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Canada ở Ottawa. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Báo cáo việc làm tháng Tư cho thấy nền kinh tế Canada đã tăng gấp 4 lần số việc làm dự kiến. Đây là một minh chứng cho khả năng phục hồi của nước này. Tuy nhiên, một xu hướng không thể phủ nhận trong năm qua là việc tuyển dụng đã chậm lại, mặc dù có nhiều việc làm bán thời gian và của khu vực công được bổ sung trong những tháng gần đây.
Đáng chú ý tại thị trường việc làm trong ngành xây dựng, nơi sử dụng hơn 1,6 triệu người và tạo ra hoạt động kinh tế hàng năm trị giá 150 tỷ CAD (109,7 tỷ USD), chiếm 7,4% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Canada, đang có tình trạng già hóa.
Theo trang mạng calgaryherald.com, lĩnh vực xây dựng thúc đẩy tăng trưởng việc làm, góp phần vào sức sống kinh tế của Canada. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động xây dựng do lực lượng lao động già đi và ít lao động trẻ tham gia ngành nghề hơn đang đe dọa tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất.
Tình trạng thiếu nhà ở quốc gia và nhu cầu mở rộng cơ sở hạ tầng, đều do dân số tăng, làm nổi bật nhu cầu cấp thiết về tăng trưởng lực lượng lao động. Nhấn mạnh tầm quan trọng của thách thức này là những dự đoán rằng ngành này cần gần 300.000 người mới tham gia vào năm 2032.
Tin tốt là tăng trưởng dân số sẽ tiếp tục bổ sung vào nguồn cung lao động. Trong khi mục tiêu về số lượng thường trú nhân mới trong năm nay và năm 2025 là 500.000 người mỗi năm, nhiều người trong số này đã ở trong Canada.
Trong hai năm qua, sự gia tăng dân số phần lớn đến từ những người tạm trú như sinh viên quốc tế và người lao động tạm thời. Những giới hạn gần đây có nghĩa là nguồn cung lao động sẽ không tăng nhiều, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở mức tương đối thấp, thậm chí đạt đỉnh so với các chu kỳ tăng lãi suất trước đó.
Các công ty xây dựng trên khắp Canada đang tham gia tích cực vào việc xây dựng đội ngũ thợ lành nghề và chuyên gia. Các công ty tài trợ học bổng và giải thưởng, quyên góp cho các tổ chức sau trung học và trường bách khoa, thuê sinh viên thực tập (1.000 sinh viên thực tập hàng năm tại PCL) và hỗ trợ học nghề.
Mặc dù vậy, bản thân ngành xây dựng không thể tự mình giải quyết thách thức này. Để đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cao trong xây dựng đòi hỏi phải có giải pháp đa hướng từ chính phủ và doanh nghiệp.
Chi phí nhà ở cao tiếp tục gây áp lực lên nhu cầu của người tiêu dùng. Những người thuê nhà bị ảnh hưởng đặc biệt, nhưng những người có thế chấp cũng phải đối mặt với khoản thanh toán với lãi suất cao hơn.
Mặc dù tỷ lệ vỡ nợ của người tiêu dùng chỉ tăng nhẹ và duy trì ở mức trước đại dịch, nhưng số lượng đơn đề nghị phá sản của hộ gia đình đã tăng vọt, vượt qua mức trước đại dịch.
Điều này nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương tài chính ngày càng gia tăng của các hộ gia đình. Điểm đáng mừng là lạm phát giảm và mức tăng lương ổn định đang thúc đẩy thu nhập thực tế của hộ gia đình, điều này có thể làm tăng tổng chi tiêu mặc dù chi phí trả nợ cao.
Nửa cuối năm đánh dấu sự khởi đầu của quá trình phục hồi kinh tế của Canada, với mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn được dự đoán vào năm tới. Sự khác biệt trong chính sách của Ngân hàng trung ương giữa Canada và Mỹ cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình bối cảnh kinh tế.
Mặc dù có thể vẫn còn những thách thức, đặc biệt là chi phí nhà ở cao, những việc cắt giảm lãi suất như mong đợi và sự tăng trưởng dân số sẽ tiếp tục tạo ra nền tảng cho sự thịnh vượng mới./.
Hà Linh - Viết Tuân
Vietnamplus
|