Đầu tư năng lượng sạch trên toàn cầu dự kiến đạt 2.000 tỉ đô la trong năm 2024
Đầu tư cho năng lượng sạch trên toàn cầu dự kiến đạt mức cao kỷ lục 2.000 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, cao gấp đôi so với đầu tư vào các nhiên liệu hóa thạch gồm dầu thô, khí đốt và than, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
EIA dự báo đầu tư vào năng lượng sách bao gồm năng lượng gió và mặt trời sẽ đạt 2.000 tỉ đô la Mỹ trong năm nay. Ảnh: Shutterstock
|
Báo cáo mới nhất của IEA, cho biết đầu tư toàn cầu vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch sẽ đạt 2 nghìn tỉ đô la trong năm nay, gần gấp đôi số tiền đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch. Tổng đầu tư năng lượng được dự báo vượt quá 3 nghìn tỉ đô la, với khoảng 2/3 trong số đó phân bổ cho năng lượng tái tạo, xe điện, năng lượng hạt nhân, lưu trữ điện và lưới điện. Phần còn lại, hơn 1 nghìn tỉ đô la, được đầu tư vào dầu thô, khí đốt và than.
“Đầu tư vào năng lượng sạch đang lập kỷ lục mới ngay cả trong điều kiện kinh tế đầy thách thức. Điều này làm nổi bật động lực đằng sau nền kinh tế năng lượng toàn cầu mới. Đối với mỗi đô la đầu tư nhiên liệu hóa thạch ngày nay, có tương ứng hai đô la đầu tư vào năng lượng sạch. Sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch được củng cố nhờ các yếu tố thuận lợi, chi phí tiếp tục giảm và các nước chú trọng hơn đến an ninh năng lượng”, Giám đốc IEA, Fatih Birol cho biết hôm 6-6.
Theo báo cáo của IEA, chi phí và áp lực chuỗi cung ứng giảm đã hỗ trợ hoạt động đầu tư vào năng lượng sạch dù lãi suất cao làm tăng chi phí tài chính cho một số dự án. Chẳng hạn, chi phí tấm pin mặt trời hoặc kim loại cần thiết để sản xuất pin giảm mạnh trong năm qua. Các mục tiêu giảm phát thải, nhu cầu củng cố an ninh năng lượng của các nước cũng góp phần thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch.
IEA cho biết, Trung Quốc dự kiến chiếm tỷ trọng đầu tư lớn nhất cho năng lượng sạch trong năm nay, ước tính đạt 675 tỉ đô la. Ở nước này, nhu cầu về năng lượng mặt trời, pin lithium và xe điện. Châu Âu và Mỹ đứng ngay sau đó, với số tiền đầu tư cho năng lượng sạch lần lượt là 370 tỉ đô la và 315 tỉ đô la trong năm nay.
Theo IEA, năng lượng mặt trời đang thu hút đầu tư lớn nhất, với mức chi tiêu dự kiến hơn 500 tỉ đô la trong năm 2024. Đầu tư vào lưới điện dự kiến sẽ đạt 400 tỉ đô la sau khi trì trệ ở mức khoảng 300 tỉ đô la mỗi năm kể từ năm 2015. Trong khi đó, đầu tư cho pin lưu trữ điện dự báo vượt 50 tỉ đô la. Đầu tư vào năng lượng hạt nhân cũng đang tăng lên, chiếm khoảng 9% đầu tư cho năng lượng sạch trong năm nay.
Năng lượng gió xa bờ là một ngoại lệ đối với xu hướng này khi nhiều dự án bị hủy bỏ vào năm ngoái do những khó khăn trong chuỗi cung ứng, chi phí tăng và giấy phép chậm trễ. Tuy nhiên, sự hỗ trợ pháp lý mới và các cuộc phán lại hợp đồng mua điện gió thành công ở Liên minh châu Âu (EU) được xem là điểm tích cực của ngành.
Tuy nhiên, IEA lưu ý, có sự mất cân đối lớn trong dòng vốn đầu tư, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển không bao gồm Trung Quốc. Tỷ lệ đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu ở các nền kinh tế này dự kiến chỉ chiếm khoảng 15%.
IEA cho biết thêm, đầu tư toàn cầu vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên toàn cầu dự kiến tăng 7%, lên 570 tỉ đô la năm nay. Các tập đoàn dầu mỏ quốc gia ở Trung Đông và châu Á dẫn đầu hoạt động đầu tư này.
“Đầu tư vào dầu khí trong năm 2024 nhìn chung phù hợp với mức nhu cầu tiềm năng vào năm 2030 theo các chính sách hiện nay, nhưng cao hơn nhiều so với dự kiến trong các kịch bản đạt được mục tiêu khí hậu quốc gia hoặc toàn cầu”, theo báo cáo của IEA.
Để thế giới đạt mức phát thải carbon ròng bằng zero (Net-Zero) vào năm 2050, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch cần phải giảm hơn một nửa xuống dưới 450 tỉ đô la mỗi năm vào năm 2030 và thêm 500 tỉ đô USD mỗi năm được phân bổ cho các dự án sản xuất năng lượng tái tạo, phát triển lưới điện và năng lực lưu trữ điện.
Đầu tuần này, IEA cho biết, chỉ có 50 trong số gần 200 nước đã cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo tại hội nghị khí hậu COP28 của Liên hợp quốc ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) hồi năm ngoái thực sự đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu này.
“Các nước cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đi đúng hướng nhằm đáp ứng các mục tiêu về năng lượng và khí hậu, bao gồm cả những mục tiêu đã được thống nhất tại COP28”, trích báo cáo.
Lê Linh (Theo WSJ)
TBKTSG
|