Thách thức lớn đối với ngành kim cương thế giới
Theo dữ liệu do Zimnisky cung cấp, doanh số bán kim cương nhân tạo vào năm 2017 chỉ chiếm 2% trên thị trường trang sức kim cương toàn cầu. Nhưng con số này đã tăng lên 18,4% vào năm 2023.
(Ảnh minh hoạ: Getty Images)
|
Nhu cầu về kim cương đang giảm khi sức hấp dẫn của loại đá quý này suy yếu ở một trong những thị trường tiêu dùng quan trọng nhất thế giới: Trung Quốc.
Công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting cho biết, tỷ lệ kết hôn giảm cũng như sự phổ biến ngày càng tăng của vàng và các loại đá quý nhân tạo đã làm giảm nhu cầu của người dân Trung Quốc đối với kim cương.
Sau đại dịch COVID-19, thị trường thế giới chứng kiến người tiêu dùng chuyển hướng chi tiêu sang trải nghiệm du lịch thay vì các sản phẩm kim cương.
Theo chỉ số kim cương thô của Zimnisky, giá kim cương từ đầu năm tới nay giảm 5,7% và giảm hơn 30% so với mức cao kỷ lục hồi năm 2022.
De Beers, từng thống trị thị trường kim cương thế giới trong hơn nửa thế kỷ, mới đây đã chứng kiến thị phần bị thu hẹp lại.
Bloomberg trích dẫn nguồn tin trong ngành cho biết, điều kiện kinh tế khó khăn khiến De Beers phải cắt giảm 10% giá sản phẩm vào đầu năm nay.
Ông Marcelo Esquivel, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Anglo American, cho biết năm ngoái là một giai đoạn khó khăn hơn nhiều đối với ngành công nghiệp kim cương khi phải đối mặt với những thách thức kinh tế và nguồn cung kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm tăng,...
Vấn đề cốt lõi là xu hướng tăng trưởng nhanh chóng của kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Ông Ankur Daga, người sáng lập và là Giám đốc điều hành (CEO) của công ty thương mại điện tử trang sức cao cấp Angara, chia sẻ, xu hướng ưa chuộng kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đóng một vai trò quan trọng trong việc kim cương tự nhiên bị mất giá.
Kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, hay còn gọi là kim cương nhân tạo, có thể rẻ hơn tới 85% so với kim cương tự nhiên.
Theo dữ liệu do Zimnisky cung cấp, doanh số bán kim cương nhân tạo vào năm 2017 chỉ chiếm 2% trên thị trường trang sức kim cương toàn cầu. Nhưng con số này đã tăng lên 18,4% vào năm 2023.
Ngoài ra, CEO Daga giải thích, xu hướng mua kim cương như một khoản đầu tư đang co lại. Kim cương từng được coi là tài sản phòng ngừa lạm phát trong 50 năm qua. Nhưng lý do đầu tư này ngày càng mờ nhạt khi giá kim cương lao dốc.
Đánh giá về triển vọng giá kim cương trong thời gian tới, ông Daga nói giá kim cương tự nhiên có thể giảm thêm từ 15-20% trong vòng 12 tháng tới.
Trong khi đó, ông Anish Aggarwal, đồng sáng lập công ty tư vấn kim cương Gemdax nhận định rằng mặc dù có một số thách thức trong ngành kim cương, nhưng đó không phải là những thách thức không thể giải quyết.
Giống với các mặt hàng thuộc phân khúc hàng xa xỉ, các nhà thương mại hoàn toàn có thể tạo ra nhu cầu cho kim cương, như đồng hồ và túi xách cao cấp.
Diệu Linh
Vietnamplus
|