Quốc hội sẽ xem xét và quyết định việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) trong sáu tháng cuối năm nay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia đề xuất giảm 2% thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu và khó khăn trong việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%.
Đã đạt mục tiêu chính sách
Từ tháng 3-2024, Công ty cổ phần Du lịch Tân Thế Giới (New World Travel) đã nhận ký hợp đồng tour cho các tháng 6 và 7-2024 vì nhiều khách đặt tour sớm để có giá tốt. Ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc công ty, cho biết khi các đơn vị như doanh nghiệp, nhà trường… đặt tour cho nhóm đông người, họ quan tâm đến cả chi phí và thuế. Khi đặt tour, khách sẽ nhìn vào mức thuế VAT là 10% hay 8%. Vì vậy, ông Tùng cho rằng, việc giảm 2% thuế VAT thực sự đã góp phần làm tăng lượng khách du lịch thời gian qua.
Theo quyết định của Quốc hội, việc giảm 2% thuế VAT đã được thực hiện trong cả năm 2022; sáu tháng cuối năm 2023 và sáu tháng đầu năm 2024. Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ khẳng định chính sách này đã góp phần giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT. Từ đó, đạt được mục tiêu đề ra khi xây dựng chính sách – là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Cụ thể, chính sách giảm thuế VAT 2% đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 11.488 tỉ đồng trong ba tháng đầu năm 2024; trong sáu tháng cuối năm 2023 đã hỗ trợ 23.400 tỉ đồng; cả năm 2022 đã hỗ trợ 51.400 tỉ đồng. Tương ứng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quí 1-2024 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước; quí 3-2023 tăng 7,5%, quí 4-2023 tăng 9,3% và cả năm 2023 tăng 9,6%; năm 2022 tăng 19,8%.
VCCI cho rằng, khó khăn trong việc xác định thuế suất 8% hay 10% gây ra nhiều chi phí xã hội và làm tăng rủi ro của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.
|
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế VAT 2% và xét bối cảnh doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, các dự báo tăng trưởng đều thấp hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chính sách này trong sáu tháng cuối năm 2024.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất giảm thuế VAT 2% cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế đặc biệt.
Theo tính toán của Chính phủ, đề xuất này làm ngân sách giảm thu khoảng 24.000 tỉ đồng, cộng với số thu giảm trong sáu tháng đầu năm là 23.488 tỉ đồng thì cả năm 2024 sẽ giảm thu khoảng 47.488 tỉ đồng. Tác động này không đáng lo ngại, nhất là khi thu ngân sách năm 2024 đến ngày 15-5-2024 đã ước đạt 47,8% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, phát sinh một số khoản tăng thu đột biến, như thu chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước đã nộp ngân sách 31.840 tỉ đồng, bằng 175% dự toán.
Không rõ hàng hóa, dịch vụ của mình chịu thuế suất bao nhiêu
Góp ý vấn đề này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% được thực hiện trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp tục chính sách này từ tháng 7-2024 đến cuối năm 2024 hết sức cần thiết.
Mặc dù vậy, theo ghi nhận của VCCI, các doanh nghiệp gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa, dịch vụ nào phải chịu thuế 10%; hàng hóa, dịch vụ nào được giảm thuế xuống 8%. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP và Nghị định 44/2023/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện việc giảm thuế VAT. Tuy nhiên, hai nghị định này được xây dựng dựa trên mã ngành kinh tế Việt Nam, trong khi văn bản này trước nay chủ yếu được sử dụng với mục đích thống kê chứ hiếm khi được coi là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Vì thế, việc cụ thể hóa các nhóm hàng hóa, dịch vụ rất khó khăn, đặc biệt là với những trường hợp không có pháp luật chuyên ngành. Đơn cử, nhóm hàng hóa viễn thông và công nghệ thông tin rất khó xác định do không có định nghĩa rõ ràng trong các văn bản pháp luật khác. Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác cũng gặp vướng mắc phân loại như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất hóa chất cũng rất chung chung và khó phân loại.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp tra cứu phụ lục của Nghị định 15 và 44 nhưng không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Một số doanh nghiệp hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan, Bộ Tài chính nhưng các cơ quan này cũng trả lời rất chung chung, như: “Đề nghị công ty căn cứ Quyết định 43/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối chiếu mã sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ mà công ty cung cấp với mã sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP để thực hiện đúng theo quy định”.
VCCI cho rằng, khó khăn trong việc xác định thuế suất 8% hay 10% gây ra nhiều chi phí xã hội và làm tăng rủi ro của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phản ánh họ phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Không ít doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng. Đã có trường hợp doanh nghiệp thực hiện các gói thầu xây lắp phát sinh tranh chấp với đối tác khi quyết toán chỉ vì hai bên có quan điểm khác nhau về mức thuế suất.
“Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%”, VCCI đề xuất.
Cũng cho rằng cần tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đồng thời đề xuất các cơ quan chức năng cân nhắc mở rộng đối tượng áp dụng do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, chưa phục hồi so với trước đại dịch Covid-19.
Theo VEPR, tính chung cả năm 2023, tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%; tháng 4-2024 tăng 9,04% – cao hơn mức tăng 4,55% của tháng 4-2023. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chưa phản ánh chính xác thị trường tiêu dùng trong nước vì thực chất thị trường tiêu dùng thực tế khá ảm đạm. Quí 1-2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,2%, tuy nhiên so với quí 4-2023 lại giảm mạnh dù đây là khoảng thời gian có tháng Tết Âm lịch. Mặc dù tiêu dùng luôn được coi là động lực tăng trưởng, trước đại dịch Covid-19 tiêu dùng đóng góp 7,1% vào tăng trưởng, nhưng trong suốt năm 2023 cho đến quí 1-2024 đóng góp của tiêu dùng giảm rất nhanh, chỉ còn 4,9%.
Cuối tuần trước Quốc hội đã thống nhất sẽ đưa nội dung giảm thuế VAT vào chương trình kỳ họp thứ 7. Theo đó, chính sách này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trong đợt họp thứ hai của kỳ họp thứ 7, dự kiến từ ngày 17 đến ngày 28-6 tới.