Thứ Ba, 11/06/2024 15:28

Tổng cục Thuế: Mua, bán hóa đơn trái phép có thể bị truy cứu hình sự

Hành vi mua, bán trái phép hóa đơn để khấu trừ thuế giá trị gia tăng, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

Pháp luật hiện hành, hành vi mua-bán trái phép hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (Ảnh: TTXVN)

"Các hành vi mua-bán trái phép hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp tùy theo tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự."

Nội dung trên được đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh khi thông tin cho báo chí, ngày 11/6.

Thất thu ngân sách, ảnh hưởng môi trường kinh doanh

Đại diện của Tổng cục Thuế chia sẻ việc mua-bán trái phép hóa đơn với mục đích để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, không chỉ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.

Cụ thể, chế tài xử phạt hành chính quy định, thứ nhất là hành vi cho và bán hóa đơn sẽ bị xử phạt từ 15-45 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

Thứ hai, hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp với mức phạt tiền từ 20-50 triệu đồng, khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.

Thứ ba, hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm (nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định) sẽ bị xử phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được hoàn cao hơn so với quy định.

Thứ tư, hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để khai làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm xác định là hành vi trốn thuế (nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự) có mức phạt từ 1-3 lần số thuế trốn, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm (mức phạt tăng dần theo tình tiết tăng nặng của vụ vi phạm). Biện pháp khắc phục hậu quả các vi phạm trên là buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước đồng thời điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có).

Có thể xử lý hình sự

Bên cạnh đó, đại diện Tổng cục Thuế cũng cho hay Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017) đã quy định rõ các hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế (làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn) đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý về tội trốn thuế.

Ngoài ra, các hành vi mua-bán trái phép hóa đơn đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.

Theo vị đại diện này, các hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp cấu thành tội trốn thuế sẽ bị truy tố, xét xử đối với cá nhân có 3 khung hình phạt, từ 100 triệu đồng tới 4,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù có thời hạn từ 3 tháng đến 7 năm. Thêm vào đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Với pháp nhân thương mại, đại diện Tổng cục Thuế cho biết có 4 khung phạt chính, từ 300 triệu đồng-10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng-3 năm, hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, các pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm.

Với các hành vi cấu thành tội mua-bán trái phép hóa đơn, đại diện Tổng cục Thuế cho hay các cá nhân sẽ bị xét xử với 2 khung hình phạt, từ 50-500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng-5 năm. Người phạm tội cũng có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm-5 năm.

Các pháp nhân thương mại, vị đại diện này cho biết các khung phạt sẽ cao hơn và từ 100 triệu đồng-1 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1-3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm./.

Hạnh Nguyễn

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   Cần chính sách kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn (12/06/2024)

>   Dân bán hàng online lo bị truy thu thuế (11/06/2024)

>   Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi): Thủ tục hoàn thuế gây “khó” doanh nghiệp? (11/06/2024)

>   Các TCTD đã cung cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế (10/06/2024)

>   Người đàn ông ở Bình Định bị lừa 102 triệu đồng vì chiêu lừa nộp thuế bất ngờ (08/06/2024)

>   Tập đoàn FLC bị cưỡng chế thuế 133 tỉ đồng (07/06/2024)

>   Chủ khu du lịch thung lũng Tình Yêu nợ tiền thuê đất hơn 88 tỷ đồng (07/06/2024)

>   Trungnam E&C nợ thuế ở Trà Vinh gần 18 tỷ đồng (06/06/2024)

>   Doanh nghiệp chế xuất lo lắng về dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi (06/06/2024)

>   Tecco và Đất Phương Nam bị cưỡng chế dừng thủ tục hải quan do nợ thuế (06/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật