Thứ Tư, 12/06/2024 11:02

Cần chính sách kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2%, cần có các biện pháp trực tiếp hơn để kích cầu tiêu dùng.

Kiến nghị tiếp tục giảm thuế GTGT 2%

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2020-2030, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ 01/07/2024 đến 31/12/2024) là cần thiết, nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và phát triển.

Theo Bộ Tài chính, nếu áp dụng chính sách này, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 6 tháng cuối năm 2024 tương đương khoảng 24 ngàn tỷ đồng (khoảng 4 ngàn tỷ đồng/tháng; trong đó, giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2.5 ngàn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1.5 ngàn tỷ đồng/tháng). Tính chung cho cả năm 2024, mức dự kiến giảm thu khoảng 47.488 ngàn tỷ đồng.

Việc giảm thuế GTGT sẽ làm giảm thu NSNN, nhưng cũng có tác động kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho NSNN.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Về tác động đối với người dân, Bộ Tài chính cho biết, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Việc giảm 2% thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm thông qua các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ được giảm thuế GTGT, dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng; từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Cần chính sách kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách nào để giúp kích cầu tiêu dùng được trong tình hình hiện nay là cả một bài toán không mấy dễ dàng. Thực tế, các chính sách như tín dụng, tiền tệ đều đã được áp dụng.

Ngay trước sức ép của tỷ giá hối đoái, lạm phát, lãi suất tiết kiệm cũng được giữ ở mức rất thấp, từ đó có các chính sách tín dụng phù hợp để giảm lãi vay, hỗ trợ vay cho doanh nghiệp, phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Khi nói đến chính sách tài khóa, chỉ có thể miễn và/hoặc giảm thuế - chính sách có thể tác động ngay đến doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng. Rõ ràng Chính phủ cũng nhìn thấy cần kéo dài việc miễn giảm thuế GTGT 2%. Tất nhiên, sẽ có nhiều vấn đề về vay nợ và trả nợ sau này.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng lại cho rằng, chưa thấy có tác động kích cầu từ việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8%. Trên phương diện kích cầu, phải giảm thuế nhiều hơn, còn 5% thì mới có tác dụng mạnh mẽ.

Nếu giảm thêm từ 8% xuống 7% thì cũng sẽ có tác động, nhưng không mạnh. Do đó, ông Hiếu đề xuất nên giảm mạnh xuống còn 5% từ mức 10%.

Dĩ nhiên, khi giảm thuế GTGT, sẽ ảnh hưởng đến thu NSNN. Để bù lại thất thu ngân sách, phải tính đến việc đánh thuế trên nhiều hoạt động kinh tế khác, trong đó có việc đánh thuế bất động sản, giao dịch vàng. Song song đó, thất thu trên các giao dịch điện tử cũng còn. Do đó, có thể bổ sung việc giảm thuế GTGT, qua tăng cường thu thuế từ các lĩnh vực khác như vàng, bất động sản và giao dịch điện tử là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán cũng đồng quan điểm khi cho rằng, việc giảm 2% thuế GTGT không có ý nghĩa với người dân, do không thể cảm nhận được, nên không có tác dụng kích cầu.

Để kích thích tiêu dùng, quan trọng nhất là làm cho người dân có nguồn tiền để chi tiêu. Thu nhập thì Chính phủ không quyết định được, chỉ có thể làm được việc thay đổi cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Thậm chí, nhiều ý kiến đang mong chờ Luật thuế được sửa đổi sẽ điều chỉnh quy định mức giảm trừ cá nhân và giảm trừ gia cảnh, cho rằng mức hiện tại quá lạc hậu. Không thể lấy chỉ số CPI do Chính phủ thống kê được, trong đó có nhiều thứ người dân không tiêu xài.

“Nếu thay đổi định mức giảm trừ thuế TNCN, khoản tiền tăng thêm đó, người dân sẽ chi tiêu thêm, tác dụng ngay đến kích cầu. Còn hiện tại, mức giảm trừ cá nhân 11 triệu đồng, cho một người phụ thuộc là 4.4 triệu đồng, nếu một gia đình có con nhỏ cộng với chi phí thuê nhà và sinh hoạt trong gia đình, hoàn toàn không đủ chi tiêu. Nếu muốn kích thích tiêu dùng từ người dân, phải làm cho họ thấy được thu nhập tăng lên và có dư để đầu tư. Còn việc giảm 2% thuế GTGT hoàn toàn không có ý nghĩa”, chuyên gia Trần Nguyên Đán kiến nghị.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Dân bán hàng online lo bị truy thu thuế (11/06/2024)

>   Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi): Thủ tục hoàn thuế gây “khó” doanh nghiệp? (11/06/2024)

>   Các TCTD đã cung cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế (10/06/2024)

>   Người đàn ông ở Bình Định bị lừa 102 triệu đồng vì chiêu lừa nộp thuế bất ngờ (08/06/2024)

>   Tập đoàn FLC bị cưỡng chế thuế 133 tỉ đồng (07/06/2024)

>   Chủ khu du lịch thung lũng Tình Yêu nợ tiền thuê đất hơn 88 tỷ đồng (07/06/2024)

>   Trungnam E&C nợ thuế ở Trà Vinh gần 18 tỷ đồng (06/06/2024)

>   Doanh nghiệp chế xuất lo lắng về dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi (06/06/2024)

>   Tecco và Đất Phương Nam bị cưỡng chế dừng thủ tục hải quan do nợ thuế (06/06/2024)

>   Nợ thuế của Sơn Hải Riverside vọt lên hơn ngàn tỷ, "họ" FLC gọi tên 2 doanh nghiệp (05/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật