Giảm thuế để tạo động lực cho doanh nghiệp
Nếu đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT được Quốc hội thông qua, doanh nghiệp sẽ có điều kiện tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%, theo tờ trình của Chính phủ. Thời hạn áp dụng chính sách này từ ngày 1-7 đến hết 31-12-2024.
Kìm đà tăng giá
Ông Nguyễn Lê Thái Hòa, nhà sáng lập Công ty TNHH Thương mại Hòa Mai, cho rằng việc tiếp tục giữ thuế suất thuế GTGT ở mức 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ góp phần tích cực giúp kìm giữ đà tăng giá trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm, giá cả ở thị trường trong nước lẫn thế giới đều tăng cao và đặc biệt là chính sách cải cách tiền lương sẽ được thực hiện từ ngày 1-7. Ngoài ra, việc giữ nguyên thuế suất thuế GTGT như hiện tại cũng giúp đơn giản hóa hệ thống kế toán của doanh nghiệp (DN).
"Người tiêu dùng có thể không nhận thấy sự khác biệt rõ rệt của việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT nhưng với DN, tác động này rất rõ ràng. Số thuế DN phải đóng ít lại, giá hàng hóa chào bán ra thị trường cũng thấp hơn, nhờ đó cải thiện được năng lực cạnh tranh. DN cũng có thể dùng phần chi phí thuế được giảm để bổ sung vào chi phí marketing, bán hàng..." - ông Nguyễn Lê Thái Hòa phân tích.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC), Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) - đánh giá việc giảm thuế GTGT là cần thiết. Theo Chủ tịch HUBA, nếu chính sách này được xem xét kéo dài thời gian áp dụng đến sau Tết Nguyên đán 2025 thì có thể phát huy tối đa hiệu quả kích cầu trong mùa cao điểm mua sắm của cả nước.
Hơn nữa, việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương trong bối cảnh chi phí đầu vào đang tăng cũng đòi hỏi tăng cường và phát huy biện pháp bình ổn thị trường để hạn chế tình trạng "té nước theo mưa". "Thay vì giảm đều ở mức 2% cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, nên chăng tăng mức giảm thuế suất thuế GTGT cho những sản phẩm thiết yếu, gắn với đời sống hằng ngày của người dân" - ông Nguyễn Ngọc Hòa đề xuất.
Người tiêu dùng được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT
|
Tập trung thúc đẩy tổng cầu
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐHQG Hà Nội, cho rằng 3 mục tiêu cơ bản của chính sách giảm thuế GTGT là ổn định vĩ mô; hỗ trợ phục hồi thị trường - đặc biệt là hỗ trợ quay vòng cung cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; phục hồi cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Theo Phó Viện trưởng VEPR, chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT là chính sách ngắn hạn đa mục tiêu, không chỉ hỗ trợ DN mà còn kích thích tiêu dùng, giảm áp lực đối với lạm phát, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tế, chính sách này và các chính sách hỗ trợ khác đã giúp tiêu dùng phục hồi, nguồn thu từ thuế GTGT của nhiều địa phương trong thời gian qua tăng lên đáng kể.
"Đầu năm 2024, nền kinh tế dù có khởi sắc nhưng tỉ giá tăng, thị trường vàng và bất động sản có nhiều biến động đã tạo áp lực lên chi phí đẩy và tác động đến lạm phát. Đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT thể hiện quyết tâm của Chính phủ với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tâm lý người tiêu dùng và hỗ trợ DN tiết kiệm một phần chi phí" - TS Nguyễn Quốc Việt nhận xét.
Nhiều DN đồng tình với việc cần phải thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước thông qua việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT song song với bảo đảm việc làm và thu nhập của người dân. Muốn vậy, nhà nước phải triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính căn cơ, chiến lược để tạo môi trường sản xuất - kinh doanh thuận lợi, thông thoáng hơn; cân đối, hài hòa giữa chính sách tỉ giá và lãi suất, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn...
Ông Nguyễn Ngọc Hòa đề xuất song song với chính sách tài khóa, cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp kích cầu đầu tư, sản xuất. Riêng với TP HCM, chậm nhất là cuối tháng 6, đầu tháng 7-2024 phải ban hành các quyết định về kích cầu đầu tư để DN đầu tư sản xuất, nhập máy móc, thiết bị, triển khai dự án..., từ đó tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Bên cạnh đó là quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công để tạo lực đẩy cho tổng cầu.
Người dân hưởng lợi trực tiếp
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc giảm thuế GTGT sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước song cũng thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, qua đó góp phần tạo thêm nguồn thu ngân sách. Người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách giảm thuế GTGT, còn DN cũng có điều kiện tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng hoạt động, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Nếu Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết về giảm thuế GTGT đến hết năm 2024, dự kiến thu ngân sách trong 6 tháng cuối năm giảm khoảng 24.000 tỉ đồng.
M.Chiến
|
Bài và ảnh: THANH NHÂN
Người lao động
|