Chênh lệch giá vàng được thu hẹp – Giải pháp nào cho thách thức mới?
Trước những thách thức này, ngoài việc bổ sung thêm nguồn cung như khả năng mở hạn ngạch nhập khẩu trở lại hay yêu cầu công an vào cuộc để xử lý các hành vi vi phạm, có lẽ cũng cần thêm những giải pháp kết hợp khác để chính sách bình ổn mang lại hiệu quả lớn hơn và vẫn đảm bảo có thể duy trì được trong dài hạn.
Thách thức mới
Những hàng người rồng rắn xếp hàng tại các trụ sở được phép bán vàng của nhóm ngân hàng Big 4 là hình ảnh thu hút sự chú ý trong những ngày gần đây. Dù vậy, chính sách bán vàng trực tiếp đến người dân qua 4 NHTM gốc quốc doanh là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank từ ngày 03/06 cũng đã giúp thu hẹp đáng kể giá vàng SJC trong nước với giá vàng thế giới quy đổi, do đó có thể xem là đã đạt được một dấu ấn thành công.
Tuy nhiên, một số thách thức mới cũng đã xuất hiện. Đầu tiên là việc hàng dài người xếp hàng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thường ngày của các ngân hàng này, những đối tượng khách hàng khác như gửi tiền, vay vốn cũng phần nào chịu tác động. Chính vì vậy, mới đây từ ngày 12/06, Vietcombank đã triển khai tiện ích Đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến cho khách hàng ngay trên website của mình, theo giá vàng là giá được niêm yết tại thời điểm thực hiện thanh toán và giao nhận.
Thứ hai, hàng dài người xếp hàng dường như cũng cho thấy nhu cầu mua vàng giá bình ổn thật sự rất cao, nhất là khi có thông tin cho thấy một số tiệm vàng tuy đã giảm giá giao dịch theo giá của các ngân hàng niêm yết nhưng đồng thời cũng đã tạm ngưng việc bán ra tại mức giá không còn quá cao so với giá thế giới như hiện nay. Với lượng người mua đông như vậy, cầu giao dịch từ các tiệm vàng dồn chuyển sang ngân hàng, càng gây sức ép lên khả năng cung ứng của các nhà băng, từ nguồn cung ứng, hoạt động vận chuyển, giao nhận, thanh toán,…
Tuy nhiên, một khả năng khác cũng không thể loại trừ là trong hàng dài người xếp hàng, khó có thể biết được có bao nhiêu người có nhu cầu mua thật sự hoặc đang được thuê mua. Cần nhớ rằng theo chính sách của NHNN, đối tượng mua vàng tại các ngân hàng không bao gồm các tổ chức. Vì vậy, với những tổ chức muốn gom vàng tại mức giá bình ổn này, hoặc sẽ thuê cá nhân mua giùm hoặc đặt giá mua vào cao hơn một ít so với giá bán ra của các ngân hàng.
Chính sách này theo đó sẽ khuyến khích ngày càng nhiều người kiên nhẫn xếp hàng mua vàng tại các ngân hàng rồi đem bán lại cho các tổ chức này, đồng nghĩa với lượng cung vàng ra thị trường nhằm mục đích bình ổn lại bị hút hết sang các tổ chức có nguồn lực tài chính mạnh và vẫn đang muốn tích trữ đầu cơ. Với triển vọng giá vàng trong trung dài hạn vẫn có thể tiếp tục đi lên, lựa chọn gia tăng tích trữ hiện nay nếu có cũng là điều dễ hiểu. Vì vậy, tình trạng này nếu kéo dài tất yếu sẽ gây áp lực lên nguồn cung hiện có là tất yếu.
Thực tế trong công văn gửi Bộ Công an mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho biết hiện nay trên thị trường đang lan truyền thông tin về việc NHNN thiếu vàng để bán; tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế. Do đó, NHNN đề nghị Bộ Công an vào cuộc xác minh và xử lý nghiêm các hành vi này.
Ngoài ra, một số thông tin gần đây cũng cho thấy khả năng các doanh nghiệp sẽ được nhập khẩu vàng trở lại từ tháng 7 - 8/2024. Cụ thể ngày 11/6, hãng tin Reuters cho biết, Việt Nam dự kiến cho phép các doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu vàng sau hơn một thập kỷ nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Tuy nhiên, tin tức này cho đến nay vẫn chưa được các cơ quan quản lý xác nhận. Trong trường hợp được nhập khẩu trở lại có thể bổ sung thêm nguồn cung với kỳ vọng giúp thị trường cân bằng hơn.
Cần thêm giải pháp nào?
Trước những thách thức này, ngoài việc bổ sung thêm nguồn cung như khả năng mở hạn ngạch nhập khẩu trở lại hay yêu cầu công an vào cuộc để xử lý các hành vi vi phạm, có lẽ cũng cần thêm những giải pháp kết hợp khác để chính sách bình ổn mang lại hiệu quả lớn hơn và vẫn đảm bảo có thể duy trì được trong dài hạn.
Nên cho các ngân hàng giao dịch 2 chiều, tức không chỉ bán ra mà còn được phép mua lại vàng của các khách hàng nếu họ có nhu cầu bán lại, sau đó có thể bán lại cho NHNN. Điều này một mặt hạn chế được lượng vàng chuyển sang các tiệm vàng và bị găm giữ tại đó khiến nguồn cung trong nước ngày càng trở nên thiếu hụt, mặt khác giúp các ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
|
Đầu tiên, cần tiếp tục thanh kiểm tra các tiệm vàng, các giao dịch mua bán đảm bảo có hóa đơn rõ ràng, có tình trạng gom mua và đầu cơ tích trữ hay không. Nếu cần thiết có thể xác định vàng miếng trở thành mặt hàng kinh doanh có điều kiện đặc biệt và những doanh nghiệp nào đáp ứng được đầy đủ các điều kiện nghiêm ngặt này mới được cấp giấy phép. Vì khác với các loại hàng hóa thông thường khác, vàng không chỉ là hàng hóa mà còn được không ít người xem là một phương tiện thanh toán.
Thứ hai, nên cho các ngân hàng giao dịch 2 chiều, tức không chỉ bán ra mà còn được phép mua lại vàng của các khách hàng nếu họ có nhu cầu bán lại, sau đó có thể bán lại cho NHNN. Điều này một mặt hạn chế được lượng vàng chuyển sang các tiệm vàng và bị găm giữ tại đó khiến nguồn cung trong nước ngày càng trở nên thiếu hụt, mặt khác giúp các ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Dĩ nhiên rủi ro về giá và thua lỗ khi thị trường thế giới biến động là vẫn có thể xảy ra với các nhà băng, nhưng với quy mô hoạt động vượt trội, nhóm Big 4 vẫn có thể bù đắp được. Ngoài ra, nếu người mua cuối cùng là NHNN với mục tiêu bình ổn thị trường vàng để giữ ổn định nền kinh tế, cũng như nhằm giữ vững và đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối, thì câu chuyện biến động giá không phải là yếu tố quan trọng nhất.
Thứ ba, như một số đề xuất gần đây cũng đã nhắc đến là giải pháp đánh thuế giao dịch vàng. Với những nhu cầu mua tích trữ dài hạn không nói đến, nhưng với các hoạt động lướt sóng đầu cơ để ăn chênh lệch giá trong ngắn hạn, thiết nghĩ cần phải có chính sách đánh thuế trên lợi nhuận đạt được này. Vì rõ ràng các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản đều bị đánh thuế giao dịch, trong khi vàng cũng là một kênh giao dịch phổ biến tại Việt Nam mà không bị đánh thuế là điều cần phải suy nghĩ.
Về cơ bản, đế khuyến khích phát triển một kênh đầu tư nào đó, các chính sách miễn giảm thuế cần được ưu tiên. Ngược lại, với những tài sản, kênh đầu tư nào muốn hạn chế, chính sách thuế theo đó cũng sẽ nghiêm ngặt và khắt khe hơn, như vậy mới có thể hạn chế các hoạt động đầu cơ. Tuy nhiên, để làm được điều này, các giao dịch mua bán vàng cần phải có hóa đơn ghi nhận rõ ràng và đảm bảo truy vết được dòng tiền giao dịch.
Phan Thụy
FILI
|