Cần Thơ: Nâng cao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024
Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, là năm có ý nghĩa quan trọng quyết định khả năng thực hiện hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong quý 1/2024 chưa đạt yêu cầu đề ra, khó khăn, hạn chế ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Tăng trưởng kinh tế quý 1/2024 còn nhiều khó khăn
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 3.13% so với cùng kỳ năm 2023, xếp hạng 53/63 tỉnh/thành cả nước, 13/13 tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và thấp hơn bình quân cả nước. Trong đó:
Đối với hoạt động thương mại và dịch vụ trong quý 1/2024 diễn ra khá ổn định, giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ ước quý 1/2024 tăng 4.4%, đóng góp 2.25 điểm % vào mức tăng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực tăng trưởng chậm hoặc giảm so cùng kỳ như: nghệ thuật, vui chơi và giải trí chỉ tăng 2.2%; giáo dục và đào tạo tăng gần 3%; hoạt động kinh doanh bất động sản giảm gần 4%...
Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng: Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp và xây dựng ước tính quý 1/2024 tăng 2.7%, đóng góp 0.8 điểm % vào mức tăng chung của nền kinh tế. Trong đó, đối với lĩnh vực công nghiệp, trong tháng 1 các doanh nghiệp tập trung sản xuất chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán 2024, sang tháng 2, nhu cầu giảm do thời gian nghỉ Tết, tháng 3 nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng lớn, tính chung quý 1, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp vẫn tăng trưởng dương nhưng mức tăng không cao chỉ tăng 1.12% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ lực có mức độ tăng khá thấp so cùng kỳ, hàng tồn kho của ngành còn ở mức cao tại thời điểm 01/03/2024 tăng 12.9% so với tháng cùng kỳ và tăng 1.83% so với tháng trước. Ngành sản xuất bao bì giấy chật vật trong việc tìm đơn hàng mới; bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu thép của thị trường Trung Quốc và Campuchia giảm và nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng không tăng (sản lượng sắt thép quý 1 giảm 9%);…
Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Hoạt động sản xuất trong quý 1/2024 tương đối ổn định, tuy nhiên, diện tích gieo trồng lúa Đông xuân lại giảm gần 3%, sản lượng giảm 2.5% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong quý 1/2024, thành phố chỉ cấp mới cho 421 doanh nghiệp, đạt 23% kế hoạch; tổng vốn đăng ký 3,048 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch. So cùng kỳ năm 2023, số doanh nghiệp đăng ký giảm gần 8% và số vốn đăng ký mới tăng 27%.
Mặt khác, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động trong quý 1/2024 là 552 doanh nghiệp, số vốn là 3,988 tỷ đồng. Đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong quý 1/2024 thành phố chưa thu hút được dự án mới. Ngoài ra, đối với các khu công nghiệp, thành phố cũng chưa có dự án đầu tư mới.
Khó khăn, hạn chế
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn của thành phố Cần Thơ, nhìn chung những hạn chế, khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố bao gồm:
Đơn hàng sụt giảm, tồn kho thành phẩm tăng, chi phí sản xuất tăng, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ lực đối với khu vực công nghiệp nhưng chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4% so với cùng kỳ, kéo theo chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/03/2024 tăng gần 13% so với tháng cùng kỳ và tăng 1.8% so với tháng trước.
Tình hình xuất khẩu gặp khó khăn vì chưa có thị trường, giá cả; doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.
Hoạt động xây dựng tuy triển khai khá thuận lợi trong những tháng đầu năm nhưng chủ yếu là các công trình chuyển tiếp từ năm trước, chưa nhiều dự án mới được khởi công, xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu nhất là nguyên liệu cát san lấp. Công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án vẫn còn vướng mắc.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp dù tương đối ổn định nhưng vẫn còn phụ thuộc lớn vào thị trường, giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh.
Số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động cao hơn số doanh nghiệp đăng ký mới; một số doanh nghiệp quy mô lớn đều có doanh thu giảm so cùng kỳ năm trước; thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt thấp, chưa thu hút các dự án có quy mô lớn, sự liên kết giữa doanh nghiệp nhà nước, nước ngoài và trong nước còn hạn chế.
Giải ngân vốn đầu tư công cao hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng, chưa hỗ trợ tốt cho sản xuất công nghiệp, xây dựng và thúc đẩy tăng trưởng.
Nguồn thu nội địa còn nhiều khó khăn, thành phố chưa khai thác hết hiệu quả các nguồn thu, đặc biệt là nguồn thu tiền sử dụng đất từ các dự án.
Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong quý liên tục giảm so với đầu năm, nợ xấu có xu hướng tăng.
Nhiệm vụ, giải pháp
Nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6% so với năm 2023, UBND thành phố yêu cầu các Sở, cơ quan, ban ngành, quyết tâm, nỗ lực tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2024, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố như: Quyết định số 3004/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 của UBND thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 19/1/2024 về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy và HĐND thành phố về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024...
Thứ hai, tiếp tục quán triệt, đẩy nhanh tiến độ thể chế hóa các Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị; tranh thủ hỗ trợ của Bộ ngành kịp thời tham mưu cho UBND thành phố triển khai các cơ chế chính sách theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 1 năm 2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Thứ ba, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 5 tháng 2 năm 2024 của Chủ tịch UBND thành phố về việc tổ chức thực hiện Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh tiến độ lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố, từng ngành xác định các giải pháp cụ thể để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo tiến độ và nguồn lực thực hiện; nhất là hoàn thành kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 - 2025) thành phố Cần Thơ, tập trung hoàn thành công tác lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; làm cơ sở cho việc tổ chức rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch xây dựng (quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chung thị trấn, quy hoạch chi tiết …) trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương, đảm bảo quy định pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan hiện hành. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảng giá các loại đất thành phố Cần Thơ 5 năm (2020 - 2024) và quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố phù hợp với quy định hiện hành và thực tiễn địa phương.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển thị trường lao động tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân; chú trọng đào tạo ngành nghề mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao mọi mặt đời sống Nhân dân về tiếp cận y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội. Tăng cường an ninh quốc phòng, ; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Thứ năm, từng cơ quan, đơn vị tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, tích cực phối hợp bao gồm cả việc chủ động phối hợp với các tỉnh thành trong khu vực, tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ ngành có liên quan trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển của ngành, phấn đấu đạt hiệu kết quả cao.
Đinh Tấn Phong
FILI
|